Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam
Gặp mặt đại diện kiều bào Việt Nam tiêu biểu nhân dịp về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV và Diễn đàn tri thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, tại Phủ Chủ tịch, chiều 23/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới.
Cùng dự có đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban dân vận Trung ương Mai Văn Chính; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thu Hà; đại diện các kiều bào tiêu biểu trên khắp thế giới.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện các kiều bào đều bày tỏ vinh dự và cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với kiều bào. Đại diện các kiều bào cũng có những ý kiến, đánh giá, nhận xét, kiến nghị, đề xuất một số vấn đề liên quan kiều bào ta ở nước ngoài.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng, xúc động gặp mặt những Việt kiều tiêu biểu đại diện cho đoàn gần 500 bà con từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và đánh giá cao kết quả hội nghị; nhiều đại biểu dự nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực của thế giới và có nhiều đóng góp cho đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi những tình cảm thân thương, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư cũng như tới những người con yêu dấu của Tổ quốc đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời. Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay đón nhận những đóng góp quý báu của bà con, từ đó xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh của mọi dòng máu Việt. Bác Hồ từng nhắc nhở “Đất nước đang cần sự chung tay của tất cả con dân đất Việt, dù ở trong hay ngoài nước. Bà con kiều bào hãy cùng chung sức để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng” và từ “Đồng bào” ở đây có nghĩa là anh em cùng một bọc, điều đó đã bao hàm ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn kết, về nguồn cội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Thông tin về tình hình đất nước với kiều bào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, đất nước gần 40 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Kết quả xây dựng, phát triển đất nước từ chỗ hai triệu người chết đói, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới; quy mô nền kinh tế đứng hàng 40 thế giới; kim ngạch xuất nhập khẩu đứng tốp 20 thế giới; vai trò, vị thế được nâng lên. Việt Nam hướng đến trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Hiện nay, đất nước ta đang tập trung dồn lực bứt tốc thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; chuẩn bị chu đáo cho các mục tiêu Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Quá trình thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gặp phải hai khó khăn rất lớn đó là là tác động của đại dịch Covid-19, hơn 2 năm phải dừng các hoạt động kinh tế-xã hội, các nguồn lực tập trung vào phòng, chống dịch; tình hình thế giới, xung đột biến động chính trị nhiều vùng, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc tế. Vì vậy, trong thời gian tới cần phấn đấu, nỗ lực đã đạt được các mục tiêu Nghị quyết đại hội XIII đề ra. Tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng là đại hội dấu mốc 100 năm lãnh đạo của Đảng, tiến tới 100 năm thành lập nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh làm cho hệ thống chính trị hoàn thiện hơn, mạnh hơn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường gắn bó với dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Quốc phòng, an ninh được củng cố; quan hệ đối ngoại được nâng tầm, thể hiện được tâm thế, đóng góp của Việt Nam duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, hiếm có quốc gia nào đón được Nguyên thủ quốc gia của ba cường quốc hàng đầu thế giới thăm cấp Nhà nước chỉ trong vòng chín tháng như Việt Nam.
Đạt được những thành tựu, kết quả nêu trên, trước hết là do ý Đảng hợp với lòng dân, sự chung sức, đồng lòng nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có những đóng góp quý báu của kiều bào ta ở nước ngoài đoàn kết. Xu thế hướng về đất nước của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực từ đầu tư-kinh doanh, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đến văn hóa-xã hội... Kiều hối, đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân trong nước. Nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào đã có những đóng góp quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, thể hiện qua những dự án cũng như những ý kiến đóng góp cho đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tư vấn, tham mưu rất tâm huyết, giá trị của bà con Việt kiều về phát triển công nghệ cao, phát triển xanh, bền vững, giữ gìn, quảng bá văn hóa, ngôn ngữ Việt, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc... tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư.
Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo, bà con kiều bào ta đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, thúc đẩy và giành được sự yêu mến của bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn có đóng góp rất quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân trong công cuộc đổi mới. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo, bà con kiều bào ta đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, thúc đẩy và giành được sự yêu mến của bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội nước sở tại; nhiều tấm gương trong lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh... đã góp phần làm rạng danh đất nước, dân tộc Việt Nam khắp năm châu bốn bể.
Khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong rằng sáu triệu đồng bào ta ở nước ngoài sẽ muôn người như một, cùng một niềm tin, ý chí, nỗ lực hướng tới thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Như Bác Hồ đã nói với bà con kiều bào khi Người thăm Pháp năm 1946: “Mỗi kiều bào phải là một Đại sứ nhân dân của Việt Nam, thi đua phấn đấu, cùng nhau góp sức vào sự nghiệp chung của cả dân tộc”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, những người có điều kiện tiếp cận nhanh nhất với công nghệ hiện đại, tri thức tiến bộ, tiếp tục đem trí tuệ, kinh nghiệm, tri thức của mình để hiến kế xây dựng, phát triển quê hương đất nước. Mong bà con không chỉ về nước đầu tư mà còn phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối mang hàng hóa, thương hiệu Việt ra khắp thế giới; quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta với bạn bè quốc tế. Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều “Trần Đại Nghĩa”, “Lương Định Của”, “Trần Hữu Tước”… thời đại mới về chung tay góp sức xây dựng đất nước.
Chia sẻ có nhiều kiều bào là nhà khoa học, cả những nhà khoa học trẻ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định sự phát triển đất nước gắn với phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học…, đó cũng là con đường thế giới đang đi. Bày tỏ vui mừng khi các em, các cháu ra nước ngoài tìm tri thức, học tập, nghiên cứu, góp phần xây dựng đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục mang tiến bộ khoa học, tiếp tục hiến kế xây dựng đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong bà con hội nhập và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, luôn giữ gìn truyền thống: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Người trong một nước phải thương nhau cùng” để chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, đất nước; xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, tích cực đóng góp cho nước sở tại nơi bà con cư trú và đồng hành cùng dân tộc trong thời gian tới, nhất là giai đoạn then chốt hướng tới các mục tiêu 2030 và 2045 của đất nước.
Tin tưởng rằng, đồng bào dù có đi đâu, ở đâu, làm gì, cuộc sống thuận lợi hay khó khăn nhưng trong trái tim vẫn luôn ấm nồng tình yêu quê hương, đất nước và luôn nhớ rằng “Tiếng Việt là hồn của Dân tộc. Dù sống xa quê hương, bà con cần giữ gìn tiếng Việt, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc để con cháu không quên cội nguồn” như Bác Hồ từng nhắc nhở. Dù cho đâu đó còn có những khác biệt nhưng 100 triệu người Việt trong nước và 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đều là dòng dõi con Lạc, cháu Hồng, đều sinh ra từ một cội, đều chung lòng yêu nước thương nòi, chúng ta hãy tranh thủ tốt thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng nhau xây dựng một tương lai rạng ngời, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, sớm đạt ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân tộc.
Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn chào đón, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước thăm thân, du lịch, đầu tư sản xuất, kinh doanh; hết sức cầu thị, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế xây dựng đất nước của bà con. Thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực quý báu của kiều bào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập và phát triển mạnh trong đời sống xã hội nước sở tại.
Hiện nay, có khoảng sáu triệu người Việt Nam ở nước ngoài ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Cộng đồng tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng về thành phần do số lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động, kết hôn, đầu tư... tiếp tục tăng. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Kiều bào tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về quê hương, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo và xây dựng đất nước. Hằng năm, khoảng 500 lượt chuyên gia, trí thức kiều bào về nước tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ…Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 200 cơ sở dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành, địa phương. Vị thế đất nước đã giúp cộng đồng có điều kiện phát triển tốt hơn tại sở tại, không ngừng có đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước, qua đó góp phần ủng hộ sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.