Nguồn cung dồi dào và lo ngại về Covid-19 đẩy giá dầu giảm sâu

Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên 1/10 sau khi ghi nhận tháng lao dốc đầu tiên kể từ tháng 4 do sản lượng từ các nhà sản xuất chủ chốt tăng mạnh.

Thị trường năng lượng giam dịch ảm đạm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 trong bối cảnh đợt tái bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều nước đang đe dọa triển vọng phục hồi nhu cầu đối với dầu mỏ. Tuy nhiên, đà sụt giảm của giá “vàng đen” trong ngày thứ Năm được hạn chế nhờ kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế đối phó dịch Covid-19 của Mỹ.

Giá dầu tiếp tục sụt giảm trong phiên 1/10.

Giá dầu tiếp tục sụt giảm trong phiên 1/10.

Cụ thể, giá dầu Brent hạ 17 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống còn 42,13 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng sụt 22 xu Mỹ, tương đương 0,6%, về mức 40 USD/thùng.

“Rõ ràng là virus SARS-CoV-2 chưa được kiểm soát. Tỷ lệ lây nhiễm đang tăng lên, số người chết trên toàn cầu đã vượt mốc 1 triệu người và thế giới tiếp tục đối mặt nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra” - nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil nhận xét.

Chỉ riêng tại Mỹ, đã có hơn 7,2 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 206.000 người tử vong.

Trong khi đó, nguồn cung dồi dào từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng gây sức ép lên thị trường nhiên liệu khi sản lượng dầu mỏ trong tháng 9 tăng 160.000 thùng/ngày so với tháng 8, theo cuộc khảo sát của Reuters.

Nguồn cung tăng mạnh chủ yếu do sản lượng từ Libya và Iran, cả hai nước đều được miễn trừ trong thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu, còn được gọi là nhóm OPEC+.

“Nguồn cung của OPEC+ tăng cao sẽ gây rủi ro cho nỗ lực tái cân bằng do thị trường vẫn đang vật lộn với nhu cầu yếu,” ANZ Research nhận định.

Mặc dù phục hồi trong phiên thứ Tư, giá dầu vẫn chứng kiến tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 4 khi những lo ngại còn tồn tại về triển vọng kinh tế toàn cầu và tác động của nó đến nhu cầu năng lượng.

Tính chung trong tháng 9, giá dầu WTI mất 5,6%. Giá mặt hàng dầu này đã tăng 2,4% trong quý III/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng lao dốc 9,6% trong tháng qua và giảm 0,5% trong quý III.

Tuy nhiên, đà sụt giảm của giá dầu trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 được thu hẹp nhờ thông tin tích cực từ các cuộc đàm phán về gói kích thích cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đề xuất một gói kích thích mới đối phó tác động từ dịch Covid-19 trị giá hơn 1.500 tỷ USD.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các cuộc đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đạt được tiến bộ về dự luật cứu trợ Covid-19 và Hạ viện đã hoãn một cuộc bỏ phiếu về gói kích thích kinh tế của đảng Dân chủ trị giá 2.200 tỷ USD để có thêm thời gian đàm phán với Nhà Trắng.

Về nguồn cung, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 30/9 cho biết dự trữ dầu thô nội địa giảm 3 tuần liên tiếp, sụt 2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/9, cao hơn dự báo giảm 831,000 thùng từ Viện Xăng dầu Mỹ (API). Tuy nhiên, số liệu này trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 1,9 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.

“Dữ liệu cho thấy nguồn cung dầu thô bất ngờ giảm, nhưng nhà đầu tư chắc chắn nên lưu ý đến sự gia tăng ở trung tâm lưu trữ tại Cushing”, Tariq Zahir - thành viên quản lý tại Tyche Capital Advisors, nhận xét.

Dữ liệu của EIA cho thấy dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing, Okla. đã tăng 1,8 triệu thùng trong tuần qua.

“Nhìn chung, rủi ro đối với giá dầu là sự suy yếu, với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới đang tác động đến nhu cầu khi thị trường bước vào quý IV”, ông Zahir cho hay. “Cùng với việc nguồn cung tăng từ Lybia, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kéo dài nhiều tháng nay”.

Tại Na Uy, liên đoàn lao động nước này nói rằng họ sẽ bổ sung 4 mỏ khai thác dầu mỏ từ ngày 4/10 sau khi hàng chục công nhân đình công tại mỏ dầu Johan Sverdrup 470.000 thùng/ngày. Nhà điều hành Equinor của Sverdrup cho biết họ có thể duy trì hoạt động an toàn tại mỏ dầu bất chấp cuộc đình công.

ANZ Research đã hạ dự báo về giá dầu trong năm nay, trong đó giá dầu Brent chỉ ở mức 42,48 USD/thùng trong năm 2020, thấp hơn so với mức dự báo trung bình là 42,75 USD đưa ra hồi tháng trước./.

Nguyễn Thu (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguon-cung-doi-dao-va-lo-ngai-ve-covid-19-day-gia-dau-giam-sau-397570.html