Người Việt ở Kyiv: Lòng tôi như lửa đốt, ngày mai sẽ ra sao?

Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Tuyên - người Việt sống tại thủ đô Ukraine - cho biết mỗi ngày ông đều lo sợ cho tính mạng của gia đình trước các cuộc tấn công.

Từ khi cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhắm vào Ukraine của Nga bắt đầu, chúng tôi không đêm nào ngủ yên.

Các đợt nã pháo thường diễn ra vào khoảng 3-5h. Chốc chốc, còi báo động của thành phố lại vang lên.

Thỉnh thoảng, nghe tin một vài nơi trong thủ đô hứng tên lửa, lòng chúng tôi lại như lửa đốt. Hiện tại, Kyiv tạm thời an toàn, nhưng tôi không thể đoán được điều gì sẽ ập đến vào ngày mai.

Giờ đây, chúng tôi chỉ biết đếm mỗi ngày trôi qua, thở phào nhẹ nhõm nhìn lại những ngày cũ khi chúng tôi vẫn sống, và hy vọng ngày mai mọi thứ sẽ yên bình, dẫu tôi biết là rất khó.

Ngày 1 (24/2): Thức dậy trong tiếng nổ

4h sáng, một tiếng nổ mạnh phát ra khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Cửa sổ khi đó thậm chí rung lên vì âm thanh lớn. Chỉ sau khi chạy ra ngoài xem xét nhà cửa rồi trở lại lướt tin tức, tôi mới hiểu rằng Nga đã tấn công Ukraine, bất chấp những bác bỏ của họ trước đó.

Cảm xúc đầu tiên của tôi là lo lắng tột độ. Bao nhiêu nhà cửa, kho hàng… Nhưng là trụ cột gia đình, tôi cố giữ bình tĩnh, đánh thức cả nhà dậy và giải thích tình hình. Hai đứa con tôi cũng đã lớn nên không hoảng loạn.

Tội vội vàng tập hợp passport, tiền bạc, giấy tờ, đồ cá nhân cho từng thành viên gia đình, gom số điện thoại, địa chỉ có thể cần đến, bàn phương án sơ tán phòng trường hợp xấu nhất.

 Kyiv tan hoang vì Nga tấn công. Ảnh: AP, AFP, Getty, Reuters.

Kyiv tan hoang vì Nga tấn công. Ảnh: AP, AFP, Getty, Reuters.

Kyiv lúc đó chưa gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng sớm thôi, tôi đoán, vì đây là thủ đô, là đầu não của Ukraine.

Vốn ra, chúng tôi không hề có ý định rời đi, vì tin rằng các lực lượng Nga sẽ tránh khu dân cư. Phố tôi chẳng ai di tản cả. Thế nhưng, “cẩn tắc vô ưu”, tôi cần chuẩn bị cho mọi trường hợp.

Con gái tôi - vốn là tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Ukraine - nhất quyết xin đi hiến máu nhân đạo cho quân đội.

Cửa hàng, trạm xăng hôm đó đông nghịt. Chúng tôi đã có thức ăn và đồ dùng thiết yếu để dự trữ. Tôi làm trong lĩnh vực nhập khẩu nên có đủ gạo dùng cho cả năm, nhưng những thứ khác chẳng biết dùng được bao nhiêu ngày nữa. Lúc này, ăn gì không quan trọng, mà trên hết là giữ mạng sống!

Càng về cuối ngày, khi tin tức về các khu dân cư bị nhắm trúng càng nhiều, có người dân thiệt mạng, chúng tôi thực sự sợ hãi. Tôi hiểu ra trong một cuộc chiến quân sự, điều gì cũng có thể xảy ra.

Tôi đã quá ngây thơ trước đó khi tin rằng người châu Âu khi giao tranh sẽ tránh các khu dân cư hay công trình văn hóa. Nỗi sợ của chúng tôi mỗi lúc một dâng cao. Điều gì sẽ xảy ra khi đêm đến - thời điểm được cảnh báo là lúc Nga có thể tăng cường tấn công?

Ngày 2 (25/2): “Katyusha”

3h sáng, cả nước nín thở chờ đợi đợt pháo kích. Thành phố im lặng một cách đáng sợ. Không một bóng người, không một phương tiện giao thông nào chạy trên đường bởi lệnh giới nghiêm thành phố đã ban hành. Tôi vẫn trong trạng thái lo âu suốt cả ngày.

Cả ngày hôm qua (24/2), quân đội Ukraine đã chiến đấu với quân Nga từ 3 phía trên toàn lãnh thổ. Sân bay Gostomel gần thủ đô Kyiv bị lính dù Nga đổ bộ từ trực thăng, hòng dọn đường đón phi đội máy bay vận tải IL76 chở vũ khí, binh lính chủ lực tiếp tế. Mãi đến đêm, tôi mới thở phào nghe tin quân đội chính phủ đã đánh bật đối thủ và chiếm lại được.

 Căn hầm chứa rau mùa đông được cải biến thành hầm trú bom. Ảnh: NVCC.

Căn hầm chứa rau mùa đông được cải biến thành hầm trú bom. Ảnh: NVCC.

Suốt cả ngày, còi báo động vang lên liên hồi khắp nơi. Tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày căn hầm khi xưa chúng tôi xây để chứa rau quả cho mùa đông lại được cải biến thành hầm trú bom.

Chiếc hầm chỉ vỏn vẹn 6 m2, được kê thêm giường, 4 người chen chúc cho đến khi tiếng còi báo động tắt. Chúng tôi gần như chỉ ngủ được 1-2 giờ.

Tổng thống đã phát lệnh tổng động viên. Thanh niên, đàn ông khỏe mạnh tình nguyện nhập ngũ hoặc tham gia cố thủ thành phố, làm công sự. Nữ giới có thể giúp tải thương. Người dân khắp nơi rủ nhau làm bom xăng chống tăng.

Ai nấy đều lo âu, nhưng luôn cố giữ bình tĩnh. Họ và tôi, chúng tôi đều tin tưởng quân đội.

Thật trớ trêu, cả tuổi trẻ tôi dành cho đất nước của bài hát "Katyusha" lừng danh, nhưng giờ đây phải lắng nghe tiếng nổ không hề dễ chịu và lãng mạn của rocket tương tự tên lửa "Katyusha".

Tôi yêu nước Nga đẹp đẽ của Puskin, Pasternak, Rakhmaninov... với bao nhiêu kỷ niệm thời trẻ, nhưng giờ đây lại ghét nước Nga này. Họ muốn dân tộc nhỏ bé (Ukraine) phải quỳ gối.

Ngày 3 (26/2): Nhà bạn tôi hứng trọn rocket

Một tòa chung cư ở phố Lobanovskogo, cách nhà tôi 2 km, bị tên lửa Nga bắn trúng. Chúng tôi khi đó đang trốn dưới hầm nhưng vẫn nghe thấy tiếng nổ và cảm nhận được ngôi nhà rung chuyển.

 Một tòa nhà chung cư ở Kyiv bị tên lửa Nga bắn trúng. Ảnh: Reuters, CNN, Bộ Ngoại giao Ukraine.

Một tòa nhà chung cư ở Kyiv bị tên lửa Nga bắn trúng. Ảnh: Reuters, CNN, Bộ Ngoại giao Ukraine.

Đối diện tòa nhà bị dính tên lửa là chung cư bạn tôi - là người Việt Nam - đang sống. Cửa kính căn hộ của anh vỡ toang khi vụ nổ xảy ra vì âm thanh và chấn động quá lớn.

Vài giờ trước, căn nhà nghỉ dưỡng tuyệt đẹp của anh ở ngoại ô thành phố - cách căn chung cư khoảng 20 km - hứng trọn một quả rocket. Anh may mắn thoát chết vì vừa rời khỏi đó ít lâu. Địa điểm căn nhà khá gần nhà máy thủy điện - vốn là mục tiêu đánh phá - nên có lẽ hứng tên lửa “oan”.

 Một ngôi nhà nghỉ dưỡng của người Việt ở ngoại ô thành phố Kyiv bị trúng tên lửa. Ảnh: NVCC.

Một ngôi nhà nghỉ dưỡng của người Việt ở ngoại ô thành phố Kyiv bị trúng tên lửa. Ảnh: NVCC.

Các cuộc pháo kích của Nga vẫn gia tăng. Những thành phố bị vây hãm vẫn kiên cường chống trả.

Tối qua, tôi đi qua cầu Bereteiskii thì gặp lô cốt của quân đội, anh lính đặc nhiệm súng ống lỉnh kỉnh chào lịch sự và giải thích rằng đường này bị chặn, mời ông đi lối kia. Đến sáng, tôi xem tivi mới biết chính nơi này đêm qua binh lính đã đánh chặn đợt tấn công của quân Nga.

Một chiếc IL76 chở đầy biệt kích của đối phương bị bắn hạ cùng rất nhiều xe tăng bị “nướng”.

Hy vọng anh lính gác Ukraine vẫn trở về an toàn. Lúc này tôi chợt ước các anh lính trẻ từ hai phía, thay vì chĩa súng vào nhau, có thể bắt tay, cùng huýt sáo một giai điệu yêu thích mà họ cùng thuộc lời thì thật tốt biết bao.

Ngày 4 (27/2): Tôi đi khóc đây

Đêm qua trôi qua khá nặng nề vì tình hình vẫn rất căng thẳng, nhưng hôm nay Kyiv đã yên bình hơn hai hôm trước. Nhiều thành phố lớn bị vây hãm và vẫn đang chống trả. Một số nơi đã bị chiếm.

Kyiv và nhiều thành phố khác vẫn trong tình trạng giới nghiêm. Tôi chỉ có thể loanh quanh gần nhà chứ không thể đi đâu. Tất cả đều đóng cửa.

Trên mạng, bạn bè và người dân chia sẻ những clip cả đoàn xe quân sự Nga chạy trên đường phố suốt đêm và sáng nay. Đến thời điểm này quân Nga tại Kyiv vẫn bị đánh bật.

Trong hầm trú ẩn, trẻ em ngoan ngoãn ngồi im. Có lẽ chúng cảm nhận được sự nghiêm trọng qua nét lo âu của người lớn. Thi thoảng có bé ồn ào thì cha mẹ đưa ngón tay lên miệng "Тише!" (khẽ chứ), chúng lại ngay ngắn.

 Người dân Ukraine chế tạo bom xăng. Ảnh: Washington Post.

Người dân Ukraine chế tạo bom xăng. Ảnh: Washington Post.

Có cảnh người dân tra hỏi tự phát, trách mắng lính Nga, bởi họ trông khá trẻ. Có lẽ người Nga rất sốc khi thấy các đoàn quân nói tiếng Nga không hề được chào đón.

"Chiến dịch đặc biệt" mà Nga mong đợi đánh nhanh thắng nhanh có vẻ chưa thành công.

Tuy nhiên phía trước còn rất cam go. Khó có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ngay lúc này đây, tôi vẫn tiếp tục mơ hồ về những ngày tới. Tôi lo sợ cho tính mạng gia đình và số phận đất nước. Nếu chính quyền thực sự bị lật đổ, tôi, và rất nhiều người dân khác, sẽ mất hết tài sản, tiền bạc.

Giờ thì, tôi đi khóc đây...

Tiếng súng vang trời khi quân đội Nga tiến vào trung tâm Kyiv Xe bọc thép của Nga đã tiến vào khu vực trung tâm thủ đô Kyiv, Ukraine trong cuộc tấn công chớp nhoáng, tiếng súng và còi báo động vang khắp thành phố.

Nguyễn Tuyên

Hồng Ngọc ghi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-viet-o-kyiv-long-toi-nhu-lua-dot-ngay-mai-se-ra-sao-post1299244.html