Nguồn cung sữa trên toàn cầu đang bị đe dọa vì thời thời tiết khắc nghiệt

Theo Bloomberg, nắng nóng và hạn hán đang là mối đe dọa đối với ngành chăn nuôi toàn cầu, làm cạn kiệt sản lượng sữa bò và có thể làm giảm nguồn cung lâu dài đối với mọi thứ từ bơ đến sữa bột trẻ em.

Năm nay, Úc, một nhà xuất khẩu lớn, dự kiến sẽ mất gần 500.000 tấn sữa do nông dân rời bỏ doanh nghiệp sau nhiều năm nắng nóng khiến họ khó kiếm sống. Cùng tình cảnh, các nông dân nhỏ ở Ấn Độ đang nghĩ đến việc mua thiết bị làm mát cho đàn bò. Các nhà sản xuất ở Pháp đã phải ngừng sản xuất một loại pho mát chất lượng cao vì những con bò ăn cỏ không có nơi nào để gặm cỏ vì những cánh đồng quá khô.

Môi trường sống tại một số khu vực sản xuất sữa lớn nhất thế giới đang trở nên khô hạn và khó sống hơn với những loài động vật này do biến đổi khí hậu. Dưới nhiệt độ thiêu đốt, điều kiện khô cằn và nhiều cơn bão hơn khiến cỏ và các loại cây trồng bò thường ăn khó tồn tại. Điều này khiến bò không sản xuất được nhiều sữa như trước.

Riêng tại Mỹ, một số nhà khoa học ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm ngành sữa thiệt hại 2,2 tỷ USD/năm vào cuối thế kỷ này. Đây là một gánh nặng tài chính không dễ dàng đối với một ngành vốn đã chật vật kiếm tiền. Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn ở mức cao, một nghiên cứu ước tính rằng ngành công nghiệp sữa và thịt của Mỹ sẽ thiệt hại 39,94 tỷ USD/năm vào cuối thế kỷ này.

Đồng thời, nhu cầu về các sản phẩm sữa ngày càng lớn do tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, các chính sách giúp bảo vệ môi trường đang không khuyến khích nông dân ở một số khu vực tăng sản lượng của họ. Sự va chạm này có thể dẫn đến giá cao hơn và thiếu hụt những thứ như pho mát kem và sữa chua có trong hầu hết các danh sách hàng tạp hóa.Theo thời gian, giá sữa và các hàng hóa khác đang tăng lên. Bà Mary Ledman, chiến lược gia ngành sữa toàn cầu tại Rabobank cho biết: “Biến đổi khí hậu làm cho nguồn cung của bạn dễ biến động hoặc dễ thay đổi, điều này có thể khiến việc kiếm đủ thực phẩm trở nên khó khăn hơn”.

Ngoài ra nắng nóng khắc nghiệt đang khiến đàn bò khó chịu và khiến nguồn cung sữa trên thế giới gặp nguy hiểm. Mặc dù người chăn nuôi bò sữa tốn nhiều chi phí để giữ mát cho đàn bò nhưng nắng nóng vẫn ảnh hưởng đến đàn.

Động vật cũng chịu nhiều sức ép

Hiện tại, dù ngành chăn nuôi đã chi rất nhiều tiền để làm mát cho đàn gia súc thì khoản chi này dường như vẫn không đủ trước diễn biến thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.

Tom Barcellos đã nuôi và vắt sữa bò trong trang trại của mình ở Tipton, California trong 45 năm. Trang trại của anh ấy có một hệ thống làm mát phức tạp. Nó có quạt và máy tạo sương mù trong không khí và nó thậm chí còn tính đến hướng gió. Nhưng anh ấy cho rằng những tình trạng nóng dần lên hiện nay có thể khiến công việc sản xuất sữa bị ảnh hưởng.

Barcellos, người có 1.800 con bò, cho biết, “Nếu nhiệt độ cao hơn vào buổi tối và khiến đàn bò căng thẳng hơn một chút, bạn có thể mất 15% sản lượng hoặc thậm chí 20% trong trường hợp xấu nhất.”

Tại Ấn Độ cũng đang diễn ra tình cảnh tương tự. Ông Sharad Bhai Harendra Bhai Pandya và anh trai của mình có hơn 40 con bò ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ.

Ông Pandya nuôi gia súc của mình trong trang trại có hệ thống phun sương làm mát nhưng sản lượng sữa tại đây vẫn giảm hơn 30% trong cái nóng oi ả của mùa hè.

Ông Ranu Bhai Bharvad, một nông dân chăn nuôi bò sữa ở Ấn Độ, thậm chí không có chuồng trại cho đàn bò 35 con của mình. Đàn gia súc của ông chỉ có thể làm mát trong bóng râm để chống chọi với nắng nóng gay gắt.

Tình cảnh của ông Bharvad không phải là hiếm. Cho đến nay, Ấn Độ là nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới, chiếm gần một phần tư tổng nguồn cung toàn cầu. Và khối lượng sữa khổng lồ của nước này phần lớn đến từ hàng chục triệu nông dân nhỏ, những người có số lượng động vật khiêm tốn.

Úc, lục địa khô hạn nhất trên Trái đất, cho thấy ngành công nghiệp sữa có thể thất bại trên toàn thế giới như thế nào nếu biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.

Quốc gia này từng là một người chơi lớn trong lĩnh vực kinh doanh sữa, nhưng sản lượng sữa đã giảm mạnh và thị phần của nước này trong thương mại sữa toàn cầu đã giảm từ 16% trong những năm 1990 xuống còn khoảng 6% vào năm 2018.

Các đợt nắng nóng khắc nghiệt, như hạn hán kéo dài từ năm 1997 đến năm 2010 và một đợt khác sẽ kéo dài từ năm 2017 đến năm 2020 đã gây ra sự suy giảm nguồn cung. Gần đây nhất là đợt nóng tồi tệ nhất được ghi nhận và nó khiến giá nước và thức ăn cho gia súc tăng cao, điều này làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Vì kinh doanh khó khăn, rất nhiều người đã rời bỏ ngành này. Từ năm 1980 đến năm 2020, số lượng trang trại bò sữa ở Úc đã giảm gần 75%.

Trong 40 năm qua, số lượng trang trại chăn nuôi bò sữa ở Úc đã giảm đi rất nhiều.

Giờ đây, người chăn nuôi bò sữa vừa phải lo thời tiết xấu lại vừa phải đối mặt với những vấn đề mới đang khiến họ muốn bỏ nghề. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết sản lượng sữa của Úc sẽ giảm hơn 4% xuống còn 8,6 triệu tấn vào năm 2022.

Đe dọa tới sự đa dạng của ngành bơ sữa

Những thách thức mà người chăn nuôi bò sữa phải đối mặt đang ảnh hưởng đến khả năng sản xuất một số sản phẩm nhất định. Ở Pháp, một loại pho mát cao cấp có tên là Salers không còn được sản xuất vào năm 2022. Salers phải được làm bằng sữa của những con bò ăn cỏ trong khi đợt nắng nóng trong năm nay khiến nhiều đồng cỏ nước này bị phá hủy.

Trong khi sự vắng mặt của một loại pho mát chưa phải là trường hợp khẩn cấp, thì tình trạng hiện tại về lâu dài có thể gây xáo trộn lớn trên thị trường khi nhiệt độ khắc nghiệt vẫn tiếp tục diễn ra.

Ông Nate Donnay, giám đốc về thị trường sữa của tập đoàn StoneX Group cho biết: "Trong khoảng từ 5 đến 15 năm tới, chúng ta có thể thấy sản lượng sữa giảm dần ở những vùng thiếu nước. Trong khoảng 15 -30 năm, năng suất ở những khu vực đó sẽ thấp đi".

Xu hướng này sẽ khiến giá bơ sữa cao hơn và có thể thiếu hụt một số sản phẩm sữa.

Ông Melvin Medeiros, một nông dân tại nơi sản xuất sữa hàng đầu của Mỹ, bang California, cho biết thời tiết khắc nghiệt có khả năng sẽ thay đổi các hoạt động chăn nuôi ở tiểu bang này trong thập kỷ tới. Ông dự kiến số lượng bò sẽ ít đi khi diện tích đất canh tác giảm.

Ông Medeiros nói: "Chúng tôi đã không giải quyết được vấn đề xảy ra suốt hơn 50 năm qua. "Bây giờ chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm sản lượng hoặc làm tìm cách nào đó để giải quyết tình hình hiện tại".

Hải Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nguon-cung-sua-tren-toan-cau-dang-bi-de-doa-vi-thoi-thoi-tiet-khac-nghiet-72954.html