Người viết sử cho núi rừng Trường Sơn
'Các nhà báo chỉ khéo 'vẽ', huyện miền núi biên giới Tây Giang có 10 xã, 8 xã biên giới Việt - Lào, hơn 70 thôn bản đồng bào Cơ Tu, không một mét đường giao thông, muốn đến với người dân, không đi bộ thì đi bằng gì...?' - Bh'riu Liếc.
20 năm trước, tôi biết ông Bh’riu Liếc từ những ngày tái lập huyện Tây Giang (Quảng Nam), người một thời cánh báo chí gắn cho ông cái biệt danh “Chủ tịch huyện đi bộ”. Vậy nên có câu “đính chính” trên.
Giờ thì khác. Tây Giang đã đổi thay từng ngày, hơn 70 thôn bản đã được quy hoạch, vẫn mang bản sắc truyền thống văn hóa cộng đồng Cơ Tu, điện kéo về từng thôn, rồi trường học, trạm y tế... Đặc biệt nhất vẫn là đường giao thông đã về tận từng thôn bản. Có vẻ, những thành tựu ấy đã phần nào làm “hài lòng” Bh’riu Liếc. Sau một nhiệm kỳ là Chủ tịch UBND huyện, hai nhiệm kỳ là Bí thư Huyện ủy, năm 2021, ông nghỉ hưu và... nghĩ đến việc về với núi rừng, ruộng rẫy, với bà con Cơ Tu để vui với những đêm hát lý, với lễ hội cồng chiêng và điệu múa “tung tung da dá”... Nhưng người cán bộ Cơ Tu ấy vẫn còn băn khoăn, như còn “nợ” với quê hương.
Tây Giang là huyện biên giới, có vị trí đặc biệt quan trọng về chiến lược quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, là dải đất nối liên khu 5, khu 4, là đầu mối cực kỳ quan trọng trên con đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. Người dân Tây Giang bao đời nay có ý chí tự lập và tinh thần thượng võ, đoàn kết, bám đất giữ làng, cần cù lao động, sáng tạo, anh dũng, mưu trí, một lòng theo cách mạng, theo Đảng, Bác Hồ chống giặc ngoại xâm, thể hiện ở bảng ghi danh: huyện Tây Giang và 9 xã, 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vậy nhưng, Tây Giang vẫn chưa có một tài liệu ghi chép một cách hệ thống, gắn kết về truyền thống anh dũng bất khuất, kiên cường một lòng kiên trung với cách mạng, với Đảng của cán bộ, người dân trên dải Trường Sơn này.
Từ những ngày còn giữ cương vị Bí thư Huyện ủy Tây Giang, Bh’riu Liếc rất trăn trở về vấn đề này, dù trước đó đã có cuốn “Những sự kiện lịch sử huyện Hiên” (năm 1986). Tuy vậy, ở cuốn sách đó, những sự kiện, nhân chứng mang tính chắp nối, rời rạc, không toát lên cả một quá trình lịch sử của vùng đất, dân tộc trên dải Trường Sơn, nhất là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng và cuộc cách mạng tháng 8 lịch sử 1945 đến các giai đoạn sau này. Trong giai đoạn 2010-2015, Huyện ủy Tây Giang cũng đã tổ chức biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Tây Giang”, nhưng đến khi đánh giá lại thì nội dung không đạt vì nhiều lý do. Năm 2021, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Tây Giang quyết định thành lập Ban chỉ đạo công trình khoa học Lịch sự Đảng bộ huyện giai đoạn 1945-2020. Như để “trả nợ” với quê hương, Bh’riu Liếc nhận trách nhiệm là chủ biên công trình này.
Thực ra, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác, từ cán bộ Ban Dân tộc miền núi tỉnh, làm lãnh đạo huyện qua nhiều năm, năm 1986, Bh’riu Liếc rất ý thức với việc sưu tầm, nghiên cứu, lưu trữ các tài liệu về nhân chứng, con người, lịch sử cách mạng của quê hương. Giờ “cờ đã đến tay”, ông như thấy mình hừng hực khí thế.
Nhận quyết định nghỉ hưu, việc làm đầu tiên của Bh’riu Liếc là đi học lái ô-tô, mua một chiếc “ô-tô cũ nhưng chạy khỏe, chạy tốt”. Mục đích rất rõ, dùng cho các chuyến đi thẩm định các tài liệu, nhân chứng đã sưu tầm, lưu giữ; liên hệ, sưu tầm tư liệu tại các cơ quan trong và ngoài tỉnh; kết nối liên hệ với các nhân chứng lịch sử nguyên là lãnh đạo các Đảng bộ qua các thời kỳ để xin tư liệu gốc và tư liệu cá nhân… Bh’riu Liếc cũng cùng với Huyện ủy tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến về các nhân chứng, tài liệu. Với 89 cuộc gặp gỡ, thẩm tra, xác minh, sưu tầm hơn 279 tư liệu các loại, trong hơn 2 năm, Bh’riu Liếc cùng ban chỉ đạo của Huyện ủy đã cơ bản có đủ nguồn tư liệu để phục vụ việc nghiên cứu, biên soạn công trình “Lịch sử Đảng bộ Tây Giang (1945-2020)”.
Bh’riu Liếc cho biết, trong quá trình sưu tầm và biên soạn, ban biên soạn đã tuân thủ các phương pháp lịch sử, phương pháp logic, phân tích, đối chiếu các nguồn tư liệu và lời kể các nhân chứng. Cùng nguồn tư liệu của bản thân, với sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Nhà văn Nguyễn Bá Thâm, các lão thành cách mạng Lê Diên, A Rất Le... công trình khoa học “Lịch sử Đảng bộ huyện Tây Giang (1945-2020)” đã hoàn thành. Cuốn sách gồm 5 chương, 501 trang, nội dung xuyên suốt từ vùng đất, con người và truyền thống đấu tranh yêu nước trước cách mạng tháng 8-1945 đến giai đoạn huyện Tây Giang tái lập, Đảng bộ tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Cuốn sách đã thể hiện đầy đủ, toàn diện, sinh động quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện Tây Giang suốt 75 năm (1945-2020). Ngay trong ngày ra mắt cuốn sách nhân kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Tây Giang (8-2003 - 8-2023), Huyện ủy Tây Giang đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, giảng dạy cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, học sinh về cuốn sách, phát huy và tiếp nối truyền thống cách mạng anh hùng của quê hương trên dải Trường Sơn.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguoi-viet-su-cho-nui-rung-truong-son-post290571.html