Người Việt dễ bị lừa?
Nhiều người bảo 'Người Việt dễ bị lừa nhất?'. Có lừa vui, gọi là đùa và lừa bậy gọi là lừa đảo để trục lợi. Người Việt thích đùa để cuộc sống thêm vui. Tham lam là thuộc tính của con người, nên không ít người thích lừa người khác và phải chăng vì thế mà người Việt bị xem là dễ bị lừa?
Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỉ đồng, chưa kể các loại hình lừa đảo khác. Vào mạng và mở báo, ngày nào cũng nhan nhản tin cảnh báo lừa đảo và bài viết về các vụ lừa đảo. Nạn nhân đủ thành phần, đủ lứa tuổi, từng người, nhóm người đến hàng hà sa số.

Ảnh minh họa.
Từ chơi hụi, mua hàng đa cấp, mua bán tiền ảo, sở hữu kỳ nghỉ, giả mạo ngân hàng, giả danh cán bộ, Công an, giả website các resort và khách sạn cao cấp, du lịch miễn phí, định cư nước ngoài, chạy việc, chạy chức đến hợp tác làm ăn, đầu tư bất động sản... Thứ nào cũng tinh vi, đa dạng từ cách tiếp cận, tiếp thị, dẫn dụ bài bản, chuyên nghiệp.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên công vụ như điện lực, ngân hàng, Công an... báo lý do đột xuất về sự cố cá nhân hoặc đơn vị. Trong lúc bất ngờ, bối rối, làm theo chỉ dẫn là bị lừa. Không khó để nhận diện ra bọn lừa đảo. Nếu cá nhân hay đơn vị có sự cố, các cơ quan sẽ gửi giấy mời cụ thể, có dấu mộc hẳn hoi, không gọi điện hù dọa.
Lừa đảo dây chuyền tinh vi hơn. Mục tiêu của các đối tượng lừa đảo là chiếm đoạt tài sản, dựa vào tâm lý đám đông. Nhiều người Việt hám lợi, lúc nào cũng muốn “đi tắt đón đầu”, thích bẻ đọt non mà không chịu vun gốc. Muốn có trái ngọt mà không chịu chọn giống, ươm mầm, chăm sóc cây. Có người rủ rê người thân vì ý tốt, muốn chia sẻ lợi nhuận nhưng không ít nạn nhân kéo người thân tham gia nhằm giảm thiểu thiệt hại phần mình.
Các mô hình kinh doanh, đầu tư lừa đảo đều có chung công thức "siêu lợi nhuận", hết sức kiên trì, tạo “hiệu ứng fomo” (hội chứng tâm lý sợ hãi mình bỏ lỡ những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống) của bầy cừu. Trước khi tự nguyện bị lừa, nhiều người cũng từng hoài nghi. Sự chần chừ nhỏ dần khi thấy nhiều người tham gia, nhất là những người thân quen, có uy tín tham gia trước đó. Lòng tin được thuyết phục từ những việc rất nhỏ, hết sức kiên nhẫn, đặt chữ tín lên hàng đầu trong thời gian đầu. Vì “siêu lợi nhuận” trước mắt, nhiều người lao vào huy động vốn như thiêu thân.
Khi nguồn vốn thu gom đạt đỉnh, nhóm cá mập buông neo, phá thuyền chìm. Nhiều người đuối nước. Số lóp ngóp lên bờ, đòi quyền lợi thì hỡi ôi, không có gì ràng buộc pháp lý. Có người quẫn trí tự kết liễu mạng sống, trốn cả nợ người lẫn nợ đời, bỏ mặc người thân ngụp lặn, chống chèo vượt bão. Họ đáng thương và cả đáng trách. Trên đời này, không có gì dễ dàng, nhất là việc kiếm tiền chính đáng.
Bị lừa, mất tiền, bị stress, mất niềm tin, hoang mang; có khi mất cả người, ảnh hưởng người thân, cộng đồng và những hệ quả xã hội không thể tính toán hết được. Tốn thời gian, công sức, của cải để điều trị, phục hồi của gia đình và cơ quan chức năng. Cơ quan Công an liên tục đưa ra nhiều khuyến cáo, cảnh báo nhưng người dân không đọc hoặc bỏ ngoài tai.
Mất tiền, có thể kiếm lại nếu còn người. Đáng sợ và nguy hiểm nhất là không dám nhìn thẳng sự thật trần trụi, dám đứng lên ngay chỗ ngã và làm lại mạnh mẽ hơn. Kinh doanh hay đầu tư cũng như kiếm bạn, chọn vợ chồng, phải tìm hiểu cặn kẽ. Đừng bị ảo ảnh bởi các tấm hình chỉnh sửa qua Photoshop và những lời tự giới thiệu có cánh, hay sự tâng bốc có sắp đặt.
Quan trọng nhất là phải hiểu biết và thượng tôn pháp luật với những hợp đồng pháp lý cụ thể. Chữ tín không thay được pháp luật.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nguoi-viet-de-bi-lua--i759611/