Người y sĩ góp sức ngăn dịch bệnh nơi vùng biên

Nằm giáp biên giới Campuchia, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn từng là điểm nóng về sốt rét của tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, địa phương này không còn ca sốt rét nào. Để có được kết quả ấy, đội ngũ y tế cơ sở đã phải nỗ lực rất nhiều.

Y sĩ Y Bun Toản Niê đã gắn bó với công tác phòng chống dịch nơi vùng biên này suốt nhiều năm qua. Sinh ra và lớn lên tại xã Krông Na, anh Y Bun Toản Niê hiểu rõ phong tục, tập quán và những khó khăn trong đời sống của đồng bào nơi đây. Nói được ba thứ tiếng Việt, M’nông và Lào, anh dễ dàng tiếp cận, vận động bà con thay đổi thói quen, nâng cao ý thức phòng bệnh.

Y sĩ Y Bun Toản Niê chia sẻ: “Ngay từ đầu, bản thân tôi xác định tôi rất yêu nghề y, cũng là người con sinh ra và lớn lên tại buôn làng, ước mơ muốn cống hiến những gì mình được học hỏi giúp nhân dân tránh xa các bệnh dịch thường xuất hiện ở địa phương như sốt rét, sốt xuất huyết, sởi... Riêng bản thân tôi, những yếu tố liên quan đến dịch tễ, tôi có bước xử lý nhanh, có hiệu quả để phần nào cho bà con có cảm giác yên tâm”.

Trạm Y tế xã Krông Na hoạt động trên địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, đường sá đi lại khó khăn. Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận y tế không dễ dàng. Nhưng không kể khó khăn, suốt hơn 13 năm công tác, y sỹ Y Bun Toản Niê luôn sẵn sàng lên đường khi có bệnh nhân cần giúp đỡ. Đối với bệnh sốt rét, đội ngũ y tế xã đi từng thôn, phát màn chống muỗi, hướng dẫn bà con cách phòng bệnh, đảm bảo không còn ổ dịch nào tồn tại.

Ông Y Tê BKrông, bí thư chi bộ buôn Đrăng Phốc, xã Krông Na, cho hay: “Khi dịch bệnh, y sỹ chạy vào tư vấn cho bà con, hướng dẫn bà con điều trị, phòng bệnh, ăn chín, uống sôi, mắc mùng màn, khi có bệnh đi khám... Đồng chí không ngại khó khăn”.

Bà Hồ Thị Tuyết Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, cho biết: “Là cán bộ sinh ra tại xã Krông Na, là xã biên giới khó khăn, đồng chí hiểu được khó khăn vùng biên nên rất nhiệt tình tham gia công tác phòng chống dịch, tuyên truyền cách phòng chống dịch để bà con hiểu biết được cách phòng chống đạt hiệu quả”.

Làm nghề y nơi vùng biên giới không chỉ cần chuyên môn, mà còn cần cả sự kiên trì và tâm huyết. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng những người như y sĩ Y Bun Toản vẫn luôn tận tụy, thầm lặng, ngày đêm mang kiến thức y học đến với từng mái nhà, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân nơi buôn làng.

Đức Tâm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nguoi-y-si-gop-suc-ngan-dich-benh-noi-vung-bien-305378.htm