Hà Nội nói gì về thông tin rau phun thuốc chiều hôm trước được mang bán sáng hôm sau?
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho rằng còn tình trạng một số hộ dân trồng rau tự phát để tự cung tự cấp, sau đó đưa ra chợ bán, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm nếu không được kiểm soát chặt.
Sáng 9/7, tại phiên chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 25 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, đại biểu Nguyễn Quang Thắng bày tỏ lo ngại về tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn thu hoạch rau chỉ sau một đêm để bán ra thị trường.
"Rau mới phun thuốc hôm trước, hôm sau đã đưa đi tiêu thụ khắp địa bàn thành phố", ông Thắng nói.
Chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đại biểu Thắng để nghị làm rõ việc quy hoạch vùng sản xuất rõ nguồn gốc, liên kết với các địa phương để đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn đang được thực hiện ra sao?".

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng bày tỏ lo ngại về tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (Ảnh: Hữu Thắng).
Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, tình trạng đại biểu phản ánh xảy ra tại phường Phúc Lợi, nơi có 51 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng rau khoảng 8,5 ha, riêng rau muống là 1,5 ha. Tuy nhiên, đất trồng rau lại phân tán trong các khu vực trồng cây ăn quả như ổi, gây khó khăn cho kiểm soát.
Về nghi vấn tình trạng người dân phun thuốc bảo vệ thực vật tối hôm trước nhưng sáng hôm sau đã thu hoạch mang đi tiêu thụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho rằng còn tình trạng một số hộ dân trồng rau tự phát để tự cung tự cấp, sau đó đưa ra chợ bán. Nhóm sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm nếu không được kiểm soát chặt.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệm và Môi trường Hà Nội, cũng giống như thịt, nguồn cung rau sạch hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu của Hà Nội, buộc phải nhập từ các địa phương khác. Sở đang phối hợp với các ngành để kiểm soát chặt từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến lưu thông, kết hợp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân.

Ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội trả lời chất vấn (Ảnh: Hữu Thắng).
Làm rõ thêm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm có rất nhiều khâu, từ trồng trọt, chăn nuôi, cho đến lưu thông, rồi đến bảo quản, chế biến.
"Các khâu trước đảm bảo rồi nhưng không đảm bảo khâu bảo quản và chế biến thì cũng ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm", Phó Chủ tịch UBND Thành phố nói và khẳng định Thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực này trong thời gian tới.
Làm rõ hơn nội dung này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, an toàn thực phẩm là một vấn đề rộng và khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cũng như là người dân cùng vào cuộc.
Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình quản lý phù hợp với đặc thù Thủ đô – nơi có dân số lớn và nguồn thực phẩm đến từ nhiều tỉnh, thành và nhập khẩu cả ở nước ngoài. "Phải có cơ quan đủ mạnh để kiểm soát thì công tác an toàn thực phẩm mới hiệu quả", ông Quyền nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, an toàn thực phẩm là một vấn đề rộng và khó, cần sự vào cuộc cả hệ thống (Ảnh: Hữu Thắng).
Chốt lại vấn đề này, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, có hai vấn đề then chốt cần giải quyết: hoàn thiện cơ chế chính sách và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật.
"UBND Thành phố cần sớm trình các đề án, chính sách để HĐND thẩm định và thông qua. HĐND và Thành ủy luôn sẵn sàng phối hợp, nghiên cứu và giải quyết. Nhưng nếu không song hành cả xây dựng chính sách và xử lý nghiêm minh thì khó có thể giải quyết được", ông Tuấn nói và đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố, các Phó Chủ tịch và lãnh đạo các sở ngành tập trung vào công tác này với tinh thần quyết liệt.
"Việc này rất khó, nhưng nếu không cùng nhau làm thì sẽ không thể đạt được kết quả như kỳ vọng của cử tri", Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội nhấn mạnh.