Nguồn cung khí đốt có thể gián đoạn khắp thế giới vì chiến sự ở Ukraine

Giới phân tích lo ngại nguồn cung khí đốt toàn cầu sẽ gián đoạn mạnh bởi chiến dịch quân sự đặc biệt mà quân đội Nga phát động ở Ukraine.

Hôm 24/2, quân đội Nga phát động tấn công trên lãnh thổ Ukraine, tạo nên xung chấn ở các thị trường tài chính quốc tế, thúc đẩy nỗi lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt khắp toàn cầu. Bất chấp sự chỉ trích và loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" để phi quân sự hóa Ukraine.

Giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh ngay sau khi quân đội Nga phát động các cuộc tấn công ở Ukraine, trong khi giá dầu thô Brent tương lai vượt mốc 100 USD mỗi thùng lần đầu tiên từ năm 2014, theo CNBC.

Mặc dù các chính phủ phương Tây có thể không đưa giao dịch năng lượng vào các lệnh trừng phạt, những biện pháp hạn chế mới sẽ buộc nhiều nhà giao dịch trở nên vô cùng cẩn trọng khi giao dịch với Nga", tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận xét.

"Khí đốt trung chuyển qua Ukraine có nguy cơ gián đoạn, tác động tiêu cực lên nguồn cung tới nhiều nước Đông Âu và Trung Âu, và làm tăng giá khí đốt ở châu Âu", Eurasia Group bình luận.

Việc Nga tấn công Ukraine là một trong những khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ. Giới phân tích dự báo hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine cũng sẽ gây nên tác động sâu rộng hơn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khi Nga là nước sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, đồng thời là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất.

Nhiều tháng qua, Nga thường xuyên hứng chịu cáo buộc về việc cố ý gián đoạn cung cấp khí đốt để tận dụng lợi thế của họ trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trên thực tế, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng công khai chỉ trích Nga. Họ kêu gọi Nga tăng nguồn cung khí đốt tới châu Âu và bảo đảm nâng mức độ cung cấp để đáp ứng nhu cầu khí đốt tăng mạnh trong mùa đông ở châu Âu.

 Một công nhân vận hành đường ống khí đốt thuộc tập đoàn Gazprom của Nga. Ảnh: Ria Novosti

Một công nhân vận hành đường ống khí đốt thuộc tập đoàn Gazprom của Nga. Ảnh: Ria Novosti

Điện Kremlin liên tục bác bỏ các cáo buộc rằng họ sử dụng khí đốt như vũ khí đia chính trị. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga khẳng định họ đã hoàn thành nghĩa vụ cung cấp khí đốt cho các đối tác theo hợp đồng.

Hiện tại, giới phân tích năng lượng cực kỳ lo ngại nguy cơ gián đoạn hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới châu Âu nơi nhận xấp xỉ 40% khí đốt qua các đường ống của Nga. Nhiều đường ống khí đốt từ Nga nằm trên lãnh thổ Ukraine.

Nếu Moscow ngừng cung cấp khí đốt, việc đó sẽ gây nên hậu quả rất lớn về kinh tế và y tế công cộng, đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông lạnh giá ở châu Âu và đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích của Wood Mackenzie nhận định châu Âu có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt trong giai đoạn trước mắt. Mức dự trữ khí đốt hiện nay ở châu Âu dồi dào hơn so với thời điểm đầu mùa đông. Song họ cảnh báo viễn cảnh dài hạn rất khó lường.

Kateryna Filippenko, trưởng nhóm chuyên gia phân tích khí đốt ở châu Âu của Wood Mackenzie, nói rằng tình hình có thể tệ hơn rất nhiều nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.

"Khi đó, châu Âu sẽ phải huy động mọi nguồn năng lượng để duy trì cuộc sống của người dân - như sử dụng các nhà máy điện than và điện hạt nhân, tối đa hóa công suất khai thác khí đốt và tăng tối đa mức nhập khẩu khí đốt qua đường ống. Nhưng chúng cũng chỉ là giải pháp tạm thời", Kateryna Filippenko nói.

Nhã Vy/CNBC

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nguon-cung-khi-dot-co-the-gian-doan-khap-the-gioi-vi-chien-su-o-ukraine-d23332.html