Nguồn cung nhà ở xã hội tăng mạnh trong năm 2025

Với hàng loạt chính sách 'gỡ khó' được triển khai thời gian qua và sau quãng thời gian được coi là 'khởi động' trong năm 2024, dự kiến nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2025. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký, báo cáo về số lượng dự án sẽ hoàn thành, triển khai trong năm 2025 cho thấy quyết tâm đẩy mạnh triển khai đề án '1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030' của Chính phủ.

Hàng loạt dự án chuẩn bị được triển khai

Thời điểm cuối năm 2024, trên địa bàn Hà Nội đã đón nhận 2 dự án nhà ở xã hội được triển khai. Theo đó, đầu tháng 12/2024, Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã được khởi công. Khu đất xây dựng dự án rộng hơn 9.300m2, sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 440 căn hộ, trong đó 365 căn hộ nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua và 75 căn hộ để kinh doanh thương mại. Quy mô dân số khoảng 1.230 người. Dự kiến công trình sẽ được thi công trong thời gian 30 tháng.

Tiếp đó, vào giữa tháng 12/2024, Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng tiếp tục tổ chức khởi công dự án khu nhà ở xã hội xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh. Dự án được xây dựng trên diện tích khu đất rộng 15.286m2 (hơn 1,5ha), với tổng diện tích xây dựng 6.880m2. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp tổng số 466 căn hộ từ 40m2 đến gần 77m2 ra thị trường.

Hàng loạt dự án nhà ở xã hội sẽ được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước trong năm 2025.

Hàng loạt dự án nhà ở xã hội sẽ được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước trong năm 2025.

Nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định (QĐ225) phê duyệt danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Đáng chú ý, có 8 dự án nhà ở xã hội với tổng số 1.583 căn hộ, có tổng diện tích sàn xây dựng là gần 256.000m2. Các dự án tập trung ở Thường Tín, Long Biên, Hoàng Mai.

Cụ thể, tại huyện Thường Tín có các dự án gồm: Khu nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu OM.20; khu nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu OM.21; khu nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu OM.22 thuộc xã Hà Hồi. Các dự án thuộc quận Long Biên gồm: Nhà ở xã hội để bán cho cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước, quy mô 452 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 1.087 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô quy hoạch A4/HH5 phường Ngọc Thụy, Thượng Thanh với quy mô 430 căn hộ. Thu hút nhiều sự quan tâm là dự án Nhà ở xã hội ngõ 218 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, quy mô 500 căn hộ, tổng mức đầu tư 823 tỷ đồng.

Ngoài ra, danh mục còn có 7 dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh thông tin với tổng diện tích 75.366m2 sàn (1.140 căn hộ). Bên cạnh đó, còn có 14 dự án nhà ở xã hội được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2025 tại huyện Đông Anh, huyện Thanh Trì và quận Long Biên.

Theo Sở xây dựng Hà Nội, TP Hà Nội đã chủ động dành hơn 400ha để phát triển nhà ở xã hội. Thành phố cũng đã chủ động bố trí 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 270ha, hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 15.000 căn hộ. Từ nay đến năm sau, TP Hà Nội sẽ có 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000m2 sàn.
Thêm ưu đãi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư?

Theo số liệu báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Xây dựng vừa công bố, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, có 96 dự án với quy mô 57.652 căn đã được hoàn thành, số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 133 dự án với quy mô 110.217 căn, số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 415 dự án với quy mô 412.240 căn. Đề đẩy mạnh tiến độ triển khai đề án "1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030" của Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo một số nội dung triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2025 cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương báo cáo, một số nội dung triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2025. Cụ thể gồm: Số lượng dự án, quy mô số lượng căn hộ hoàn thành trong năm 2025; số lượng dự án, quy mô số lượng căn hộ sẽ được khởi công trong năm 2025; số lượng dự án, quy mô số lượng căn hộ sẽ được chấp thuận chủ trương trương đầu tư trong năm 2025.

Theo bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, dù Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các địa phương đã tăng tốc thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội trên cả nước nhưng thời gian qua số lượng dự án nhà ở xã hội triển khai, mở bán ở các đô thị vẫn ở mức khiêm tốn. "Rõ ràng, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương quyết liệt vào cuộc, gỡ khó cho nhà ở xã hội nhưng vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục có sự điều chỉnh. Đơn cử như tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội còn khắt khe, quá trình xét duyệt còn phức tạp và việc xác minh các điều kiện, đặc biệt là thu nhập còn "tắc". Một số trường hợp chuyển nhượng trái phép hoặc mua đi bán lại bởi các đối tượng không thuộc diện ưu tiên, làm giảm cơ hội tiếp cận của người có nhu cầu thực sự", bà Miền đánh giá.

Đối với người dân, bà Miền cho rằng còn nhiều khó khăn để người dân tiếp cận nhà ở xã hội do gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Lãi suất vay tăng cao và thời gian vay ngắn. Giá mua nhà ở xã hội thực tế vẫn vượt khả năng chi trả của nhiều người, trong khi giá thuê quá cao. Còn đối với các chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp rất muốn tham gia làm nhà ở xã hội, nhưng quy trình thủ tục, pháp lý thực tế còn phức tạp. Doanh nghiệp cũng không "mặn mà" làm khi giá bán và lợi nhuận bị khống chế quá thấp trong khi chi phí phát triển (đất, xây dựng, lãi vay…) liên tục tăng.

"Nguồn cung nhà ở thương mại trong năm 2025 đã có nhiều cải thiện, góp phần giải "cơn khát" nguồn cung. Thế nhưng vấn đề là các dự án dự kiến sẽ ra hàng thời gian tới vẫn chủ yếu là phân khúc chung cư cao cấp, hạng sang. Sự mất cân đối cung cầu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Người dân có thu nhập trung bình và thấp sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nhà ở. Tăng cường phát triển nhà ở bình dân và nhà ở xã hội là một trong những giải pháp cấp thiết. Tôi cho rằng, Chính phủ có thể xem xét các chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho các chủ đầu tư, như "rót" thêm vốn vay ưu đãi, miễn giảm thuế đất, thuế VAT... nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào phân khúc này", bà Miền nói.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/nguon-cung-nha-o-xa-hoi-tang-manh-trong-nam-2025-i756920/