Người Việt ra nước ngoài làm ăn cũng nhờ... cò

'Doanh nghiệp Việt đang đầu tư theo phong trào'. Đó là khẳng định của ông Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfam Việt Nam, trong hội thảo, đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng Mê Kông được tổ chức sáng nay (17-2), tại Hà Nội.

Chưa lường trước khó khăn

Trong hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, cho rằng việc doanh nghiệp Việt bằng cách đầu tư nước ngoài đã thể hiện và khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt, ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp Việt không nên quá “ngây thơ”, nhất là trong bối cảnh đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Dẫn nguồn một khảo sát do VCCI thực hiện, ông Tuấn cho rằng thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt chính là việc tìm hiểu thông tin.

“Trong khảo sát của chúng tôi về quá trình tìm hiểu thông tin khi nước sở tại thay đổi chính sách có nhiều doanh nghiệp không lường được hết tác động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chưa lường được hết các xung đột văn hóa nếu có ở các nước sở tại” - ông Tuấn nói.

Đáng chú ý, theo ông Tuấn, việc tìm hiểu hệ thống pháp lý ở các nước sở tại với doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng bởi tính chất sở hữu đất đai khác nhau, quy định pháp luật và tuân thủ pháp luật khác nhau. Nếu như doanh nghiệp không tìm hiểu được hệ thống pháp lý ở các nước sở tại thì quá trình hoạt động có thể sẽ xảy ra những mâu thuẫn văn hóa không mong muốn có thể xảy ra.

Một rào cản khác mà ông Tuấn lưu ý với các nhà đầu tư Việt trong quá trình đầu tư ra nước ngoài chính là sự vận hành khác biệt của bộ máy chính quyền tại các nước sở tại cũng tương đối khác nhau. “Đây cũng chính là rào cản mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt trong quá trình đầu tư” - ông Tuấn nói.

Đầu tư theo phong trào

“Điểm yếu của doanh nghiệp Việt chính là việc đầu tư theo phong trào, khi đầu tư thì chúng ta mới chỉ nghĩ đến đây chính là vùng đất màu mỡ, dồi dào chứ không tính đến hiệu quả đầu tư lâu dài dưới tác động của giá cả thị trường” - ông Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfam Việt Nam, thẳng thắn nói.

Ví dụ cụ thể, ông Tú cho biết tại thời điểm giá cao su đạt ngưỡng cao (năm 2008) thì các doanh nghiệp dường như bị choáng ngợp bởi những lợi nhuận mà doanh nghiệp tính trên sổ sách. Do đó, doanh nghiệp tìm mọi cách để miễn sao có được cấp phép với số diện tích nhiều nhưng đến khi giá cao su hạ, do tính toán không sát thì chất lượng hiệu quả của đầu tư không cao.

Là người thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe doanh nghiệp, ông Tú kể các doanh nghiệp Việt khi sang đầu tư ở nước ngoài thường không tìm đến các tư vấn có chuyên môn mà lại tìm đến các “cò mồi” để nhanh chóng có được giấy chứng nhận. Thế nhưng các “cò mồi” lại không hướng dẫn doanh nghiệp về các quy trình và thủ tục pháp lý nên phần nào gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Tú, hiện tại nhu cầu về cao su và cà phê ở các nước tiểu vùng sông Mê Kông đang bắt đầu chạm ngưỡng thì doanh nghiệp Việt nên tính đến các dòng sản phẩm khác để có thể đầu tư.

Trong bối cảnh đầu tư ra nước ngoài, trong đó có các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông đang khó khăn, ông Tú cho rằng doanh nghiệp Việt nên chú trọng hơn trong việc phát triển tăng trưởng theo hướng chất lượng hạn chế việc đầu tư theo phong trào để tránh những thiệt hại không đáng có.

HUYỀN TRANG

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/nguoi-viet-ra-nuoc-ngoai-lam-an-cung-nho-co-683309.html