Người Việt kỳ vọng sinh lời cao nhưng vẫn chuộng đầu tư truyền thống

Đây là kết quả từ khảo sát của Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) về thực trạng và nhu cầu của người Việt về quản lý tài sản cá nhân.

 Không ít nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận trên 7%/năm, thậm chí mong đợi mức sinh lời tới 30%/năm nhưng vẫn ưu tiên kênh đầu tư truyền thống. Ảnh: Phương Lâm.

Không ít nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận trên 7%/năm, thậm chí mong đợi mức sinh lời tới 30%/năm nhưng vẫn ưu tiên kênh đầu tư truyền thống. Ảnh: Phương Lâm.

Cụ thể, 88% nhà đầu tư được khảo sát kỳ vọng mức lợi nhuận trên 7%/năm, trong đó 42% mong đợi tỷ suất sinh lời 15-30%/năm. Đây là mức lợi nhuận chỉ xuất hiện ở kênh đầu tư rủi ro cao.

Tuy nhiên khảo sát cũng cho thấy đa số họ lại ưu tiên kênh đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm, vàng, bất động sản. Có đến 75% nhà đầu tư chỉ rót vốn vào 2-3 loại tài sản, đặc biệt là kênh truyền thống, thay vì chủ động phân bổ tài sản đa dạng.

TVAM nhận thấy điều này không chỉ phổ biến ở nhóm nhà đầu tư phổ thông. Ngay cả những người có tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên và thu nhập trên 500 triệu đồng/năm cũng có hành vi tương tự. Điều này cho thấy rào cản không đến từ quy mô tài sản, mà từ việc chưa đủ trải nghiệm đầu tư và kiến thức quản lý tài chính.

Nghịch lý khác là 74% người khảo sát kỳ vọng thu nhập sau nghỉ hưu đạt 100-500 triệu đồng/năm, nhưng phần lớn vẫn đầu tư thiếu chiến lược, không phân bổ rủi ro hợp lý.

Về hành vi đầu tư, báo cáo cho thấy 77% người tham gia khảo sát gặp khó khăn khi tự quản lý tài sản, 51% thừa nhận dễ bị cảm xúc chi phối khi ra quyết định, 48% thiếu kiến thức chuyên sâu về tài chính. Tình trạng này khiến họ bị cuốn theo xu hướng ngắn hạn hoặc đầu tư không hiệu quả.

Nhiều người được khảo sát bày tỏ do dự về việc sử dụng dịch vụ quản lý tài sản vì lo chi phí cao, thiếu minh bạch, hoặc cảm thấy tài sản của mình chưa đủ lớn. Có bộ phận nhà đầu tư chưa hiểu rõ cách vận hành của dịch vụ quản lý tài sản, hoặc chưa có niềm tin với đội ngũ tư vấn.

Tuy nhiên, nhu cầu vẫn rất rõ ràng. 81% người khảo sát mong được tư vấn tài chính, trong đó 44% quan tâm đến đầu tư bất động sản, 32% muốn lập kế hoạch tài chính tổng thể, 31% muốn tư vấn về cổ phiếu, trái phiếu, quỹ, và 29% mong được tư vấn thuế liên quan đến tài sản.

Dù vậy, dịch vụ quản lý tài sản (wealth management) tại Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn sơ khai. Theo khảo sát, chỉ 39% người tham gia từng nghe đến dịch vụ này và chỉ 4% từng sử dụng.

Dịch vụ quản lý tài sản trên nền tảng số cũng chưa được đón nhận rộng rãi. Chỉ 36% biết đến loại hình này và trong số đó, chỉ 16% từng sử dụng. Rào cản phổ biến là tâm lý thích tự quản lý tài sản (41%), lo ngại chi phí không minh bạch (34%), rủi ro bảo mật (30%) và mong muốn được gặp trực tiếp chuyên gia (27%).

Khảo sát cũng cho thấy công nghệ không thay thế được yếu tố con người trong việc ra quyết định tài chính. Nhiều nhà đầu tư vẫn cần cảm giác an tâm khi có chuyên gia đồng hành, đặc biệt trong các giai đoạn thị trường biến động.

Do đó, TVAM cho rằng mô hình hybrid - kết hợp giữa công nghệ số và tư vấn - quản lý đầu tư cùng chuyên gia, sẽ là một hướng phát triển phù hợp cho ngành dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam trong thời gian tới.

Khảo sát của TVAM thực hiện vào tháng 5, với 579 người tại 5 thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) tham gia. Đối tượng khảo sát từ 30 tuổi trở lên, có kinh nghiệm đầu tư và tài sản tích lũy tối thiểu 200 triệu đồng. Trong đó, 40% sở hữu từ 500 triệu đồng, và 45% có từ 1 tỷ đồng trở lên.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-viet-ky-vong-sinh-loi-cao-nhung-van-chuong-dau-tu-truyen-thong-post1567110.html