Người viết lịch sử tướng biên viễn Thoại Ngọc Hầu

Sau hơn 10 năm sưu tầm, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Duy Anh ở thành phố Đà Nẵng đã cho ra mắt cuốn sách về vị tướng Biên phòng ở đất phương Nam Thoại Ngọc Hầu. Ông còn sưu tầm được nhiều giai thoại về tình bạn của Thoại Ngọc Hầu và Trần Quang Diệu - hai người từng là bạn thân hữu, nhưng mỗi người phò một vua - người theo Hoàng đế Quang Trung, người theo vua Gia Long.

Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Duy Anh với cuốn sách về Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: Văn Chương

Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Duy Anh với cuốn sách về Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: Văn Chương

Nhập tâm quá khứ

Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Duy Anh hiện nay sống trong căn nhà rợp bóng nhiều loại cây xanh trên đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. “Khi tôi viết thì giống như là có người dẫn dắt vậy; phải tranh thủ làm chứ không thì không thể kịp…”.

Câu chuyện mở đầu, tôi đã cảm nhận rằng, nhà nghiên cứu tuổi ngoài 80 đã bị “nhập tâm” khá sâu vào 23 cuốn sách mà ông cùng những người bạn đã đồng hành viết ra, như: Minh quân Lê Thánh Tông và triều thần, Lược sử Đà Nẵng 700 năm, Nữ lưu đất Việt, Chí sĩ Lê Bá Trình - thân thế và sự nghiệp… Sự nhập tâm, cùng với suy nghĩ về đoạn cuối đường đời đã khiến ông cố gắng vắt sinh lực mỗi khi ngồi vào bàn viết.

Cách đây 7 năm, ông ký tặng tôi cuốn sách Nữ lưu đất Việt, còn cuốn sách ông xuất bản sau này là Danh thần Thoại Ngọc Hầu với quê hương và miền Tây Nam Bộ. Ông sưu tầm từ nhiều nguồn tư liệu, đi điền dã, dịch các văn bản Hán Nôm để mở rộng nguồn tư liệu.

Trong phần mở đầu, ông giới thiệu: Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại), sinh ngày 26/11/1761, thuộc tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Lý lịch về cuộc đời của Thoại Ngọc Hầu được ông trích những đoạn rất ngắn từ những trang đầu tiên, giúp cho người đọc ngay từ đầu thấy hiện ra chân dung của một vị tướng dọc ngang đất phương Nam. Đó là năm Đinh Dậu 1777, Thoại Ngọc Hầu đầu quân theo Nguyễn Vương Phúc Ánh tại Ba Giồng. Năm 1798-1799, ông được cử sang Xiêm và Lào, được phong chức Khâm sai Thượng đạo Tướng quân.

Đức tính trượng phu và hết lòng vì người dân vùng biên ải phía Nam của Thoại Ngọc Hầu được nhà nghiên cứu Lê Duy Anh miêu tả khá chi tiết trong cuốn sách thông qua việc đào kênh Vĩnh Tế; mở mang phát triển giao thương biên mậu giữa 2 quốc gia bằng việc huy động binh lính và binh phu, mở 3 tuyến đường từ Gia Định đi Nam Vang.

Đáng chú ý là cuốn sách có nhiều tư liệu mới về tình bạn giữa Thoại Ngọc Hầu và Trần Quang Diệu, tướng của Hoàng đế Quang Trung. Từ thuở nhỏ, Thoại Ngọc Hầu và Trần Quang Diệu từng là đôi bạn thân. Vào năm 1775, đôi bạn tắm bên bờ sông Hàn và đã trừng trị một viên quan hống hách bằng cách nhấn người này xuống nước rồi lôi lên bờ.

Sau sự việc này, bà Phan Thị Hy, mẹ của Trần Quang Diệu sợ quá nên đưa con đi trốn vào vùng rừng núi Tây Sơn. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết, mẹ của Thoại Ngọc Hầu thì đưa gia nhân cùng các con xuôi thuyền bầu trốn vào Nam và dừng chân ở trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1777, Trần Quang Diệu đứng dưới trướng của Hoàng đế Quang Trung, còn Thoại Ngọc Hầu đứng dưới trướng của triều đình nhà Nguyễn.

Tình bạn - địch thủ

Nhà nghiên cứu Lê Duy Anh luôn ca ngợi đức tính trượng phu của Thoại Ngọc Hầu, thà bị phạt, giáng chức chứ không bao giờ đối đầu với bạn. Đó là vào năm 1801, giai đoạn nhà Tây Sơn bắt đầu suy vi và quân của Nguyễn Ánh đang trong đà thắng thế. Thoại Ngọc Hầu nghe tin tướng Trần Quang Diệu bỏ thành Quy Nhơn, đưa viện binh theo đường Thượng đạo, hành quân ra phía Bắc để giải cứu thành Phú Xuân và Nghệ An.

Thoại Ngọc Hầu đang cầm quân ở Thượng đạo nhận được tin nhưng không muốn mang quân đối đầu với bạn đã vội vã giao quân cơ lại cho Điền quân Lưu Phước Tường, sau đó, chạy về Gia Định, chấp nhận bị giáng chức xuống Cai đội, đày ra bưng biền Thanh Châu.

Cuộc đời binh nghiệp ở miền biên viễn của ông được sách ghi chép, đó là tháng 11 năm 1802, lãnh chức Trấn thủ Lạng Sơn thay cho Lê Đình Chính, đến tháng 10 năm Canh Ngọ (1810), vua Gia Long triệu về kinh. Năm 1817, ông được cử vào biên giới phía Nam làm Trấn thủ Vĩnh Thanh. Ông đã huy động dân lập ấp, xây dựng 5 làng ở cù lao Dài.

Năm 1818, ông chỉ huy đào kênh Thoại Hà, chiều dài 30km, nối liền Long Xuyên với Rạch Giá. Công trình lưỡng dụng, vừa phục vụ dân sinh, vừa để phòng thủ là kênh Vĩnh Tế nằm dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Kênh được đào từ năm 1819 đến năm 1824, sau khi hoàn thành mang tên người vợ của ông.

Chính sách mà ông triển khai cách đây 199 năm, đến giờ vẫn được áp dụng trong công tác biên phòng, đó là đưa dân ra vùng biên giới. Vào năm 1823, ông cho lập 5 làng dọc bờ kênh Vĩnh Tế, đó là làng Vĩnh Ngươn, Vĩnh Điều, Vĩnh Tế, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông.

Sau này, sử sách nhà Nguyễn có ghi chép: “Án thủ Châu Đốc là Thống chế Nguyễn Văn Thụy trước mộ dân dời đến ở đất biên thùy, đặt ra 20 xã, thôn, vay của công 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo cho dân, đã hoãn nhiều năm, dân vẫn chưa trả được, đến nay, Thụy đem của nhà trả bù cho dân”.

Trong thời gian làm Trấn thủ Lạng Sơn từ năm 1803-1810, sử sách không ghi rõ công trạng của Thoại Ngọc Hầu. Theo nhà nghiên cứu Lê Duy Anh, trong một sắc dụ của vua Minh Mạng chỉ ghi vắn tắt: “Nguyễn Văn Thoại đã từng quen thuộc và hiểu rành về tình hình, phong tục của nhân dân cùng sự gần xa, hiểm yếu của sông núi tại các nước Xiêm, Miên, Lào…”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-viet-lich-su-tuong-bien-vien-thoai-ngoc-hau-post454460.html