Người Việt vốn khôi hài

Người Việt vốn khôi hài. Thích cười. Ai ai cũng khoái được há miệng ra cười. Có phải do dân đen đã gánh quá nhiều nhọc nhằn, vì thế, họ cần cười như một cách xả hơi, xí xóa chuyện xúi quẩy đen đủi, xui xẻo, xóa ván này ta chơi ván khác, chẳng gì phải bi quan, rị mọ thở ngắn than dài?

Công bố nghiên cứu lớn nhất về bộ gen của người Việt

Một khi đã khôi hài, nói trạng, nói phiếm, nói cỡ các danh thủ như bác Ba Phi, các ông trạng Quỳnh, Thủ Thiệm, Sáu Mới, ông Ó, Quản Bạt, Ba Giai, Tú Xuất v.v… ta hiểu là những câu nói, câu chuyện của họ còn ngụ ý đá giò lái qua vụ việc trái tai gai mắt nào đó hoặc châm chọc nhằm gây cười, chỉ cần cười một phát là xong, là hả hê hài lòng. Đại khái thế.

Nhìn quanh một chặp

Ngày trước, nam thanh nữ tú còn có thú vui hò đối đáp giữa canh khuya giã gạo, lúc chèo thuyền nhằm xua tan mệt nhọc, cười chơi cho vơi nhọc nhằn. Còn nghe kể, ở vùng quê xứ Quảng vào ngày nọ, tháng nọ, năm nọ có anh chàng nọ dù thọt một chân nhưng chỗ nào có hát hò là lò dò mò tới góp vui. Các cô nàng trêu chọc: “Điệu nào hay bằng điệu hát hò/ Chớ vui chi một cẳng, anh còn cò nhót theo?”.

He he, hỏi thế mà cũng hỏi, anh chàng liền trả lời ngon lành: “Đêm nằm anh gác cái cẳng quẹo anh qua/ Cũng bằng em đắp chiếu hoa bên Tàu”. Đám con trai nghe xốn lỗ tai, bèn nói sỗ sàng, cà khịa như muốn gây sự: “Mền hoa không bằng cái mo cau/ Lượm lên che mặt cho mau mà về”.

Thiệt bực mình, anh chàng nổi cáu bèn lấy hơi từ ngực hò một câu trả đũa, chứ chẳng lẽ ôm mặt mo cau mà về: “Đốn liềm cau không rớt tàu đâu/ Tui lo đắng kịp sắm bầu cho xem/ Điếm lui còn lại điếm lem/ Chớ đừng điếm lại, gạo ướt mêm phải đòn”.

Điếm là một cách phát âm của đếm. Không rõ, sau câu hò này, chuyện gì xảy ra? Đơn giản thôi, trong hò đối đáp đôi khi mượn lấy sự lắt léo chữ nghĩa, nói lái nghe thô tục nhưng người ta không chấp nhất, thậm chí còn được khen ứng đối giỏi, bẻ chữ tài tình. Cuộc hát hò cứ thế tiếp tục, chẳng có gì phải nổi sung, nổi giận bởi cùng bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn với nhau, chứ nào có phải ai xa lạ đâu.

Tới đây chẳng hát thì hò/ Nào phải con cò ngóng cổ mà nghe”, nhiều người đã mang theo tâm lý này vào trong cả nghị trường. Thế mới là phiền. Phiền toái cho người nghe. Bởi vì rằng, trong các cuộc họp hành quan trọng bàn về chuyện ích nước lợi dân, hoạch định kế sách, lúc phát ngôn đố ai dám khôi hài bông lơn bỡn cợt. Lâu nay, y tưởng là thế. Quả quyết là thế. Nhưng rồi… trật lấc. Bằng chứng là ngày càng còn nhiều quan chức nhà ta đã phát ngôn cực kỳ nghiêm túc nhưng nghe lại thấy khôi hài.

Mới đây, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi bàn về tiết kiệm ngân sách, giảm ách tắc giao thông, đặc biệt để thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu của các cấp, các ngành, một nữ đại biểu phát biểu như đinh đóng cột: “Có thông tin và dư luận cho rằng nên thực hiện theo mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy; giám đốc sở, ngành đi xe đạp; bộ trưởng đi xe buýt”.

Đọc xong, tự dưng bật ra tiếng cười. “Thông tin và dư luận” nào nhỉ? Cười cho cái tư duy lạ lùng ở chỗ, vấn đề cốt lõi hiện nay không phải quan chức chọn phương tiện gì di chuyển; cái cần nhất, bức thiết nhất vẫn là tư duy, chất lượng công việc có thay đổi hay không? Nếu không thay đổi, vẫn “vũ như cẫn”, vẫn dậm chân tại chỗ thì dù đi máy bay, hỏa tiễn, phi thuyền, tàu ngầm, xe hơi, đi bộ, xe đạp, xích lô, xe buýt… cũng chẳng nói lên điều gì cả.

Thế thì, đề xuất này không khôi hài là gì?

Nói đâu xa, với cái nghề y đã kiếm cơm ròng rã từ thời tập tễnh vào nghề đến nay, có phải sự thay đổi phương tiện tác nghiệp đã quyết định chất lượng của bài viết, ngày một tốt hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn? Không phải đâu. Vấn đề vẫn là anh viết cái gì, viết bằng tâm thế, bằng tâm trạng nào, chứ không phải bằng phương tiện gì.

Thỉnh thoảng, lúc vào thư viện y vẫn tìm đọc lại những bài báo do các nhà báo tiền bối tác nghiệp tại mặt trận Điện Biên Phủ. Đọc xong, vẫn còn xúc động. Hừng hực khí thế. Tự hỏi, ngày ấy, họ đã tác nghiệp với các phương tiện gì mà bây giờ chắc gì các nhà báo trẻ dù đã có máy móc “trang bị tận răng” có thể sánh kịp? Trong hồi ký Làm báo ở Điện Biên Phủ (NXB Quân đội nhân dân, 1994), nhà báo Trần Kư với tư cách là người trực tiếp tham gia đã kể lại những chi tiết rất đắt giá.

Sau đây là vài món ''đồ nghề" của phóng viên ở mặt trận Điện Biên Phủ: “So với các phóng viên báo chí nước ngoài đến Điện Biên Phủ hoạt động thì các nhà văn, nhà báo của chúng ta hồi ấy quá nghèo, hầu như không có một phương tiện gì như bây giờ nào máy ảnh, máy ghi âm, đèn pin đến cây viết cũng có lắp đèn pin, lại cả máy chữ, máy quay phim v.v... Còn lúc đó, các phóng viên của ta đều chỉ có độc một cây bút và cuốn sổ tay. Đa số là sắm được cây bút máy mua ở các hàng xén ở chợ thị trấn. Anh nào có tiền thì sắm được cây bút Parker (là sang nhất) còn phần lớn là loại ''Oc-re-vơ'' bằng nhựa màu mận chín, vặn cổ đổ mực, thường gọi là bút “chủ tịch xã”.

Hồi ấy chưa có bút bi. Nhưng lác đác có anh mang được bút bi từ nước ngoài về, lại gọi là ''bút nguyên tử (?). Còn giấy viết thì phần lớn là giấy pelure đánh máy do ta sản xuất bằng dó hay rơm, rất nháp, viết rất mệt, hay hút ẩm, cho nên sổ tay thường cho vào một túi nilon để trong xà cột, phòng mưa gió hay lội qua sông thì tài liệu và quần áo không bị ướt (tr.23-24). Đấy, phương tiện tác nghiệp của các bậc đàn anh chỉ có thế. So với nay, đã một trời một vực. Chuyện này, không quan trọng. Không là gì cả. Vấn đề vẫn là ý thức của bản thân người viết đó thôi.

Nghĩ ngợi vẩn vơ

À, trong hồi ký này, nhà báo Trần Kư có nhắc đến cây bút Parker. Thời đó còn đôi thứ mà nhiều người mơ ước, nếu sắm được, nói như ngôn ngữ thời này đúng là “người sành điệu biết xài hàng hiệu”:

Bút máy Parke

Đồng hồ Wyler

Nằm giường tre

Lấy vợ tạch tạch sè

Đi xe đạp Course

Không rõ, ai là người đã nghĩ ra cụm từ “tạch tạch sè” dùng để nói “tiểu tư sản”? Tạch là tiếng pháo tép nổ, dù có “tạch tạch” cũng chẳng ra làm sao, chỉ là tiếng nổ lép bép; đã thế còn đi chung với “sè” gợi đến âm “tè” lại càng khôi hài, cười cợt, nghe vui tai. Về cây bút Parker, thời y đi học vào khoảng thập niên 60, có loại cũng danh giá, sang trọng không kém là bút Pilot. Bằng không chỉ sử dụng bút lá rông, bút lá tre là lúc viết phải chấm vào bình mực, bàn tay lúc nào cũng lem luốc, kể cả mặt bàn ngồi học. Thầy giáo cấm học trò sử dụng bút bi vì sợ hư nét chữ.

Trước đó nữa, thời ông Tú Xương, trong giao lưu văn hóa Pháp - Việt đã là một thay đổi ngoạn mục: “Vứt bút lông đi, giắt bút chì”. Thử hỏi, trước lúc được cầm lấy bút lông, cậu học trò thò lò mũi xanh ở độ tuổi “Nhân chi sơ là sờ vú mẹ; tính bổn thiện là miệng muốn ăn” sử dụng bút gì?

Khoan trả lời vội, chỉ biết rằng thuở ấy, vai trò của người thầy dạy học còn sáng giá vô cùng. Phổ biến nhất là trường thiết lập tại nhà riêng của người giàu có trong làng, tự nguyện đài thọ cho thầy để dạy dỗ con em trong nhà. Hàng xóm cũng đưa con đến học, họ xin góp chung tiền, gạo với chủ nhà để cùng lo toan chu tất cho thầy. Do quan niệm “đạo thánh là đạo rộng”, chủ nhà chẳng hẹp hòi gì.

Nhưng trường cũng có thể là của bậc thức giả trong làng, không phải lo chạy gạo hằng ngày, ở nhà ngồi dạy trẻ rồi nhân tiện dạy luôn trẻ nhà người. Thầy có thể là người giỏi chữ từ xa đến hoặc người làng thông thạo kinh sử nhưng chưa đỗ đạt, ngồi dạy học để chờ lúc triều đình mở khoa thi thì tiếp tục lều chõng với ước mơ “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”, thường gọi là thầy đồ, thầy khóa. Trong bài Phú ông đồ ngông, cụ Nguyễn Khuyến dẫu có viết những câu giễu cợt, nhưng đúng với “phong thái” của ông thầy ngày xưa:

Bốn cóng kê giường; vài chồng cặp sách

Cơm trắng canh ngon; ghế cao chiếu sạch

Chữ “thánh phù”

Câu “thiên tích”

Chậu thau rửa mặt tầm váo tầm vênh

Điếu sứ long đờm, cóc ca cóc cách

Thần Kiêu Kỵ xôi gà tùy thích, ông đã nên ông;

Bụt Nam Xang oản tẻ chẳng từ, khách thời mặc khách.

Cóng là đồ đất nung như cái thạp nhỏ. Cái cóng ấy có thể do thủng đáy, thay vì vứt ngoài bụi tre, chủ nhà lật úp lại kê vạt làm giường cho thầy, vừa ngồi dạy học, chấm bài vừa làm chỗ ngủ. Dưới cạnh giường, có kê thêm một cái sạp để thầy tiếp khách. Buổi sáng, nghe tiếng gà gáy đầu thôn, thầy đã dậy, khăn áo chỉnh tề, uống trà và cũng là lúc học trò lũ lượt kéo đến học.

Trước tiên đứa trẻ được thầy dạy tập viết, nhưng nó chưa được cầm bút lông mà cầm que tre vạt nhọn một đầu. Thầy cầm tay trò lấy cây que thấm nước viết những chữ ít nét trên tấm ván gỗ cho quen tay; hoặc hướng dẫn cho nó viết trên mảnh gỗ có khắc nét chữ sâu xuống, đầu “bút” dựa theo những đường rãnh đó mà không chệch ra ngoài... Tập dần cho quen tay, lúc đứa trẻ thuần thục mới được cầm bút lông để viết.

Dần dần, thầy viết bút son cho trò cầm bút lông đồ theo, phải tập kéo bút chỉ một lượt mà tô kín nét son của thầy. Rồi thầy lại viết chữ trên một tờ giấy, đặt xuống dưới trang giấy của trò, bảo nó nhìn theo đó mà đồ lại theo bóng chữ có sẵn. Trong quá trình tập viết, thầy dạy cho trò biết nét nào viết trước, nét nào viết sau, chữ nào viết trước, chữ nào viết sau.

Cứ như thời y theo học khoa Ngữ văn, thầy dạy rằng, khi viết, phải tuân theo quy tắc bút thuận áp dụng cho từng nét: Trên trước dưới sau; trái trước phải sau; ngang trước sổ sau; giữa trước hai bên sau; phẩy trước mác sau; ngoài trước trong sau; vào trước đóng sau… Nhớ thì nhớ vậy, nay chữ nghĩa đã trả hết cho thầy, thầy ôi.

Thí dụ, chữ Minh, ghép bởi chữ “nhật” bên trái và chữ “nguyệt” bên phải; nếu viết ngược lại là “trái cựa”, đứa trẻ bị thầy lấy bút khuyên tròn miệng gọi là phạt “vòng mép” suốt ngày không cho rửa; nếu viết láu, chữ như gà bươi thì thầy lấy roi ghè vào tay. Học xong lớp học của thầy trong làng, các học trò mới đến tập làm văn, nghe giảng sách ở trường của các ông Nghè, ông Bảng là những bậc cao; hoặc lên huyện, lên tỉnh học tiếp.

Đại khái lối học ngày xưa là thế. Vừa đọc trên báo thông tin: “Từ đây, có thể sẽ chọn những báo cáo viên giỏi để tôn vinh, chẳng hạn như danh hiệu "The best teacher of the year" (Giáo viên giỏi nhất trong năm)”. Được thế tốt quá. Chỉ có điều phân vân một chút là những giáo viên này sẽ được vinh dự gì?

Thì đây: “Những giáo viên này sẽ được bộ trưởng trân trọng mời cơm, trò chuyện cùng bộ trưởng và một số giáo viên giỏi khác về các vấn đề của ngành trong không gian thực sự ấm cúng. Có thể không là gì, nhưng cũng có thể đó là dấu ấn trong cuộc đời người giáo viên khi được công nhận là giáo viên giỏi. “Của cho không bằng cách cho", tôi đang phấn đấu để các thầy cô thấy bộ trưởng như một chỗ dựa của mình. Nếu mình chưa thuộc về thầy cô thì chưa thành công...”.

Bạn cảm nhận thế nào? Tùy bạn. Riêng y, khoái nhất vẫn là “sẽ được bộ trưởng trân trọng mời cơm”. Thích là thế. Khoái là thế. Vui là thế. Chỉ cần cười một phát là xong, là hả hê hài lòng.

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/nguoi-viet-von-khoi-hai-561845/