Nguồn cung không tăng: Giá vàng trong nước tiếp tục cao hơn giá thế giới
Ngày 10/4/2025, giá vàng trong nước vượt mốc 100 triệu đồng/lượng và chỉ trong vòng 1 tháng sau đó, giá vàng trong nước đã tăng 20 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn chỉ bán nhỏ giọt, 1 chỉ - 2 chỉ - 3 chỉ - 5 chỉ.
Cuối tháng 3/2025, giá vàng trong nước vượt mốc 100 triệu đồng/lượng và chỉ trong vòng 1 tháng sau đó, giá vàng trong nước đã tăng 20 triệu đồng/lượng. Chuyện giá vàng tăng - giảm theo thị trường thế giới là bình thường. Khi cung không đủ cầu, giá sẽ bị đẩy lên cao. Thị trường vàng trong nước hiện nay đang khan hiếm đến độ các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn chỉ bán nhỏ giọt, 1 chỉ - 2 chỉ - 3 chỉ - 5 chỉ, còn mua vào không hạn chế. Dù bán ra với số lượng giới hạn, nhưng các cửa hàng vàng đều có giao dịch tấp nập suốt một tháng qua, trong làn sóng thăng trầm của giá. Người mua kiên nhẫn xếp hàng để mua hoặc bán được số lượng vàng mong muốn. Trên các hội nhóm mạng xã hội, hoạt động mua bán vàng cũng rất sôi động.
Thế nhưng sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới quy đổi - xấp xỉ 20 triệu đồng/lượng - đã cho thấy những bất ổn của thị trường vàng đang xuất hiện trở lại.
Báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi đến Quốc hội nêu 3 nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng nhanh hơn giá vàng thế giới cũng như cao hơn giá thế giới quy đổi. Thứ nhất là tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng khi mà các chính sách thuế quan, chính sách tiền tệ của Mỹ khó lường, trong khi diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng. Thứ hai, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay. Thứ ba, không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.
NHNN khẳng định: "Mặc dù giá vàng trong nước tăng cao, nhưng những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền".
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, sự khan hiếm này cho thấy, Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) chống "vàng hóa" nền kinh tế chứ chưa tạo ra hoạt động thực sự mang tính thị trường đối với vàng, chưa đạt được mục tiêu thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, chưa thực sự mang lại hiệu quả chống đầu cơ, chống buôn lậu vàng. Một số giải pháp nghiệp vụ như đấu thầu vàng, bán vàng theo giá chỉ định cũng chỉ mang tính tình thế. Đây chính là lý do trong hơn 2 năm qua vấn đề sửa đổi Nghị định 24 được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội nêu ra và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm.
Mới đây nhất, ngày 13/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 64/CĐ-TTg về triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thành việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 ngày 03 tháng 4 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bổ sung, củng cố các quy định nhằm tăng cường hiệu quả của các công cụ quản lý nhà nước, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.