Người Việt ở Đài Loan: Siêu thị bị vét sạch, chẳng còn gì để mua
Làn sóng Covid-19 bùng phát khiến Đài Loan, Singapore và Malaysia quay lại với giãn cách xã hội, làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người Việt tại những nơi này.
Chị Nguyễn Lương Hiền (40 tuổi) lấy chồng và sinh sống ở Tân Bắc, Đài Loan, đã 20 năm nay. Khi tình hình dịch ở hòn đảo nghiêm trọng trở lại, chị nhận được tin nhắn từ nhà trường báo học sinh được về sớm và tạm thời nghỉ học.
Dù đang làm dở công việc, chị vội vàng đến đón con chứ không dám để con tự về, vì lo bé sẽ lây bệnh nếu chen chúc trên xe buýt.
“Đưa con về xong, tôi xuống siêu thị gần nhà mua ít đồ đơn giản để hôm sau hai bà cháu ở nhà có cái ăn nhanh vì tôi đi làm cả ngày. Thế nhưng lúc tới thì những thứ tôi cần không còn. Mì tôm, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn khô, giấy, nước đóng chai... đều hết sạch”, chị Hiền kể với Zing.
“Ngày xưa còn nghèo, tôi không có tiền để mua sắm nhiều thì đành chịu. Vậy mà bây giờ, dù có tiền tôi cũng không mua được gì vì hàng hóa đã bị vét hết sạch”, chị nói.
Chị Hiền dự định đi siêu thị vào sáng sớm, vì lúc đó hàng hóa mới sẽ được chuyển về. Tuy nhiên, chị lo ngại những người chưa kịp tích trữ thực phẩm như chị cũng sẽ đến cùng lúc, gây ra chen chúc khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn.
Mầm bệnh đã lan trong cộng đồng
Đài Loan là một trong số những điểm nóng Covid-19 ở châu Á trong những ngày gần đây. Số ca bệnh tăng đột biến dẫn đến tâm lý hoảng loạn của một bộ phận người dân.
Theo Taiwan News, nhiều người Đài Loan, đặc biệt là ở hai tâm dịch là Đài Bắc và Tân Bắc, đã đổ xô đến các siêu thị để tích trữ hàng hóa ngay sau có thông tin mức độ cảnh báo được nâng lên mức 3 trên toàn quốc hôm 15/5.
Số liệu từ Our World in Data cho thấy chỉ trong hai tuần qua, Đài Loan ghi nhận đến hơn 7.000 ca mắc Covid-19. Trường hợp cao nhất được ghi nhận ngày 22/5 với hơn 700 ca. Trước đó, từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến ngày 15/5, Đài Loan chỉ ghi nhận gần 1.500 ca mắc Covid-19.
Số ca mắc có chiều hướng giảm xuống trong những ngày gần đây, song vẫn ở mức trên 300 ca mới mỗi ngày.
Cảnh báo mức 3 tiếp tục được duy trì, ít nhất là đến ngày 15/6.
Chính quyền Đài Loan cho biết việc nâng báo động lên mức 4 là không cần thiết, song một số nơi ở Đài Bắc đã diễn tập áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch cấp độ 4.
Tại Singapore, tình hình phức tạp ở chỗ số ca trong cộng đồng tăng lên nhưng nhiều ca chưa rõ nguồn lây. Tình hình này khiến Singapore quay lại với các quy định giãn cách nghiêm ngặt.
Trong khi đó, Malaysia cũng đang áp lệnh phong tỏa mới để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới. Từ ngày 19/5 đến nay, mỗi ngày Malaysia đều ghi nhận trên 6.000 ca mắc Covid-19 mới.
Trong đó, đáng chú ý nhất là vào hôm 29/5, Malaysia đã lần đầu ghi nhận đến hơn 9.000 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ.
Số ca tăng nhanh khiến chính phủ Malaysia phải tái ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ (FMCO) trong vòng 14 ngày, tính từ ngày 1/6.
Chính phủ Malaysia cũng cho biết sẽ cho mở cửa trở lại một số lĩnh vực kinh tế không đòi hỏi tập trung đông người, nếu hai tuần phong tỏa cho thấy hiệu quả.
Đến ngày 31/5, Malaysia vẫn ghi nhận gần 7.000 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của nước này lên trên 570.000 ca.
Siêu thị chen chúc, phố xá vắng hoe
Chị Hiền cho biết dù ở khá xa ổ dịch, các kệ hàng nhu yếu phẩm trong siêu thị ở khu nhà chị vẫn nhanh chóng bị vét sạch.
“Hôm trước đi siêu thị, tôi thấy các gia đình chất hàng hóa đầy xe đẩy. Nhiều nhà chất đến 3, 4 cái xe”, chị mô tả.
Tình hình mua sắm hoảng loạn không chỉ diễn ra ở Đài Bắc hay Tân Bắc. Nguyễn Thái Ngọc, sinh viên tại Chương Hóa, miền Trung Đài Loan, cho biết không ít người lo lắng và đã đi mua hàng tích trữ.
"Khi nghe tin về các ca mới, người dân Đài Loan rất sợ, họ cực kỳ sợ. Nhiều người đổ đi mua sắm, trong đó có bạn cùng phòng của mình. Tuy nhiên, mình không đi một phần do sợ dịch, một phần vì tin rằng có đủ nguồn cung lương thực và nhu yếu phẩm", Ngọc nói.
Tuy nhiên, trái với cảnh đông đúc tại siêu thị, đường phố và ga tàu tại một số nơi ở Tân Bắc, Đài Bắc gần như không có người qua lại những ngày qua.
“Đường phố thông thoáng hơn hẳn, không phải chen chúc như ngày thường. Tuy nhiên, vào siêu thị lại là câu chuyện khác. Dù là siêu thị lớn hay nhỏ, mọi người cũng đều phải chen chúc, xếp hàng dài dằng dặc”, chị Hiền nói.
Bà Trần Thị Lan, 60 tuổi, sống ở Đài Bắc cũng kể tương tự: “Ngày thường xe cộ, người đi lại trên đường đông vui, tấp nập. Thế nhưng, những ngày này, phố xá vắng hoe. Người ra đường ai cũng bịt kín và đeo 2, 3 lớp khẩu trang”.
Siết chặt kiểm soát
Trước tình hình số ca tăng đột biến, Đài Loan lần đầu tiên phải nâng mức cảnh báo lên mức 3 trên toàn hòn đảo. Số ca mắc mới mỗi ngày và tỷ lệ lây nhiễm tại đây đang có chiều hướng giảm, song các biện pháp cảnh báo mức 3 vẫn tiếp tục được áp dụng đến ít nhất ngày 15/6, theo CNA.
Người dân được khuyến nghị không ra khỏi nhà. Các tụ điểm giải trí bị đóng cửa và việc tập trung đông người bị hạn chế. Việc đeo khẩu trang lần đầu trở thành bắt buộc.
"Mình làm thêm tại một nhà hàng, và trong thời gian gần đây thì nhà hàng đó rất vắng khách. Nhiều khách đã hủy đặt bàn, trong khi một số ít khách đến thì phải thực hiện một loạt thủ tục như vệ sinh tay, ghi lại tên thật và quét mã QR để khai báo thông tin", Thái Ngọc nói với Zing.
Chị Hiền bổ sung thêm rằng chính quyền Đài Loan đã yêu cầu các quán ăn không được có quá 5 khách ngồi lại, nên các hàng quán chủ yếu bán mang về.
"Khách đến mua mang về cũng không được tập trung quá 10 người. Nếu bị bắt, có thể bị phạt lên đến 300.000 TWD (tức gần 11.000 USD). Lúc trước họ còn nhắc nhở, bây giờ họ thấy là phạt trực tiếp", chị Hiền nói thêm.
Theo Strait Times, người không đeo khẩu trang khi ra đường ở Đài Loan đều bị phạt rất nặng kể từ ngày 15/5, với mức phạt lên tới hơn 500 USD.
"Thậm chí, nếu mang khẩu trang sai cách, như hở miệng hoặc hở mũi, mọi người cũng sẽ bị phạt", chị Hiền bổ sung.
Việc xử phạt nặng đối với người không đeo khẩu trang cũng được áp dụng ở Singapore và Malaysia.
"Đối với những người vi phạm, mức phạt lần đầu sẽ là hơn 200 USD. Nếu tái phạm, mức phạt sẽ tăng lên đến 750 USD", Nguyễn Lê Quang, sinh viên Đại học Quốc gia Singapore, chia sẻ với Zing.
Cũng theo bạn Quang, trước khi ra vào một tòa nhà hay trung tâm thương mại, người dân Singapore đều phải sử dụng ứng dụng truy vết SafeEntry để quét mã QR. "Nếu phát hiện ca bệnh, họ sẽ lập tức kiểm tra xem có bao nhiều người ở trong tòa nhà trong lúc đó và thực hiện cách ly".
Mỹ Huyền, 26 tuổi, lao động Việt Nam tại Kuala Lumpur, Malaysia, cho biết người dân không tuân thủ quy định về khẩu trang và hạn chế có thể bị phạt lên đến 1.000 MYR (gần 500 USD) hoặc thậm chí bị tạm giam vài ngày.
“Họ vẫn bắn pháo hoa mỗi đêm”
Mỹ Huyền cho rằng đợt bùng dịch mới ở Malaysia là do nhiều ngày lễ diễn ra gần đây.
“Theo tôi quan sát thì người dân sống ở đây rất xem trọng lễ lạt. Họ đến từ nhiều dân tộc khác nhau, nên ngoài những ngày lễ quốc gia ở Malaysia, các cộng đồng người Ấn Độ, người Hoa, người Thái, người Trung Đông... còn tổ chức lễ hội dân tộc hoặc tôn giáo riêng của họ. Cả tuần nay, hầu như đêm nào tôi cũng nghe tiếng hàng xóm bắn pháo hoa mừng lễ”, Huyền mô tả.
Huyền nói thêm rằng trong thời gian hạn chế gắt gao này, mọi người đã ít tụ tập hơn. Nhưng vào khoảng tháng 3-4, nhiều người vẫn tập trung để ăn mừng các lễ hội.
Ngoài ra, Huyền còn chia sẻ rằng bản thân chị nhận thấy Malaysia dường như không chống dịch gắt gao như Việt Nam. Thời điểm nước này ghi nhận tầm 1.000 ca mỗi ngày, chính quyền đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, chuyển sang giai đoạn phục hồi ở nhiều bang.
"Tòa nhà tôi sống có người nhiễm bệnh, nhưng họ chỉ xịt khuẩn chứ không cách ly cả khu phố hay tòa nhà. Mọi người vẫn được ra vào bình thường", Mỹ Huyền kể.
Chỉ đến khi số ca nhiễm tăng quá nhiều, chính quyền mới bắt đầu nâng mức cảnh báo và siết chặt hạn chế. Điều này khiến bạn và nhiều đồng nghiệp khá e ngại và mong sớm được trở về Việt Nam.
Tuy nhiên, họ hiện ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. “Tôi mong Việt Nam sẽ sớm có các chuyến bay cứu trợ để tôi được trở về”, Huyền nói.
Mỹ Huyền cho biết thêm có vài đồng nghiệp của chị nghĩ rằng trong tháng 4 và tháng 5, Việt Nam sẽ có thêm các chuyến bay đưa công dân hồi hương nên đã xin nghỉ việc từ tháng 2, tháng 3, vì đa số công ty Malaysia quy định phải xin nghỉ trước 3 tháng.
Một số công ty vì muốn ràng buộc nhân viên trong mùa dịch nên không cung cấp giấy xác nhận đã nghỉ việc (Release Letter), khiến họ không thể tìm việc làm mới.
“Tôi thử đủ cách, từ viết email năn nỉ, đến hỏi mua Release Letter nhưng chỉ nhận được phản hồi là chính sách công ty không cho. Bây giờ tôi về cũng không được mà ở lại cũng không xong”, Lê Linh, 26 tuổi, đồng nghiệp của Huyền, chia sẻ về trường hợp giữa chị và công ty.
Chị Thu Huyền, người từng làm chung công ty với Lê Linh, chia sẻ khó khăn tương tự: “Tình hình dịch ở Việt Nam hiện còn diễn biến phức tạp, có thể ngưng cấp chuyến bay hồi hương. Tôi lại không thể ứng tuyển công việc mới”.