Người viết trẻ Việt không còn gói gọn trong nỗi cô đơn
Những tín hiệu lạc quan về văn học trẻ Việt Nam ở góc độ 'lựa chọn đề tài' và 'kỹ thuật viết' đã được ghi nhận tại buổi giao lưu với hai nhà văn Phan Hồn Nhiên và Yang Phan.
Nỗi cô đơn cá nhân là đề tài chung thường xuyên được các tác giả trẻ Việt khai thác. Điều đó tạo ra mối lo ngại về sự thiếu vắng tác phẩm hiện thực, phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn hơn trong văn chương Việt của thế hệ tương lai. Nhưng qua cuộc thi Văn học Tuổi 20 được trao giải năm nay, đã có nhiều đề tài khác xuất hiện.
Đề tài viết của nhà văn trẻ Việt Nam đã đa dạng hơn
Trong buổi giao lưu với bạn đọc hôm 27/8 tại TP.HCM, nhà văn Phan Hồn Nhiên nhận thấy có sự thay đổi đề tài của tác giả trẻ hiện nay. Là một thành viên trong Ban giám khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức lần VI và lần VII, nhà văn Phan Hồn Nhiên cho biết 12 tác phẩm bà đọc trong vòng chung khảo có thể xếp theo đề tài thành ba nhóm.
Nhóm phản ánh hiện thực cuộc sống với các tác phẩm như: Vệt sáng của bụi (Lê Quang Trạng), Chuồng cọp trên cao (Nguyễn Thu Hằng), Bảy bảy bốn chín (Hoàng Công Danh)…
Nhóm khai thác nội tâm tinh thần con người: Chopin biến mất (Hiền Trang), Vụn ký ức (Yang Phan)…
Một số tác phẩm khác có bàn về những vấn đề chung của nhân loại như ngôn ngữ, môi trường...
Nhà văn Phan Hồn Nhiên cho rằng có những đánh giá khá phiến diện về người trẻ hiện nay. Chẳng hạn như là nói các bạn sống trên mạng nhiều quá, chỉ quan tâm đến văn hóa đại chúng, bị văn hóa tiêu dùng cuốn đi. "Nhưng tôi nghĩ những người đưa ra đánh giá như vậy là vì họ chưa đọc văn học của ngày hôm nay, của những bạn như Yang Phan, Mai Thanh Nga, Hiền Trang, Lê Quang Trạng…”, Phan Hồn Nhiên nói.
Tác giả Yang Phan - nhà văn trẻ đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Văn học tuổi 20 với tác phẩm Vụn ký ức - chia sẻ khi bắt đầu sáng tác vào năm 2015, anh thường lựa chọn viết những câu chuyện cho cộng đồng đồng tính nam. Qua khoảng thời gian gần 5 năm sáng tác, Yang Phan bắt đầu nhận ra tình yêu không nằm ở giới tính và có những vấn đề xã hội thuộc về mọi người. Anh chọn cách cho những nhân vật của mình phi giới tính để người đọc có thể tự do tiếp nhận.
Cũng như nhiều tác giả trẻ khác, Yang Phan bắt đầu viết dựa trên chính những trải nghiệm cá nhân của mình. Qua một thời gian, anh nhận thấy chỉ có trải nghiệm cá nhân là không đủ nên bắt đầu quan sát nhiều hơn, đề tài cũng được mở rộng hơn: không chỉ viết về tình yêu, mà còn về gia đình, mạng xã hội, những chấn thương tâm lý, tội ác, tình dục. Khoảng thời gian sau, anh viết thêm về chữa lành và sự kết nối.
Để thành công, người viết cần có chiến lược cụ thể
Yang Phan chia sẻ năm 15 tuổi anh đã viết bản thảo đầu tiên nhưng bị từ chối. 5 năm sau, anh mới lần đầu được chấp nhận in với bản thảo thứ mười. Nhưng đến cuối năm 2020, sau khi đã ra mắt được ba cuốn sách, Yang Phan lại không được bất kỳ nhà xuất bản nào chấp nhận in tác phẩm mới. Lúc này, anh đặt ra những câu hỏi như tại sao cá tính của mình lại bị từ chối, bạn đọc và giới phê bình đang cần gì.
Để tìm đáp án, Yang Phan đã viết cùng lúc hai bản thảo: một bản thảo hướng đến giới phê bình là Vụn ký ức, một bản thảo hướng đến bạn đọc phổ thông là Đêm đã sâu, sao em chưa tắt đèn? Ngoài ra, anh còn hoạch địch chiến lược phải ra mắt hai bản thảo này cách nhau trong thời gian ngắn để dễ đo lường phản ứng của cả hai giới.
Đến nay, Yang Phan đã tìm được câu trả lời khi Vụn ký ức đoạt giải Nhì Văn học tuổi 20, còn Đêm đã sâu, sao em chưa tắt đèn? cũng vừa được xuất bản cách đây hai tháng và cần thêm thời gian để nhận phản hồi từ bạn đọc.
Ngoài ra, nhà văn Phan Hồn Nhiên cũng chia sẻ thêm về vấn đề duy trì cảm xúc khi viết rằng: “Khi mới bắt đầu viết, chúng ta đặt nặng khía cạnh cảm xúc. Nhưng khi đã có kinh nghiệm, việc chờ đợi cảm xúc là không nên và cũng không cần". Điều quan trọng là làm sao duy trì được câu chuyện có cảm xúc để triển khai cho tác phẩm. Nếu muốn trở nên chuyên nghiệp, người viết cần sống tách bạch ít nhất hai cuộc đời: cuộc đời bình thường và cuộc đời sáng tác.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên cũng nói về sự khác biệt giữa nhà văn và tác giả. Bà khẳng định không hẳn là viết hay, viết giỏi mới có thể trở thành tác giả. Có những tác giả có sách best-seller nhưng họ không phải là nhà văn. Họ chỉ cần tìm được một đề tài có nhiều người quan tâm để viết là đã đủ để trở thành tác giả hấp dẫn rồi.
"Vậy nên vấn đề thực sự ở đây là các bạn có viết hay không, có câu chuyện để kể hay không, còn văn chương nhiều khi lại là một câu chuyện đi sau. Đừng quá quan trọng chuyện phải trở thành nhà văn mà trước mắt hãy hướng đến việc trở thành tác giả", Phan Hồn Nhiên đưa lời khuyên với các cây bút trẻ.