Người Việt tin dùng hàng Việt
Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ)
Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp và các ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân. Qua đó, tạo hiệu ứng tích cực góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về thói quen tiêu dùng, mua sắm của người dân, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước thay cho hàng ngoại nhập.
Đưa hàng Việt gần hơn với người tiêu dùng
Qua 15 năm thực hiện Kết luận số 264/KL-TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10/4/2015, CVĐ được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và có sức lan tỏa sâu rộng hơn. Ban Chỉ đạo CVĐ và từng cấp, ngành chú trọng, tích cực đề ra các chương trình, kế hoạch, giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện. CVĐ đã thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, tác động tích cực đến toàn xã hội.
Đồng chí Sùng A Chênh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên chú trọng tuyên truyền, triển khai sâu rộng CVĐ gắn với thực hiện các chương trình quảng bá, kích cầu sản phẩm, phát triển thị trường như: Lễ hội cá tôm Sông Đà tỉnh Hòa Bình, Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc và các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia chương trình, tổ chức sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, chất lượng, hiệu quả.
Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã tích cực rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, hệ thống dịch vụ phân phối, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện tiếp cận cho người dân mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Đề xuất điều chỉnh các chính sách tài chính, thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường; cắt giảm thủ tục hành chính phiền hà; thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước khi mua sắm công…
Từ năm 2009 đến nay, các ngành đã hỗ trợ hơn 500 lượt doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh tham gia giới thiệu 900 gian hàng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổ chức 47 hội nghị, hội thảo, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa trong tỉnh tạo không gian để các doanh nghiệp hợp tác sản xuất, phân phối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh. Một số sản phẩm tiêu biểu được tham gia kết nối cung - cầu, nổi bật như: rượu Mường Đình, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, măng Kim Bôi, cao xạ đen…
Công tác thông tin, tuyên truyền, hưởng ứng thực hiện CVĐ được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với hình thức đa dạng. Triển khai từ năm 2009 đến nay, các đơn vị thông tin, tuyên truyền như Báo Hòa Bình, Đài PT&TH tỉnh đã thực hiện hàng nghìn video clip, phóng sự về CVĐ. Các siêu thị, điểm bán hàng, cửa hàng tự chọn trên địa bàn ưu tiên trưng bày và bán sản phẩm hàng Việt; thường xuyên cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường nội địa trên các website để các đơn vị, doanh nghiệp, đầu mối tiêu thụ chủ động nắm bắt, tham gia mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, tạo ra các sản phẩm chất lượng đã được các ngành quan tâm. Các doanh nghiệp nắm bắt "cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Từ năm 2009 đến nay, đã có 20 đề án đào tạo nghề, 1 đề án nâng cao quản lý cho các cơ sở công nghiệp, 11 đề án sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, 15 mô hình trình diễn, khảo nghiệm các giống lúa mới… Qua đó, sản phẩm ngày càng được cải tiến về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các sản phẩm yếu kém dần bị loại bỏ, tâm lý "sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng dần thay đổi. Hàng Việt còn đến với người tiêu dùng nông thôn thông qua các hội chợ, triển lãm. Từ năm 2009 đến nay, đã có 109 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Sở Công Thương xây dựng 7 điểm bán hàng Việt cố định tại các xã vùng cao, vùng sâu. Hội Nông dân tỉnh xây dựng 9 gian hàng giống lúa nông hộ cố định tại 9 xã trên địa bàn tỉnh…
Chị Hoàng Thu Hương, tổ 13, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình cho biết: "Thời gian gần đây, tôi cũng như các thành viên trong gia đình luôn tin dùng sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt. Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm, hoa quả được chứng nhận OCOP do người dân trong tỉnh sản xuất, bởi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng mà chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp với mức thu nhập”.
Để nông sản, hàng hóa của tỉnh Hòa Bình vươn xa
Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Để các sản phẩm của tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, nhiều cửa hàng kinh doanh, nhất là tại TP Hòa Bình, trung tâm các huyện đã triển khai bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT như Sendo, Voso, Shopee, Lazada… và mạng xã hội cùng phương thức thanh toán điện tử giúp đẩy nhanh tốc độ thanh toán, thúc đẩy giao thương. Tập trung hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn TMĐT thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Khi tham gia sàn giao dịch điện tử, doanh nghiệp, hộ nông dân được các chuyên gia TMĐT "cầm tay chỉ việc", tư vấn từng bước từ khâu đăng ký gian hàng, xử lý hình ảnh, đăng bán, đóng gói, giao hàng, các kỹ thuật hỗ trợ bán hàng hiện đại… Hiện, sàn giao dịch TMĐT (địa chỉ: www.hoabinhtrade. gov.vn) được Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện đã đưa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nổi bật lên sàn, thúc đẩy phát triển TMĐT đối với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đồng thời duy trì, phát triển, bảo hộ các thương hiệu nông sản đã được chứng nhận và có uy tín, thương hiệu trên thị trường; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản khi tham gia tiêu thụ trên các sàn TMĐT.
Bà Hà Thị Tâm, chủ cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương, tiểu khu Mu, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) cho biết: Hiện cửa hàng kinh doanh 21 mặt hàng, trong đó có 15 mặt hàng là sản phẩm OCOP của các địa phương trong, ngoài tỉnh. Để trở thành cầu nối giữa hàng Việt và người tiêu dùng tại địa phương, cửa hàng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm của nhà sản xuất trong nước, trong tỉnh, cung ứng các mặt hàng thiết yếu mà khu vực nông thôn thường xuyên tiêu dùng như gạo, dầu ăn, bánh kẹo, đồ dùng sinh hoạt gia đình... có xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá luôn được niêm yết công khai và bán đúng giá, từ đó tạo được lòng tin của người tiêu dùng, thêm tin yêu hàng Việt. Bên cạnh đó, tôi cũng triển khai bán hàng trên sàn TMĐT Shopee, mạng xã hội Facebook, Tiktok nên doanh số bán hàng luôn ổn định, kết nối được với nhiều khách hàng ngoài tỉnh”.
Đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, kém chất chất lượng, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường nhằm tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng, từ năm 2009 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham gia trên 400 cuộc giám sát, kiểm tra hơn 2.400 cơ sở sản xuất - kinh doanh. Sở NN&PTNT tổ chức 94 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, với 1.033 lượt cơ sở, xử phạt 83 cơ sở; kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất - kinh doanh được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại 284 cơ sở; tổ chức lấy trên 3.110 mẫu nông, lâm, thủy sản, có 178 mẫu vi phạm tiêu chuẩn chất lượng…
Đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: "Để CVĐ được thực hiện sâu rộng và hiệu quả hơn, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đưa việc thực hiện CVĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi đơn vị. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về ý chí tự lực tự cường, lòng tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Vận động, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất hàng Việt, quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh thông tin. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa Việt, tổ chức hội chợ, triển lãm, mở rộng mạng lưới đưa hàng Việt về vùng nông thôn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đăng ký, chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, mẫu mã, nhãn hiệu, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại… Kịp thời trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, quan tâm khen thưởng, tôn vinh các đơn vị có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo”.
Hoàng Anh
Nhóm ý kiến chuyên đề:
Tích cực kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi gian lận thương mại
Hàng năm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Các đội QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thị trường dịp lễ, Tết và theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Trong đó, một số kế hoạch được triển khai quyết liệt như: đấu tranh chống vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép; kiểm tra mũ bảo hiểm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; kiểm tra kinh doanh xăng dầu; kiểm tra mì chính giả, nhập lậu; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra vật tư nông nghiệp…
Cục QLTT tỉnh cũng có văn bản kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường như vi phạm về đo lường chất lượng xăng dầu, khí hóa lỏng; đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin, nghiệp vụ điều tra phát hiện, xử lý vi phạm, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Đỗ Mạnh Dũng
Trưởng phòng Nghiệp vụ - tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh
Đưa sản phẩm địa phương đến khắp mọi miền
HTX Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu được thành lập từ năm 2009, đến nay đã tạo việc làm thường xuyên cho 21 thành viên là chị em dân tộc thiểu số với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho hơn 25 phụ nữ lúc nông nhàn.
Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, HTX đã xây dựng sản phẩm quà tặng từ thổ cẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và quần áo thổ cẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Các mặt hàng của HTX ngày càng được khách hàng quan tâm và tin dùng. HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành phố, phiên chợ đưa hàng Việt về vùng nông thôn. Qua đó ký kết được những đơn hàng lớn, tạo điều kiện để HTX hoạt động ổn định, lâu dài, ngày càng phát triển.
Hiện, HTX sản xuất, kinh doanh theo đơn đặt hàng từ các tỉnh, thành phố, đặc biệt là hợp đồng với Công ty N’go của Pháp để may đồ thể thao. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu tại cửa hàng trưng bày của HTX, cửa hàng sản phẩm OCOP tại bản Lác và các khách hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đặt hàng qua các kênh bán lẻ trực truyến. Mặt hàng của HTX ngày càng vươn xa.
Vì Thị Oanh
Phó Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/193482/nguoi-viet-tin-dung-hang-viet.htm