Nguồn cung nhân lực chuyên môn cao và sáng tạo của Việt Nam tăng chậm

Theo Ngân hàng Thế giới, một trong những thách thức để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 đó chính là nguồn nhân lực.

Sáng 27-8, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc tại TP.HCM tổ chức tọa đàm “Đối thoại giữa Đại học (ĐH) và Doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao”.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM là hệ thống ĐH với 8 trường thành viên, một viện nghiên cứu thành viên, có quy mô đào tạo lớn nhất cả nước với khoảng 100.000 sinh viên. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng là cơ sở giáo dục ĐH có số lượng chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế, có số lượng công bố quốc tế đứng đầu cả nước

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, ĐH Quốc gia TP.HCM luôn xem việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng để gia tăng nguồn lực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển.

 PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại tọa đàm.

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại tọa đàm.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho hay trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, ĐH Quốc gia TP.HCM đã xác định ba mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu gồm công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo (AI).

Về đào tạo, chiến lược xác định sẽ đào tạo được 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch, đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Ở lĩnh vực công nghệ sinh học và một số nhóm ngành liên quan, ĐH sẽ đào tạo 10.000 kỹ sư, cử nhân, 3.200 thạc sĩ và 600 tiến sĩ.

Còn ở lĩnh vực công nghệ thông tin và AI, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ đào tạo 20.000 cử nhân, kỹ sư, 2.000 thạc sĩ, 300 tiến sĩ.

Về nghiên cứu, ĐH Quốc gia TP.HCM xác định sẽ làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ nền trong các lĩnh vực về công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, và trí tuệ nhân tạo. Hình thành một số doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp trong các lĩnh vực này.

 Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Word Bank), một trong những thách thức để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, đó chính là nguồn nhân lực.

Theo Tiến sĩ Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nguồn cung nhân lực chuyên môn cao và sáng tạo của Việt Nam tăng chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ. Cụ thể, Việt Nam chỉ đứng thứ hai trong bảy nước ở Đông Nam Á về nguồn cung nhân lực chuyên môn cao.

 Tình hình nguồn cung nhân lực chuyên môn cao của Việt Nam so với các nước trong khu vực theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Tình hình nguồn cung nhân lực chuyên môn cao của Việt Nam so với các nước trong khu vực theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

So với các nước trong khu vực, thiếu kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thiếu cơ sở vật chất, quan hệ doanh nghiệp yếu có thể là những trở ngại lớn đối với các trường ĐH và trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Andrea Coppola, ứng dụng công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp dịch vụ ở Việt Nam đang tụt hậu, ngay cả đối với những doanh nghiệp hàng đầu.

Từ đó, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị các giải pháp bao gồm sự cam kết nguồn cung từ các cơ sở giáo dục ĐH. Cụ thể là tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, mở rộng quy mô đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực STEM, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

 Tiến sĩ Andrea Coppola, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam báo cáo tại tọa đàm. Ảnh: VNU

Tiến sĩ Andrea Coppola, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam báo cáo tại tọa đàm. Ảnh: VNU

Ngoài ra, tại tọa đàm, các doanh nghiệp cũng đã trình bày về thực trạng nguồn nhân lực công nghệ cao, các giải pháp nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, các chính sách hỗ trợ thực tập, học bổng cho sinh viên.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguon-cung-nhan-luc-chuyen-mon-cao-va-sang-tao-cua-viet-nam-tang-cham-post807168.html