Người Việt di chuyển khoảng 27 km/ngày, nhưng muốn xe máy điện chạy 150-200 km mỗi lần sạc

Dù trung bình người Việt chỉ di chuyển khoảng 27 km mỗi ngày, nhưng thị trường vẫn yêu cầu xe máy điện có tầm hoạt động 150-200 km mỗi lần sạc, tương đương với xe xăng.

Dự báo trong vòng 5-10 năm tới, xe máy điện có thể dần thay thế xe xăng, đặc biệt ở đô thị lớn.

Dự báo trong vòng 5-10 năm tới, xe máy điện có thể dần thay thế xe xăng, đặc biệt ở đô thị lớn.

Việt Nam là một trong những thị trường xe máy lớn nhất thế giới, với hơn 70% dân số sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển chính. Tại đây, cuộc đua giữa xe máy điện và xe máy xăng đang diễn ra rất sôi động, đặc biệt với sự tham gia của các thương hiệu lớn như Honda, Yamaha, VinFast, Yadea, Pega, và nhiều hãng khác.

Mặc dù xe máy xăng vẫn chiếm thị phần lớn tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở Đông Nam Á, nơi xe máy là phương tiện chính, xe máy điện đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào chính sách hỗ trợ từ chính phủ, sự phát triển công nghệ pin và nhu cầu về các phương tiện xanh.

Các ông lớn trong ngành như Honda, Yamaha, VinFast, Yadea và Gogoro đang đầu tư mạnh vào xe điện nhằm bắt kịp xu hướng chuyển đổi này. Dự báo trong vòng 5-10 năm tới, xe máy điện có thể dần thay thế xe máy xăng, đặc biệt là ở các đô thị lớn.

Chia sẻ về cuộc đua giữa xe máy điện và xe máy xăng, ông Lê Hoàng Long, cựu CEO Pega và cựu Phó Tổng Giám đốc kinh doanh và marketing xe máy điện của VinFast, hiện là Giám đốc điều hành Giovani, cho rằng dù trung bình người Việt chỉ di chuyển khoảng 27 km/ngày, nhưng thị trường lại yêu cầu xe máy điện phải đạt tầm hoạt động 150-200 km mỗi lần sạc, tương đương với xe xăng. Đây không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là một thách thức về tâm lý tiêu dùng và hạ tầng sạc.

Giải thích lý do tại sao nhu cầu thực tế và kỳ vọng của thị trường lại có sự chênh lệch lớn, ông Lê Hoàng Long cho rằng đó là do tâm lý an toàn và nỗi lo về việc "hết pin giữa đường". Xe xăng có thể đổ đầy nhiên liệu trong vài phút tại bất kỳ cây xăng nào, trong khi xe điện lại phải phụ thuộc vào thời gian sạc kéo dài và mạng lưới trạm sạc vẫn còn hạn chế. Người dùng e ngại tình trạng cạn pin giữa hành trình, do đó, họ yêu cầu xe điện phải có tầm hoạt động dài hơn để đảm bảo an toàn và sự an tâm khi sử dụng.

Ông Lê Hoàng Long tiếp tục phân tích rằng, dù xe điện chủ yếu phục vụ nhu cầu di chuyển hằng ngày, người Việt vẫn kỳ vọng chúng có thể di chuyển được quãng đường dài như xe xăng. Họ không muốn phải hy sinh sự tiện lợi mà họ đã quen thuộc. Một chiếc xe điện với tầm hoạt động lớn sẽ tạo ra sự linh hoạt và giúp người sử dụng cảm thấy yên tâm, ngay cả khi có nhu cầu di chuyển đột xuất. Điều này tạo áp lực lớn cho các hãng sản xuất trong việc nâng cấp công nghệ pin.

Ông Lê Hoàng Long cho rằng, người tiêu dùng Việt có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có công suất mạnh và nhiều tính năng, ngay cả khi họ không sử dụng hết những tính năng đó. Một chiếc xe điện với quãng đường di chuyển dài không chỉ mang lại cảm giác an tâm mà còn thể hiện sự hiện đại và mạnh mẽ, dù thực tế quãng đường trung bình mà người Việt di chuyển mỗi ngày không yêu cầu thông số như vậy.

Cựu CEO Pega nhận định rằng đây là một thách thức lớn đối với các hãng xe điện. Mặc dù người Việt chỉ di chuyển khoảng 27 km/ngày (người đi làm) và 11 km/ngày (học sinh), nhưng do những lo ngại về pin, kỳ vọng vào công nghệ, nhu cầu sử dụng linh hoạt và hạ tầng sạc chưa hoàn thiện, họ vẫn mong muốn xe điện có thể đi được trên 150 km mỗi lần sạc.

Điều này đặt ra một bài toán hóc búa cho các hãng xe điện: Làm thế nào để cân bằng giữa dung lượng pin, giá thành và nhu cầu thực tế của người dùng? Những mẫu xe có tầm hoạt động dưới 100 km mỗi lần sạc sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với xe xăng và chủ yếu chỉ thu hút khách hàng học sinh, một thị trường đã bão hòa.

Để thực sự đối đầu với xe xăng, xe điện buộc phải vượt qua rào cản về quãng đường di chuyển, biến yếu tố này thành lợi thế thay vì điểm yếu.

Thái Khang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-canh-tranh-voi-xe-xang-xe-dien-phai-vuot-qua-rao-can-ve-pham-vi-di-chuyen-2387419.html