Người Việt vượt hàng nghìn km để rời vùng phong tỏa lớn nhất thế giới

Chuyến bay từ Ấn Độ về Cần Thơ diễn ra sau nhiều tuần nỗ lực của cán bộ ngoại giao và những chuyến xe vượt cả nghìn km tại đất nước đang phong tỏa vào loại chặt nhất thế giới.

Gần 340 công dân Việt Nam bị kẹt ở Ấn Độ do phong tỏa đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cần Thơ vào sáng sớm 20/5.

Trao đổi với Zing, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết không giống ở các nước khác, đại sứ quán đã phải thuê ba chuyến bay nội địa để đưa khoảng 200 người Việt từ cách xa hàng nghìn km về thủ đô New Delhi, để từ đó lên máy bay về Cần Thơ.

“Tôi rất hồi hộp... khi nào các nhóm lên máy bay hết thì mới yên tâm được”, Đại sứ Sanh Châu nói với Zing vào sáng 19/5.

 Chuyến bay sơ tán người Việt ở Ấn Độ về tới Cần Thơ sáng sớm 20/5. Ảnh: NVCC

Chuyến bay sơ tán người Việt ở Ấn Độ về tới Cần Thơ sáng sớm 20/5. Ảnh: NVCC

Hồi hộp vì hơn 60 chuyến xe, 3 chuyến bay

Ngay khi đại sứ trả lời Zing, một nhóm người Việt ở Gaya, bang Bihar còn đang tập kết để lên chuyến bay đi New Delhi, có 99 người nhưng vẫn thiếu 20 người, “vì hành trình từ rất nhiều hướng”. Các nhóm khác phải bay từ Bangalore và Pune. Một nhóm nữa khoảng 130 người xung quanh New Delhi sẽ di chuyển lên thủ đô.

Tổng cộng, ông Sanh Châu ước tính khoảng 340 người di chuyển thành 13 nhóm, từ 15 tiểu bang, trên 66 chuyến xe, 3 chiếc máy bay để đến được New Delhi.

 Một chuyến xe chở người Việt trên đường đi New Delhi để bắt chuyến bay. Ảnh: NVCC.

Một chuyến xe chở người Việt trên đường đi New Delhi để bắt chuyến bay. Ảnh: NVCC.

Có những quãng đường lên tới cả 1.000 km, “trong điều kiện đường rất xấu, thời tiết nóng bức, các cơ sở phục vụ ăn uống trên đường chưa được mở cửa”, chẳng hạn bà con di chuyển từ bang West Bengal sang bang Bihar, từ thành phố Varanasi về đến New Delhi.

Sáng 19/5, tại đại sứ quán, các nhân viên đang làm “cơm nắm, muối vừng, quýt, chuối, trứng” cho mọi người. Sau đó, họ ra sân bay để điểm lại danh sách hành khách bay về nước, hỗ trợ giải quyết các vấn đề, và hoàn tiền đối với những ai đã trả thừa tiền vé. Một số hành khách di chuyển sớm đã được đại sứ quán đón và hỗ trợ ăn ở từ đêm trước.

Làm thủ tục tại sân bay. Ảnh: Bộ Ngoại giao, NVCC.

Làm thủ tục tại sân bay. Ảnh: Bộ Ngoại giao, NVCC.

“Vui nhất là đại sứ quán đã báo về để Vietnam Airlines chuyển 150 suất bánh mì sang bánh ngọt rồi”, ông Sanh Châu nói, cho biết rất nhiều người Việt bị kẹt tại Ấn Độ là tăng ni, phật tử ăn chay.

“Ngoài ra sau vụ hai nhân viên Vietnam Airlines nhiễm bệnh, tất cả hành khách sẽ mặc đồ bảo hộ rồi mới lên máy bay, hôm nay mấy chục người của đại sứ quán ra cũng mang đồ bảo hộ hết”. Bản thân đại sứ cũng trực tiếp ra sân bay - vì nhiều tuần nay đã gọi điện động viên và nắm được rất nhiều câu chuyện người Việt bị kẹt lại, ông cho biết.

Hành khách mặc đồ bảo hộ trên chuyến bay Vietnam Airlines. Ảnh: NVCC.

Hành khách mặc đồ bảo hộ trên chuyến bay Vietnam Airlines. Ảnh: NVCC.

Gọi điện xin cấp phép tới phút chót

Để đến được đây, đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã vượt qua nhiều trở ngại, khi lệnh phong tỏa ở Ấn Độ dừng toàn bộ chuyến bay thương mại, xe thương mại, cấm di chuyển giữa các bang, và yêu cầu giấy phép của Bộ Nội vụ với các xe cá nhân.

“Đây không phải cuộc khủng hoảng bình thường”, Đại sứ Sanh Châu nói, vì vậy quy trình không hề dễ dàng.

 Đại sứ Phạm Sanh Châu (giữa) ở sân bay đang trao đổi với hành khách chuyến bay về Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (giữa) ở sân bay đang trao đổi với hành khách chuyến bay về Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Chỉ hơn một tuần trước, vẫn chưa có phương án khả thi để chở công dân về thủ đô, cho đến khi đại sứ quán Kenya cho biết đã thuê hãng IndiGo, hãng hàng không giá rẻ của Ấn Độ, để chở công dân chặng nội địa.

“Đó là bước ngoặt, và may quá chúng tôi có quan hệ với IndiGo từ trước đây mở các chuyến Kolkata đi Hà Nội và TP.HCM”, đại sứ cho biết.

Chặng bay nội địa của hãng hàng không IndiGo đưa người Việt về thủ đô New Delhi. Ảnh: NVCC.

Chặng bay nội địa của hãng hàng không IndiGo đưa người Việt về thủ đô New Delhi. Ảnh: NVCC.

Đại sứ quán gửi công hàm xin phép Bộ Ngoại giao Ấn Độ chấp thuận cho chuyến bay quốc tế - “một bước dễ dàng vì nhiều nước làm rồi, không vấn đề gì”. Nhưng xin phép cho chuyến bay nội địa để đón công dân thì khó hơn, mới là trường hợp thứ hai sau Kenya.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ đồng ý về chủ trương, nhưng cấp phép bay phải là Bộ Hàng không Dân dụng Ấn Độ, và khi gửi đơn xin lên Bộ Hàng không, phải kèm đơn của IndiGo.

 Khai báo thêm một số giấy tờ tại sân bay. Ảnh: NVCC.

Khai báo thêm một số giấy tờ tại sân bay. Ảnh: NVCC.

Giấy tờ của IndiGo lại “đòi hỏi thông tin khai báo từ hành khách, như ngày sinh, làm nghề gì, mà danh sách hành khách của mình thay đổi liên tục. Nhưng có người lúc muốn về lúc không, hay bảo bay từ chỗ này rồi đổi sang chỗ khác”, ông Sanh Châu giải thích. Chừng nào chưa chốt được danh sách, IndiGo không thể nộp đơn lên Bộ Hàng không, và Bộ Hàng không không thể chuyển hồ sơ cho các bộ khác làm giấy tờ đi đường.

“Cái khó ở đây là chúng tôi đặt mục tiêu ngày 19/5, không muốn hoãn, nên chịu sức ép về thời gian. Nếu mình buông (về thời gian), bao giờ xong thủ tục cũng được, thì cũng xong thôi nhưng không được sớm”, Đại sứ Sanh Châu nói.

Đại sứ quán còn phải xin phép của sân bay. “Mỗi sân bay có một ông chủ riêng, không liên quan, khác hệ thống, khác bang, không giống hệ thống Việt Nam mình”, ông nói. Cần được phép của cả ba sân bay ở Bangalore, Gaya và Pune, nhưng sân bay Pune thuộc quân đội, cần xin phép đặc biệt. Vì vậy, tùy viên quốc phòng của đại sứ quán phải gọi điện liên tục cho Bộ Quốc phòng và Không quân Ấn Độ - cho đến tận ngày cuối cùng.

Chưa xong các thủ tục cần thiết, người Việt ở các nơi chưa thể đặt xe ra sân bay. “Không ông xe nào chịu đi cả, vì sợ ‘tôi đi đường, sang bang khác bị cách ly thì sao’”, ông Sanh Châu giải thích. Có những bang “xanh”, bang “đỏ” theo phân loại về tình hình dịch bệnh, có những quy định khác nhau về cách ly hay yêu cầu xe cộ quay về.

Đến phút chót, khi đầy đủ hồ sơ, Bộ Nội vụ Ấn Độ mới cấp giấy phép đi đường, để các nhóm mang theo kèm với thư của đại sứ quán, công hàm của Bộ Ngoại giao (Ấn Độ), cũng như hộ chiếu và vé máy bay.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (áo bảo hộ trắng) ra sân bay trao đổi với người Việt về nước. Ảnh: NVCC, Bộ Ngoại giao.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (áo bảo hộ trắng) ra sân bay trao đổi với người Việt về nước. Ảnh: NVCC, Bộ Ngoại giao.

Nhiều người Việt về được nhờ quyên góp

Thông cáo của Bộ Ngoại giao về chuyến bay cho biết 340 hành khách bao gồm “trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, phụ nữ có thai, du học sinh không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, nhiều tăng ni, Phật tử tham gia khóa tu ở các viện Phật giáo tại Ấn Độ, người đi du lịch bị kẹt lại, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động”.

Trong khoảng 340 người Việt về nước, Đại sứ Sanh Châu ước tính có khoảng 200 là tăng ni, phật tử sang dự các khóa tu. Có thủy thủ tàu viễn dương đã cập bến kịp, đi thêm 800 km để đến Bangalore, rồi đợi ngoài nhiều tiếng để sân bay ở đó mở cửa.

Có người Ấn Độ là chủ nhà máy ở Nam Định được Việt Nam đặc cách cho sang Việt Nam cùng gia đình để giải quyết, ký trả lương cho 700 công nhân. Có bà mẹ người Nga, cùng đứa con 5 tuổi được về Việt Nam với chồng vì lý do nhân đạo.

Trong số 340 người về nước, có khoảng 200 tăng ni, phật tử sang dự các khóa tu (trái), và có chủ nhà máy người Ấn Độ (ảnh phải, giữa) sang giải quyết lương cho 700 công nhân Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Trong số 340 người về nước, có khoảng 200 tăng ni, phật tử sang dự các khóa tu (trái), và có chủ nhà máy người Ấn Độ (ảnh phải, giữa) sang giải quyết lương cho 700 công nhân Việt Nam. Ảnh: NVCC.

“Đó là những trường hợp căng thẳng mà thôi thúc tôi (thu xếp chuyến bay)”, Đại sứ Sanh Châu nói. “Các tăng ni cũng nhiều tình cảnh vất vả và thương quá, có những người không có gia đình, định phó mặc ở lại chùa bên Ấn Độ. Có hơn 60 kỹ sư bị mắc kẹt ở đây cũng phí”.

 Đại sứ Phạm Sanh Châu đang nói về tranh của họa sĩ Việt tại triển lãm ở Ấn Độ. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu đang nói về tranh của họa sĩ Việt tại triển lãm ở Ấn Độ. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng tổ chức quyên góp, chi trả được vé chặng nội địa và quốc tế cho vài người Việt. Thông tin trên Facebook của đại sứ cũng khiến nhiều người đề nghị quyên góp, nhưng đại sứ quán chủ trương không nhận quyên góp rộng, mà chỉ từ những người bạn cá nhân của đại sứ, ông cho biết. Nhờ vậy, hơn 20 người được tài trợ vé hoặc giảm giá vé.

Một đóng góp quan trọng khác là có hai công ty cùng đại sứ quán đứng ra bảo lãnh, đóng tiền ban đầu thì mới thuê được các chuyến bay. Đó là hai công ty có một số nhân viên bị kẹt ở Ấn Độ. Khi chắc chắn có chuyến bay, số người đăng ký mới tăng lên khiến giá vé giảm dần, theo đại sứ.

14 người vẫn mắc kẹt ở Nepal

Đại sứ Sanh Châu cho biết đã làm việc tích cực để nhóm 14 người Việt mắc kẹt ở Kathmandu, Nepal bay sang New Delhi để về nước. Nhưng các phương án bay, riêng hoặc ghép với nước khác, đều không thành vì lý do chi phí hoặc do không xin được Ấn Độ cho quá cảnh dài.

“Hiện tại mọi người khá buồn vì không thể bắt được chuyến bay”, Phạm Hồng Quân, 24 tuổi, một giáo viên mắc kẹt ở Nepal sau chuyến đi leo núi từ đầu tháng 3, nói với Zing. “Có những người bị kẹt khá lâu rồi, càng bế tắc về mặt tài chính, không biết có thể trụ lại bao lâu, có 1-2 bạn đã được một mạnh thường quân hỗ trợ về chỗ ở, còn lại vẫn ở khách sạn, một số ở nhà dân”.

 Phạm Hồng Quân mắc kẹt tại Nepal sau chuyến leo núi. Ảnh: NVCC.

Phạm Hồng Quân mắc kẹt tại Nepal sau chuyến leo núi. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, dịch bệnh ở Nepal đang phức tạp sau 2 ngày liên tiếp có khoảng 60 ca, lên tổng số 402 ca, 2 ca tử vong (tính đến 19/5), khiến phong tỏa cũng chặt hơn trước. “Trước đây, buổi chiều vẫn có hàng hoa quả, thịt mở, nhưng giờ hiếm lắm mới thấy mở cửa, phải đi xa hơn”, Quân nói thêm. Nhiều tuần nay, Quân dựa vào các nhà hàng phát đồ ăn miễn phí.

Anh cho biết nhóm 14 người kẹt lại bao gồm người già, trẻ em. Họ đang tập hợp, thống kê thêm xem còn bao nhiêu người kẹt ở Nepal, để xin cấp phép thêm chuyến bay.

“Nhóm đăng tin lên cả những vùng núi xem ai còn kẹt lại... có những tăng ni, phật tử vẫn ở chùa, không hay online... để chắc chắn họ biết thông tin là có thể có chuyến bay như thế, là chuyến duy nhất cho đến tận khi các chuyến bay thương mại mở lại”, Quân cho biết.

“Hai tháng chưa bước ra khỏi nhà”

Người Việt bị mắc kẹt ở Ấn Độ kể với Zing về nỗi hoang mang, lo lắng khi Ấn Độ phong tỏa - lệnh phong tỏa mà sau được đánh giá vào loại nghiêm ngặt nhất thế giới.

Nguyễn Đức Dũng, 35 tuổi, cùng vợ và bé gái sang thành phố Bangalore, Ấn Độ ngắn hạn để theo học các lớp về thiền, yoga, và phương pháp giáo dục mầm non, định về nước vào cuối tháng 3. Nhưng ngày 24/3, khi có 60 ca nhiễm, Ấn Độ ra lệnh phong tỏa toàn quốc.

Nhóm người đi từ Bangalore (trái) và nhóm tăng ni, phật tử từ Pune (phải). Ảnh: NVCC.

Nhóm người đi từ Bangalore (trái) và nhóm tăng ni, phật tử từ Pune (phải). Ảnh: NVCC.

“Bên này phong tỏa không giống như ở Việt Nam, mà chỉ ở nhà 100%, mọi nơi đóng hết, lúc ấy cũng hoang mang”, anh nói. “Sau họ thông báo mỗi gia đình cử 1 người ra ngoài mua thức ăn, đi là phải mang túi mua thức ăn, và chỉ đi bộ, nếu đi xe họ chặn xe lại”. Cảnh sát một số nơi còn dùng roi để quật người bị cho là vi phạm.

Dũng đã thuê chỗ ở dài hạn từ trước, nhưng một số bạn người Việt của anh không tìm được chỗ ở, phải xin ở nhờ các nơi, vì nhiều khách sạn đóng cửa.

“Cũng như ở Việt Nam mình, dịch bệnh đến Ấn Độ người ta cho là từ người nước ngoài, nên có sự dè dặt khi họ biết mình là người nước ngoài”, anh nói.

Dũng lạc quan hơn sau khi kết nối được với ĐSQ, và được đại sứ gọi điện hỏi thăm, anh kể lại. Nhưng Bangalore cách New Delhi hơn 2.000 km. Không có chuyến bay. Đi xe sẽ mất 3 ngày 3 đêm, không phù hợp với trẻ con, người già trong đoàn người Việt ở đây. Đường sắt sau cũng được mở lại, “tưởng là giải pháp”, nhưng bán hết vé chỉ trong 30 phút cho vô số người Ấn Độ cũng bị mắc kẹt.

Khi có giải pháp chuyến bay nội địa, “tâm trạng tôi rất phấn khởi, ít nhất có thể nói cho bé 4 tuổi nhà mình là sắp được về rồi, cố thêm chút nữa”, Dũng nói. “(Phong tỏa) như bị giam lỏng vậy... vợ và bé nhà tôi gần hai tháng chưa bước ra khỏi nhà”.

Nguyễn Anh Nguyên, 34 tuổi, kỹ sư phần mềm, sang Bangalore công tác một tháng. Nhưng trong tuần cuối, anh thức dậy và nghe tin Ấn Độ chuẩn bị phong tỏa. Rồi vé máy bay về nước bị hủy.

“Kẹt lại mình thấy hơi hụt hẫng, vì ở đất nước lạ mà tình hình dịch ngày càng tăng. Họ phong tỏa không biết bao giờ mới xong, nên cũng hơi hoảng loạn”, Nguyên nói.

Anh chỉ có thể ở khách sạn. Ra tới cổng khách sạn sẽ được hỏi là đi đâu, có cần thiết không, và sẽ không được ra ngoài. Nhưng quản lý và đồng nghiệp của anh ở Ấn Độ có phương tiện đi lại, mang đồ ăn tới để anh nấu trong khách sạn. Chỉ đến hôm trước chuyến bay 19/5, Nguyên mới nhận được vé và đặt được xe.

'Thần chết' Ấn Độ xuống phố, kêu gọi người dân ở nhà chống dịch Một người đàn ông tại Ấn Độ đã hóa trang thành Yama, vị thần chết trong đạo Hindu để nhắc nhở người dân ở nhà, hạn chế ra ngoài trong thời gian dịch Covid-19.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-viet-vuot-hang-nghin-km-de-roi-vung-phong-toa-lon-nhat-the-gioi-post1086501.html