Nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, người dân không nên tích trữ

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc lưu thông hàng hóa trở nên khó khăn, trong khi đó nhu cầu mua sắm, tích trữ hàng hóa của người dân tăng cao, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật tư y tế… Điều này khiến cho tại một số địa phương, ở một số thời điểm, có những mặt hàng bị thiếu hụt, tăng giá. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn với ông Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương về các giải pháp cụ thể của ngành trong thời gian tới để đảm bảo cung ứng hàng hóa và ổn định về giá cả.

Lực lượng chức năng ngành Công Thương kiểm tra, nắm bắt tình hình cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng ngành Công Thương kiểm tra, nắm bắt tình hình cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về sức mua của người dân trên địa bàn tỉnh trong những ngày vừa qua và vấn đề cung ứng hàng hóa thiết yếu có được đảm bảo hay không?

Ông Ngô Minh Kim: Tình hình dịch bệnh COVID-19 thời gian gần đây diễn biến phức tạp, tạo tâm lý lo lắng cho người dân. Đặc biệt ngày 29/7, sau khi có thông tin về một ca nghi ngờ mắc COVID-19 tại chợ Rồng (thành phố Ninh Bình) nhiều gia đình đã đổ xô đi mua sắm, tích trữ thực phẩm. Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá của Sở, nguồn cung hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khá dồi dào, đảm bảo cung ứng đủ cho người dân.

Về lương thực và các sản phẩm rau củ quả, thịt, thủy sản, năng lực sản xuất của chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, thậm chí còn dư thừa để xuất đi các tỉnh khác. Còn đối với các mặt hàng chế biến thì hầu hết được cung ứng từ các tỉnh khác, do đó chịu sự ảnh hưởng nhất định. Những yêu cầu về kiểm dịch khiến việc vận chuyển mất nhiều thời gian hơn bình thường, chi phí vận chuyển, phí nhân công, lái xe, hàng hóa hư hỏng, hao hụt làm tăng giá một số mặt hàng nhưng về cơ bản không có sự đột biến lớn.

Ông Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương.

Phóng viên: Thưa ông, như chúng ta thấy rằng dịch bệnh COVID- 19 vẫn đang diễn biến hết sức căng thẳng, vậy ngành Công thương đã có phương án như thế nào để đảm bảo rằng trong mọi tình huống của dịch bệnh thì vấn đề cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân vẫn luôn được đảm bảo, không bị đứt gãy?

Ông Ngô Minh Kim: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã xây dựng kịch bản cụ thể để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh ở các tình huống, cấp độ diễn biến khác nhau của dịch bệnh. Theo đó, Sở thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa, phát hiện và áp dụng giải pháp điều tiết nguồn hàng kịp thời. Phối hợp thực hiện phương án hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, kết nối, tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ nhân dân.

Hiện 26 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được giao dự trữ đã nhập đầy đủ hàng hóa về kho theo yêu cầu. Đặc biệt với hơn 100 chợ dân sinh, 1 trung tâm thương mại, 9 siêu thị và gần 100 cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch hoạt động trên địa bàn tỉnh, chắc chắn việc phân phối hàng hóa sẽ được đảm bảo.

Trong tình huống dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh, toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, có nhiều khu vực bị cách ly. Một số hàng hóa có khả năng khan hiếm, không đủ cung cấp trong nhân dân, Sở sẽ khuyến khích các điểm bán lẻ tăng thời gian mở cửa, áp dụng định mức mua hàng cho mỗi lần mua sắm. Có thể tổ chức các phiên chợ dã chiến, các điểm bán hàng lưu động đối với các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như công tác phòng chống dịch.

Trường hợp cấp bách sẽ huy động xe của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn để vận chuyển; lực lượng quân đội, công an để phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm. Tình huống không có đủ hàng điều tiết trong hệ thống, Sở có thể kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ khai thác nguồn hàng để đưa về Ninh Bình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Phóng viên: Thưa ông, mặc dù chúng ta khẳng định lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân sẽ luôn được đảm bảo trong mọi tình huống, tuy nhiên sẽ khó tránh khỏi tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ găm hàng, tăng giá, trà trộn, bán các mặt hàng giả, kém chất lượng để trục lợi, vậy về phía ngành Công thương sẽ có những giải pháp kiểm soát như thế nào về vấn đề này?

Ông Ngô Minh Kim: Tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá chỉ xảy ra kho hàng hóa chúng ta bị thiếu, tiếp đó là do tâm lý lo ngại của người dân nên mua sắm tích trữ, dẫn đến đột biến giá. Sở Công thương khẳng định lượng hàng hóa trên địa bàn dồi dào, đầy đủ và chuỗi cung ứng sẽ luôn được đảm bảo để cung ứng trực tiếp đến người dân. Do vậy, chúng ta hãy yên tâm, bình tĩnh, không nên tập trung đông người để mua sắm hàng hóa tích trữ gây đột biến cho thị trường.

Sở Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có các hành vi tích trữ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm ra thị trường.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về những thông tin vừa rồi!

Nguyễn Lựu (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguon-cung-ung-hang-hoa-doi-dao-nguoi-dan-khong-nen-tich/d2021073014044599.htm