Người Việt đang có nhu cầu cao về phương tiện tránh thai
Ngày 24/12, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tổ chức hội thảo về Dân số và phát triển, hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam (26/12).
Ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), Tổng cục DS-KHHGĐ, cho biết nhu cầu về dịch vụ này ở Việt Nam hiện cao song chưa được đáp ứng.
Ông lấy ví dụ: "Trong một lần đi xe ôm, tôi nói chuyện thì được biết người lái xe có con thứ 3. Ban đầu, anh ấy nói bản thân muốn đẻ 3 con, nhưng sau khi khai thác sâu, anh mới thú nhận do bị nhỡ nên đành đẻ".
KHHGĐ giúp người dân thực hiện biện pháp tránh thai để tránh có thai ngoài ý muốn, dự phòng vô sinh, giảm phá thai, tỷ lệ tử vong bà mẹ trẻ em có liên quan thai sản, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số, đạt MSTT vào năm 2006, duy trì tới nay. Tuy nhiên, chương trình KHHGĐ nước ta đang phải đối mặt nhiều thách thức lớn. Trong đó, nhu cầu phương tiện tránh thai tiếp tục tăng do số phụ nữ 15-49 tuổi vẫn gia tăng. Tình trạng phá thai, vô sinh có xu hướng tăng. Nhu cầu tránh thai chưa đáp ứng vẫn còn cao, nhất là nhóm vị thành niên, người di cư.
Đặc biệt, thị trường phương tiện tránh thai chưa đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dân, chủ yếu chỉ có viên uống tránh thai và bao cao su.
"Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng và đạt cực đại khoảng 26 triệu vào trước năm 2030. Bên cạnh đó, chúng ta phải duy trì tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở mức cao. Điều này sẽ tạo sức ép rất lớn về như cầu và dịch vụ KHHGĐ trong những năm tới", ông Sơn lo ngại.
Chính vì vậy, một trong những vấn đề cấp bách cần giải quyết là khắc phục tình trạng nhu cầu chưa được đáp ứng, giảm có thai ngoài ý muốn, phá thai, vô sinh, góp phần cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Theo ông Sơn, chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030 hướng tới mục tiêu 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% vào năm 2025, 52% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.