Người Việt tiếp tục tăng mua ôtô

Tháng cuối cùng của quý II ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ về doanh số của thị trường ôtô Việt Nam. Mitsubishi Xpander vẫn còn nguyên cơ hội bảo vệ ngôi vương doanh số nhưng cần phải dè chừng sức bán của Ford Ranger.

Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 6, toàn thị trường ôtô Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 26.575 ôtô các loại, tăng trưởng 3% so với kỳ báo cáo liền trước.

Trong số này, ôtô du lịch vẫn chiếm tỷ trọng lớn với doanh số 19.944 xe, trong khi lượng tiêu thụ của xe thương mại và xe chuyên dụng tương ứng lần lượt là 6.419 xe và 212 xe.

Ford Ranger lên đỉnh, bất ngờ với Mazda CX-5

Trong tháng 6, Ford Ranger ghi nhận doanh số 1.442 xe tại thị trường Việt Nam. Dù giảm nhẹ so với thành tích bán hàng ở kỳ báo cáo tháng 5, lượng tiêu thụ này vẫn giúp “vua bán tải” trở thành mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường Việt Nam ở tháng cuối quý II.

Đứng ở vị trí thứ nhì trong danh sách những mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường trong tháng 6 không phải là cái tên quen thuộc Mitsubishi Xpander.

Thay vào đó, Mazda CX-5 với doanh số 1.259 xe đã trở thành mẫu xe sở hữu doanh số cao thứ hai tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ đầu năm, mẫu SUV cỡ C của Mazda có thể chen chân vào top 3 các mẫu xe được khách hàng Việt ưa chuộng nhất.

Trong khi đó, doanh số sụt giảm 530 xe so với thành tích bán hàng hồi tháng 5 khiến Mitsubishi Xpander nằm ngoài một trong 2 vị trí dẫn đầu về lượng tiêu thụ tại thị trường ôtô Việt Nam.

Dù vậy, với doanh số 1.236 xe ở tháng vừa rồi, mẫu MPV cỡ nhỏ của Mitsubishi vẫn cùng với Ford Ranger là 2 mẫu xe hiếm hoi có thể duy trì thành tích bán hàng trên 1.000 xe/tháng trong 4 tháng liên tiếp.

Hyundai Accent tăng nhẹ doanh số lên mức 986 xe và giữ được một vị trí trong top 5 ôtô bán chạy nhất thị trường. Trong khi đó, Mitsubishi Xforce tăng trưởng 146 xe so với doanh số tháng 5 để đạt lượng tiêu thụ 948 xe, qua đó hoàn thiện danh sách 5 cái tên được ưa chuộng nhất thị trường xe Việt trong tháng cuối quý II.

Những mẫu xe còn lại trong danh sách sở hữu doanh số tốt nhất thị trường Việt bao gồm Ford Everest (830 xe), Toyota Yaris Cross (811 xe), Toyota Vios (769 xe), Ford Territory (748 xe) và Hyundai Creta với tổng cộng 686 xe bán ra trong tháng 6.

Định hình cuộc đua song mã

Sau 2 quý đầu năm, Ford Ranger cùng với Mitsubishi Xpander đang cùng nhau tạo ra một cuộc đua song mã khá hấp dẫn tại thị trường ôtô Việt Nam.

Trước khi số liệu bán hàng của tháng 6 được công bố, Mitsubishi Xpander và Ford Ranger chính là những cái tên quen mặt ở 2 vị trí dẫn đầu về lượng xe bán ra cho khách hàng Việt. Hai mẫu xe này cũng thường xuyên so kè nhau về doanh số lũy kế qua từng tháng và kéo dài suốt giai đoạn nửa đầu năm 2024.

Nhờ đó, khoảng cách về tổng lượng tiêu thụ giữa Mitsubishi Xpander với Ford Ranger ở thời điểm giữa năm 2024 chỉ là 30 xe. Cụ thể, “vua doanh số” của thị trường xe Việt tạm dẫn đầu với 7.773 xe bán ra sau 6 tháng, còn “vua bán tải” ghi nhận doanh số 7.743 xe tính đến hết quý II.

Dù tăng trưởng mạnh mẽ ở tháng cuối quý II, tổng lượng tiêu thụ của Mazda CX-5 tại thị trường Việt tính đến lúc này vẫn đang tạm thời ở mức 5.270 xe. Chênh lệch doanh số gần 2.500 xe giữa Mazda CX-5 với Ford Ranger gần như là một khoảng cách khó san lấp, nhất là khi cả Ranger lẫn Xpander đều đang cho thấy khả năng duy trì sức bán ổn định ở mức cao trong nhiều tháng liên tiếp.

Nhìn chung, những nỗ lực để trở thành cái tên dẫn đầu về lượng tiêu thụ tại thị trường ôtô Việt Nam gần như sẽ chỉ là cuộc đua song mã giữa Ford Ranger và Mitsubishi Xpander. Mẫu MPV cỡ nhỏ của Mitsubishi vẫn có cơ hội bảo vệ ngôi vương doanh số, còn “vua bán tải” dường như cũng đã sẵn sàng để cạnh tranh cho vị trí “tân vương” của thị trường xe Việt.

Nhiều xe ngừng bán, trắng doanh số

Dù doanh số không thực sự khả quan, thị trường ôtô Việt trong nửa đầu năm 2024 vẫn được đánh giá là khá sôi động nhờ sự xuất hiện của nhiều mẫu xe mới, loạt phiên bản cập nhật của các xe có sẵn trên thị trường hay sự tham gia lần đầu của không ít thương hiệu.

Bên cạnh đó, vài mẫu xe quen mặt trên thị trường ôtô Việt Nam cũng phải ngậm ngùi rời đi, với nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tính cạnh tranh thấp trong phân khúc.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, thị trường ôtô Việt Nam đã phải chia tay lần lượt Mazda BT-50, Suzuki Ciaz và Toyota Yaris. Tại nhiều kỳ báo cáo trong năm nay, các mẫu xe này đã phải rơi vào tình cảnh trắng doanh số, khiến lượng tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm không thể vượt quá 10 xe.

 Mazda BT-50 đã bị ẩn khỏi dải sản phẩm thương hiệu Mazda tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Mazda.

Mazda BT-50 đã bị ẩn khỏi dải sản phẩm thương hiệu Mazda tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Mazda.

Ngoài các mẫu xe tạm thời bị dừng bán do kết quả kinh doanh kém hiệu quả, thị trường xe Việt còn ghi nhận tình trạng doanh số không cao đến từ một vài mẫu xe khá “đặc thù” về phân khúc và giá bán như Toyota Land Cruiser Prado (chưa bán được xe nào từ đầu năm), Toyota Alphard (56 xe sau 6 tháng) hay các mẫu xe “ăn chơi” bao gồm Honda Civic Type R (7 xe) và Suzuki Jimny với lượng tiêu thụ 158 xe sau 4 tháng mở bán.

Nhìn chung, thị trường xe Việt đã có một nửa đầu năm tương đối thành công, bởi bất chấp doanh số tương đối trồi sụt, tổng lượng tiêu thụ ôtô sau 6 tháng vẫn chỉ thấp hơn khoảng 1,8% so với số liệu bán hàng đạt được ở cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng chênh lệch 2.443 xe.

Nửa cuối năm 2024 được kỳ vọng sẽ là giai đoạn sôi động dành cho thị trường ôtô Việt Nam với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu xe mới, chủ yếu đến từ quốc gia tỷ dân.

Bên cạnh chương trình ưu đãi phí trước bạ cho xe lắp ráp dự kiến triển khai từ tháng 8, sự kiệnTriển lãm Ôtô Việt Nam - Vietnam Motor Show (VMS) chính thức trở lại vào tháng 10 cũng có thể trở thành đòn bẩy giúp thị trường ôtô Việt Nam sớm có được cơ hội phục hồi.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-viet-tiep-tuc-tang-mua-oto-post1485647.html