Nguồn cung chip nhớ toàn cầu gặp nguy vì Nhật Bản và Hàn Quốc thương chiến
Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc khiến nguồn cung chip nhớ toàn cầu có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Hàn Quốc đã cảnh báo rằng những tranh chấp thương mại giữa họ với Nhật Bản có thể gây tổn hại cho ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu.
Tổng thống Moon Jae-in hôm 10.7 đã tuyên bố rằng quyết định của Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc các vật liệu được sử dụng trong chip nhớ là một "cú đấm mạnh vào nền kinh tế" và đe dọa làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Hồi đầu tháng này, Nhật Bản đã công bố rằng các công ty của họ sẽ cần giấy phép của chính phủ để xuất khẩu ba nguyên liệu sang Hàn Quốc. Các nguyên liệu đó là polyamit fluoride, chất phát quang và hydro florua được sử dụng để sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh.
Các số liệu mới nhất của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho biết, việc kiểm soát xuất khẩu là một vấn đề đau đầu đối với các công ty Hàn Quốc Samsung và SK Hynix khi hai đại gia công nghệ này kiểm soát hơn 63% thị trường chip nhớ toàn cầu.
Các công ty Hàn Quốc đã nhập khẩu tới 94% polyamit fluoride, 92% chất quang điện tử và khoảng 44% hydro florua do Nhật Bản sản xuất trong quý 1/2019, theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc.
CNN cho hay, Samsung - nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tuyên bố rằng họ đang "đánh giá tình hình hiện tại và xem xét một số biện pháp để giảm thiểu tác động đến sản xuất của chúng tôi". Trong khi đó, SK Hynix không đưa ra bình luận nào về tình hình căng thẳng hiện tại.
Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bùng phát âm ỷ trong nhiều tháng qua, khi hai nước có những bước chỉ trích nhau vì những hành động trong quá khứ khi Nhật Bản xâm lược Hàn Quốc hồi đầu thế kỷ 20. Một tòa án hàng đầu của Hàn Quốc vừa ra phán quyết rằng các công dân nước này có thể kiện các công ty Nhật Bản vì sử dụng lao động cưỡng bức đối với họ hồi Chiến tranh Thế giới lần 2.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshi DA Suga đã nói về phán quyết này khi thông báo biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu của Nhật Bản, nhưng phủ nhận sự liên quan của 2 động thái này với nhau. Dù vậy, ông nói rằng phán quyết này làm hỏng "mối quan hệ tin cậy" và cáo buộc Seoul liên tục phá bỏ "mối quan hệ thân thiện lâu dài giữa các nước".
Đáp lại, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã cáo buộc Nhật Bản vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và kêu gọi Tokyo ngồi vào bàn đàm phán trong một tuyên bố hôm 12.7.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kotaro Nogami thì ngay lập tức phản bác, khẳng định hành động của Tokyo không có dấu hiệu nào cho thấy các hạn chế đã vi phạm các quy tắc của WTO và nói rằng hành động này là "cần thiết cho hoạt động đúng đắn của hệ thống kiểm soát xuất khẩu vì an ninh".
Ông Nogami cho biết các quan chức Nhật Bản sẽ tổ chức "các cuộc họp cấp độ làm việc" với các đối tác Hàn Quốc, nhưng khẳng định việc rút các biện pháp này không được xem xét.
Tổng thống Hàn Quốc thì nói với các công ty lớn của nước này rằng biết chính phủ của ông đang cố gắng hết sức để đạt được một giải pháp ngoại giao với Nhật Bản.
"Tôi hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ trả lời. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ không còn đi vào ngõ cụt nữa", ông Moon nói hôm 10.7.
Tuy nhiên căng thẳng lại leo thang hơn khi 36.000 người Hàn Quốc ký đơn thỉnh cầu kêu gọi chính phủ có hành động trả đũa đối với Tokyo. Nhiều người Hàn Quốc cũng đang kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản trên truyền thông xã hội.
Thiên Hà (theo CNN)