Người xây nhà chống lũ
Mỗi lần lũ xuất hiện ở địa bàn miền núi phía bắc hay miền trung, điện thoại anh Lương Hùng thường xuyên đổ chuông. Đầu dây bên kia là những giọng nói chân chất, mang âm hưởng địa phương: 'May mà có nhà chống lũ không thì người chẳng biết đi về đâu, còn đồ đạc thì mất hết'; 'Nước lũ lại về, nhà nổi lên rồi, chú ạ!'… Những câu chuyện lúc được, lúc mất do sóng điện thoại chập chờn, người kể nhiều khi chen nhau nói, nhưng với anh Lương Hùng, một trong những sáng lập viên Chương trình Nhà chống lũ (Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững), không có niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn thế.
Mỗi lần lũ xuất hiện ở địa bàn miền núi phía bắc hay miền trung, điện thoại anh Lương Hùng thường xuyên đổ chuông. Đầu dây bên kia là những giọng nói chân chất, mang âm hưởng địa phương: “May mà có nhà chống lũ không thì người chẳng biết đi về đâu, còn đồ đạc thì mất hết”; “Nước lũ lại về, nhà nổi lên rồi, chú ạ!”… Những câu chuyện lúc được, lúc mất do sóng điện thoại chập chờn, người kể nhiều khi chen nhau nói, nhưng với anh Lương Hùng, một trong những sáng lập viên Chương trình Nhà chống lũ (Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững), không có niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn thế.
1 Trò chuyện với Lương Hùng tại nhà . của anh, khi ngoài trời mưa như trút. Ở miền trung, tình hình mưa lũ đang căng thẳng. Thi thoảng cuộc nói chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng vì những cuộc gọi từ miền trung xa xôi. Đưa cho tôi xem ảnh hàng trăm công trình anh chụp lại trong chiếc máy tính bảng, anh Hùng lần lượt giới thiệu về các ngôi nhà thiết kế bê-tông kiên cố có, nhà nổi có. “Tính đến nay chúng tôi cũng đã chung tay cùng người dân xây dựng được 795 ngôi nhà chống lũ rồi. Mỗi căn nhà là một hành trình, một câu chuyện, nhưng quan trọng nhất là người dân, những người được thụ hưởng thành quả đã trải qua những mùa lũ an toàn. Đó chính là nguồn động lực lớn nhất thôi thúc chúng tôi tiếp tục hành trình làm nhà cho những người dân vùng lũ”, anh Hùng chia sẻ. Anh Hùng bảo, quanh năm đi theo những dự án nhà chống lũ khắp cả nước, mỗi mùa lũ đến rồi qua đi, anh và các đồng sự lại phải kiểm tra chất lượng của từng công trình, có như thế các thiết kế của chương trình mới được cải tiến để hoàn thiện hơn.
Anh Hùng vốn là lính quân đội, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường. Hơn chục năm trong quân ngũ, anh phục viên, rồi đi học đại học. Sau này ra trường, anh làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Chính những năm tháng lăn lộn trên chiến trường rồi bươn chải cuộc sống đã giúp anh có thêm vốn sống và kinh nghiệm, cũng như có nhiều dịp sẻ chia với cuộc sống thường ngày của người dân, nhất là người dân vùng lũ. Bởi vậy tháng 10-2013, khi được người bạn giới thiệu về bản thiết kế nhà chống lũ, anh đã ngay lập tức nhận lời tham gia và có những ý kiến đóng góp hợp lý. Rồi cũng từ bản thiết kế ban đầu, nhóm anh Hùng gồm năm người với những ngành nghề khác nhau đã gom góp được khoảng 200 triệu đồng, cùng nhau quyết tâm xây nhà, dựng cửa cho người dân vùng lũ.
Nhớ về công trình đầu tiên, anh Hùng kể lại: “Tháng 11-2013, chúng tôi bắt đầu đi khảo sát tại xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) rồi trao đổi với người dân về tính khả thi của dự án nhà chống lũ. Không mất nhiều thời gian để người dân đồng tình. Thế rồi ngay tại nhà dân, chúng tôi “chốt” lại bản thiết kế phù hợp với từng gia đình. Thời điểm đó, chỉ khoảng hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Chúng tôi phải đối mặt với áp lực làm sao thi công bảo đảm tiến độ để người dân được đón Tết trong ngôi nhà mới. Rất may, chỉ sau đúng 40 ngày, năm ngôi nhà chống lũ đầu tiên đã được xây dựng xong trong niềm hạnh phúc của nhóm chúng tôi và người dân. Những ngôi nhà ban đầu, và sau này là nhiều công trình nữa đều chống chọi tốt qua những mùa mưa bão”.
2 Sau bảy năm, kể từ những công trình đầu tiên, các ngôi nhà chống lũ của nhóm anh Hùng đã xuất hiện trên khắp mọi miền Tổ quốc tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Bến Tre… Có bảy tiêu chí để lựa chọn gia đình để hỗ trợ xây nhà: Nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc biến đổi khí hậu; hộ dân có nhu cầu và có động lực để xây nhà an toàn; hộ dân thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, hoặc có hoàn cảnh khó khăn; hộ dân có đông thành viên và có nhân khẩu trẻ; phần đất xây dựng có quyền sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, không thuộc diện quy hoạch hoặc di dời; dự án sẽ hỗ trợ thiết kế xây dựng, hộ dân cần tham gia vào quá trình thiết kế và tuân thủ các yêu cầu của dự án; dự án sẽ hỗ trợ kinh phí từ 20 đến 35 triệu đồng cho nhà cải tạo và từ 30 đến 45 triệu đồng cho nhà xây mới.
Hiện tại, Chương trình Nhà chống lũ đã phát triển được chín mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu hình thiên tai, nhất là các kiểu lũ như lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ sông và một số loại lũ đặc biệt. Chẳng hạn, tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) địa phương lại nằm trong thung lũng cho nên mỗi khi lũ về, không có nước chảy xiết, nhưng mức lũ có lúc lên đến 14 m. Bởi vậy, Chương trình Nhà chống lũ đã thiết kế nhà phao: nhà hình vuông, khung bằng thép, sàn, vách bằng ván gỗ hoặc tôn…, phía dưới gầm được bố trí hệ thống phao nổi bằng thùng phuy hoặc thùng nhựa. Khi lũ về, người dân và đồ đạc thiết yếu sẽ ở trên nhà nổi. Hệ thống cọc trượt và dây neo sẽ bảo đảm nhà nổi lên hay hạ xuống theo mức nước.
Với những nơi có khả năng ngập sâu khoảng 8 đến 10 m, hay gặp bão lớn và nước xiết, nhóm của anh Hùng sẽ thiết kế mô hình nhà phao gắn liền nhà xây. Đây là gian nhà đặt trên gác của ngôi nhà xây. Gian nhà có cơ cấu nổi vượt trên mức nước ngập với mức nổi hơn 10 m so với sàn tầng trệt. Mô hình có khung nhà phao trượt đều trên bốn cọc thép ở các góc, đồng thời còn là điểm neo chân cho khung nhà. Ở những vùng hay có bão lớn, thường xuyên có gió giật, mức lũ dưới 2 m thì sẽ thiết kế ngôi nhà ba gian có gác xép, trong đó một gian lồi bằng với phần hiên nhà; ba gian được bố trí công năng sử dụng như ba gian truyền thống, bếp và công trình phụ xây dựng thêm, tùy nhu cầu và điều kiện của chủ nhà. Gian dưới sàn gác bê-tông cốt thép là nơi tránh bão an toàn cho người và tài sản. Gác là nơi người dân trú và bảo quản tài sản khi có bão, lũ dâng cao…
Đến nay, Chương trình Nhà chống lũ của anh Hùng đã thu hút được 25 người tham gia chính thức và hàng chục cộng tác viên, trong đó có ba kiến trúc sư phụ trách tại ba khu vực khác nhau. Phương châm của chương trình là “Ứng phó, thích nghi và phát triển bền vững”. Mục tiêu của chương trình không nằm ở việc cứu trợ khẩn cấp mà tìm phương án để người dân có thể phòng, chống lũ một cách lâu dài, hiệu quả. “Cách đây vài năm, khi nói chuyện với tôi, một lãnh đạo xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) rất vui mừng cho biết, từ khi có những căn nhà do chúng tôi thiết kế, xây dựng, mỗi khi lũ về, ngay cả những hộ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai thì cũng đã an toàn. Thậm chí nhiều người dân chung quanh còn đến nhà họ để tránh lũ. Chính quyền địa phương đã không còn phải căng mình theo dõi, đánh kẻng báo động, đưa thuyền xuống mỗi khi lũ về. Đó cũng chính là mục tiêu chúng tôi đã và đang hướng tới”, anh Lương Hùng chia sẻ.
3 Tôi hỏi anh Hùng: “Trong bảy năm . lăn lộn cùng người dân làm nhà chống lũ, anh nhớ đến kỷ niệm nào nhất?”. Anh Hùng cười, mở điện thoại cho tôi xem những tấm ảnh anh và các đồng sự đến khánh thành, trao quà tặng chủ nhà trong những căn nhà khang trang mới được xây cất. Anh bảo: “Họ hạnh phúc lắm, bản thân mình cũng vậy! Mỗi căn nhà, Chương trình Nhà chống lũ sẽ hỗ trợ khoảng 50% chi phí xây dựng, còn lại là người dân góp vào. Có như thế thì người dân mới phấn đấu xây nhà và có thể tự hào căn nhà còn nồng mùi sơn mới chính là ngôi nhà thật sự của họ. Mình từng là người lính đã từng trải qua không ít gian khó, nhưng những cái ôm, những cái nắm tay thật chặt của những người dân được ở trong ngôi nhà mới không khỏi khiến mình cay cay nơi khóe mắt”.
Anh Hùng kể tiếp, năm 2016, tại xã Cảnh Hóa, anh và các thành viên trong nhóm đến khảo sát tại một gia đình có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Chủ nhà là một người phụ nữ bị bại liệt. Trước đây, mỗi khi lũ về, vì không cõng được do chị xương yếu, chồng chị phải bốc vợ vào một cái sọt rồi dùng dây kéo lên mái nhà. Sau đó chồng chị mất, khi có lũ các con phải thay nhau kéo dây đưa mẹ lên mái nhà. Cuộc sống gia đình chị vốn khó khăn, vì vậy khi nói về việc sẽ xây một ngôi nhà cho chị, lại là nhà chống lũ, gia đình chị có phần ngại ngần do vấn đề kinh phí quá khó khăn. Rất may, người thân, họ hàng, chòm xóm… đã quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nốt số tiền còn lại. Sau cùng, ngôi nhà dành tặng người phụ nữ bị bại liệt đã được xây cất khang trang trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, anh Hùng bảo: Chúng tôi cũng có mong ước sẽ thành lập những trung tâm cứu hộ tại những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tuy nhiên, đó là kế hoạch lâu dài. Còn trước mắt, các thành viên trong dự án sẽ tiếp tục công việc mang đến thêm nhiều những ngôi nhà an toàn, những ngôi nhà hạnh phúc cho người dân vùng lũ. Có nhiều ngôi nhà như thế, lúc bão đến, lũ về người dân sẽ bớt phần lo lắng, thiệt hại.
Chương trình Nhà chống lũ (Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững) khảo sát các dự án tại huyện Hương Khê từ năm 2016. Đến 2018, đã xây dựng hoàn thành 85 căn nhà ở các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt tại các xã Điền Mỹ, Lộc Yên, Hà Linh và Gia Phố. Mỗi công trình, Chương trình Nhà chống lũ hỗ trợ 30 triệu đến 35 triệu đồng. Với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chính quyền kêu gọi hỗ trợ kinh phí, Đoàn Thanh niên hỗ trợ ngày công xây dựng. Trước đây, mỗi khi có tin báo lũ về, người dân thường xuyên sống trong hoang mang, lo lắng. Từ khi những ngôi nhà chống lũ được xây dựng, sau hai mùa mưa bão trôi qua, người dân đã có một nơi tránh lũ an toàn. Không chỉ người dân mà chính quyền địa phương đánh giá rất cao hiệu quả của những căn nhà chống lũ.
NGUYỄN THANH HẢI
Bí thư Huyện đoàn Hương Khê, Hà Tĩnh
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nguoi-xay-nha-chong-lu-623631/