Nguồn cảm hứng, động lực to lớn cho giai đoạn phát triển mới
'Là một người con đất Việt đang sinh sống và làm việc ở Australia, tôi cảm nhận rất rõ sự thay đổi mạnh mẽ và tích cực của Việt Nam sau 50 năm thống nhất'. Đây là nhận định của Giáo sư Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm môi trường và nước thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Chủ tịch Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney.

Giáo sư Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm môi trường và nước thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Chủ tịch Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia. Ảnh: Văn Linh/PV TTXVN tại Australia
Theo Giáo sư Nghiêm Đức Long, từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình trở thành một quốc gia năng động, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Giáo sư Nghiêm Đức Long chia sẻ ông đặc biệt ấn tượng về sự kiên cường và tinh thần vượt khó của người dân Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam cũng luôn nỗ lực vươn lên bằng ý chí, trí tuệ và tình yêu nước sâu sắc. Ông cho rằng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế và chú trọng phát triển con người, đặc biệt là giáo dục và khoa học, đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay.
Cũng theo Giáo sư Nghiêm Đức Long, tiềm lực và thế mạnh của Việt Nam nằm ở nguồn nhân lực và bản sắc văn hóa. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo, giàu khát vọng và ham học hỏi. Người Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa truyền thống đáng quý như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Việc duy trì thế mạnh con người, giữ gìn và phát huy văn hóa đã tạo nên sức mạnh vững chắc và dẻo dai cho dân tộc Việt Nam - điều được ông ví giống như “cây tre Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Giáo sư Nghiêm Đức Long cho rằng tinh thần đoàn kết dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh giúp Việt Nam vượt qua nhiều thử thách trong lịch sử, đặc biệt đã mang lại cho “mảnh đất hình chữ S” chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975. Hiện giờ, tinh thần đoàn kết dân tộc đó vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Theo nhận định của Giáo sư Nghiêm Đức Long, đoàn kết không chỉ là sự thống nhất về lãnh thổ hay ý chí, mà còn là sự kết nối giữa mọi thành phần trong xã hội. Ông đặc biệt quan tâm đến sự gắn bó giữa đồng bào trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời cho rằng đây là nguồn lực quý báu đã được tận dụng rất tốt, giúp Việt Nam tiến xa hơn.
Với vai trò Chủ tịch VASEA, Giáo sư Nghiêm Đức Long có cơ hội tiếp xúc với nhiều trí thức người Việt đang làm việc trong các lĩnh vực then chốt của Australia. Họ đều có chung mong muốn là được đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, ông cho rằng, nếu có cơ chế phù hợp để kết nối, khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ chuyên gia người Việt tại nước ngoài tham gia các dự án chiến lược quốc gia, khi đó sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc sẽ được nhân lên gấp bội. Giáo sư Nghiêm Đức Long tin rằng tinh thần đoàn kết không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là chìa khóa để hướng tới tương lai, một tương lai trong đó Việt Nam trở thành điểm đến của tri thức, sự sáng tạo và lòng nhân ái. Nhiều người Việt Nam sẽ trở thành công dân toàn cầu, không chỉ xây dựng Việt Nam mà còn đóng góp cho thế giới và nhân loại.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Nghiêm Đức Long cho rằng những giá trị như bản lĩnh, tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, tư duy đổi mới, khả năng thích ứng và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam - vốn được hun đúc trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và được thể hiện rõ nét trong thời chiến - chính là nguồn cảm hứng và động lực to lớn cho giai đoạn phát triển mới, là những yếu tố cần được tiếp tục phát huy để giúp Việt Nam vượt qua những thách thức mới về kinh tế, môi trường và xã hội.
Một trong những yếu tố then chốt là khai thác hiệu quả tri thức toàn cầu, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Với vai trò Chủ tịch VASEA, Giáo sư Nghiêm Đức Long cùng các đồng nghiệp luôn nỗ lực kết nối tri thức với thực tiễn tại Việt Nam, phối hợp triển khai các dự án khoa học - công nghệ với các đối tác tại Việt Nam như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, tiêu biểu là giải pháp giám sát chất lượng nước thông minh cho ngành nuôi trồng thủy sản ven biển trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng công nghệ 4.0 cho hệ thống nước bền vững”, giúp người dân theo dõi chất lượng nước theo thời gian thực, từ đó nâng cao hiệu quả thủy sản, giảm thiểu rủi ro và tác động môi trường.
Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia trí thức Việt kiều tại Australia còn đồng hành với các đối tác trong nước trong các chương trình nâng cao năng lực địa phương về công nghệ bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kỹ thuật số cho công nghiệp, nông nghiệp thủy sản, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, những hướng đi then chốt cho phát triển bền vững. Đồng thời, phối hợp với tổ chức thiện nguyện của người Việt tại Australia (ASIF) và trường Việt ngữ Vietschool lên kế hoạch xây dựng bộ công cụ dạy tiếng Việt mới trên nền tảng AI và số hóa.
Từ những thực tiễn trên, Giáo sư Nghiêm Đức Long cho rằng dân tộc Việt Nam đã kết hợp thành công tinh thần dân tộc và đoàn kết giúp đất nước giành lại độc lập. Với khát vọng đổi mới và năng lực thích ứng công nghệ, ông tin tưởng Việt Nam không chỉ vươn lên trong khu vực mà còn khẳng định được vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Dưới góc nhìn của ông, chiến thắng 30/4/1975 là dấu mốc lịch sử của dân tộc, thể hiện ý chí độc lập, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của người Việt Nam. Và những bài học lịch sử luôn có giá trị trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Một trong những bài học sâu sắc nhất là tinh thần hòa giải và hướng đến tương lai. Sau chiến tranh, thay vì nuôi dưỡng hận thù, Việt Nam lựa chọn con đường đối thoại, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ, Australia,…
Giáo sư Nghiêm Đức Long tin tưởng bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc luôn là nền tảng cho mọi thành công. Sự gắn kết giữa người Việt Nam ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài chính là nguồn lực tinh thần và tri thức rất lớn cần được trân trọng và phát huy. Nếu những bài học lịch sử được ghi nhớ, tinh thần đoàn kết, hòa giải, tư duy mở và sức mạnh của người Việt trên khắp thế giới được duy trì và gìn giữ, Việt Nam không chỉ tiếp tục hội nhập thành công mà còn trở thành một quốc gia có uy tín, trách nhiệm và có nhiều đóng góp cho cộng đồng quốc tế.