Nguồn cung ứng thịt dồi dào, không lo đứt hàng
Theo ghi nhận tại một số chợ lẻ, cửa hàng, điểm kinh doanh trên địa bàn TPHCM, các loại thịt như heo, bò, gà… phục vụ mùa cao điểm Tết 2025 khá dồi dào. Người bán cho biết đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng lớn, đủ cung ứng cho khách hàng, với mức giá bình ổn.
Giá nhích nhẹ
Chị Ngô Quỳnh Hoa, ngụ quận 10, TPHCM nói rằng, cuối năm, mua món gì cũng nhích giá, khiến những người nội trợ như chị cảm thấy “hụt hơi”. Ví dụ thịt heo, thị bò tại một vài chợ lẻ tăng 2.000-7.000 đồng/kg, đồ ăn chế biến sẵn cũng tăng giá tương tự, tùy loại. “Mỗi món tăng một chút, khiến cả đơn hàng đi chợ bị đội giá đáng kể”, chị Hoa nói.
Trong ngày 25-12, ghi nhận từ sạp bán hàng tại một số chợ lẻ cho thấy, giá heo hơi tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với cách nay một tháng, ở mức 64.000-68.000 đồng/kg. “Tuy vậy, giá bán trên thị trường vẫn tương đối ổn định, vì bán mắc quá thì người dân không mua. Hiện tại, giá sườn non khoảng 165.000 đồng/kg, nạc đùi 100.000-110.000 đồng/kg… Mức giá này tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với cách nay 2 tuần”, chị Thu Thúy, bán hàng tại quận Tân Phú, cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Anh, giám đốc một doanh nghiệp chế biến thực phẩm, chia sẻ, nguồn hàng thịt heo, thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Nga khá mềm so với hàng trong nước nên nhiều nhà hàng, quán ăn, trường học thường sử dụng nguồn này. Mặt bằng chân giò heo nhập khẩu có giá 45.000-50.000 đồng/kg, thịt ba rọi chưa tới 85.000 đồng/kg, nạc đùi khoảng 77.000 đồng/kg…
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, giá hàng nhập khẩu giữ ổn định, trong khi hàng trong nước điều chỉnh tăng giá thất thường nên doanh nghiệp bị ảnh hưởng giá đầu ra. “Với các nhà hàng cao cấp, họ sẽ sử dụng song song cả hàng trong nước lẫn nhập khẩu, nhằm tiết giảm chi phí nhưng vẫn đáp ứng được thị hiếu khách hàng”, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn thông tin, giá một số loại thịt heo bán tại chợ rạng sáng 25-12 tương đương thời điểm cách nay 3 tháng, như giò trước 75.000 đồng/kg, giò sau 65.000 đồng/kg… Tuy vậy, giá một số mặt hàng như sườn non là 155.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 9; nạc dăm là 120.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg…
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt gần 1,6 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nước ta nhập khẩu thịt heo từ 40 thị trường, hàng nhập từ Brazil chiếm 39,28% tổng lượng thịt heo nhập khẩu, hàng nhập từ Nga chiếm gần 30%, hàng nhập từ Canada chiếm 7,45%, hàng nhập từ Đức chiếm hơn 6%…
Việt Nam được đánh giá thuộc 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Bộ Công thương thông tin, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội chăn nuôi từ các quốc gia châu Âu như Ba Lan, Pháp, Bỉ... vẫn tăng cường cơ hội xúc tiến thương mại nhằm gia tăng xuất khẩu thịt bò, thịt heo và các sản phẩm từ thịt vào thị trường Việt Nam.
Việt Nam chi 1,55 tỷ USD nhập thịt và các thực phẩm khác
Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi 1,55 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các loại thực phẩm khác từ 40 thị trường, trong đó Brazil chiếm gần 40%, Nga gần 30%. Lượng thịt nhập khẩu thường tăng mạnh vào quý 4 hàng năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Để bảo vệ người tiêu dùng, Bộ NN-PTNT đã tăng cường kiểm dịch và hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm nhập khẩu.
Đảm bảo nguồn cung hàng tết
Tính đến thời điểm này, lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường tết, trong đó có mặt hàng thịt heo, được doanh nghiệp cam kết bình ổn giá, đủ nguồn hàng. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (VISSAN), cho hay đã hoàn tất kế hoạch cung ứng thực phẩm với tổng ngân sách hơn 540 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là bước chuẩn bị nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết cũng như đảm bảo bình ổn thị trường. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống, VISSAN cung ứng ra thị trường gần 930 tấn; con số này với thực phẩm chế biến là khoảng 3.700 tấn, tăng 5%-8% so với dịp Tết 2024.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều kế hoạch cung ứng hàng hóa tết ra thị trường. Song song với đảm bảo nguồn hàng dồi dào, các doanh nghiệp cũng đồng hành cùng TPHCM cam kết không tăng giá bán, tổ chức nhiều chuyến hàng lưu động, bình ổn giá đến các vùng sâu, vùng xa nhằm kích cầu tiêu dùng…
Bà Lý Kim Chi cho biết: “Sự phối hợp này nhằm thúc đẩy kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, có cơ hội sắm tết”.
Về phía các chợ truyền thống, dịp tết này, giá bán các mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm… cũng được bình ổn. Bà Đỗ Thị Hồng Ánh, quyền Trưởng Ban Quản lý chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12 (TPHCM), thông tin, ở thời điểm hiện tại, giá heo hơi có nhích lên nhưng không đáng kể. Phần lớn tiểu thương đều niêm yết giá rõ ràng, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng, chứ không có tình trạng tăng giá… Ngoài ra, hàng hóa về các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức luôn dồi dào, đa dạng nên không lo “sốt giá”…
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết năm 2025 đã được UBND TPHCM chỉ đạo từ rất sớm. Năm nay có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tăng 10 doanh nghiệp so với năm ngoái.
Dự kiến tết năm 2025, các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng hóa trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, trong đó gần 10.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, từ nay đến tháng 1-2025, sở sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường đến nhiều quận, huyện, với mức giảm giá đến 80%…
Bà PHAN THỊ THẮNG - Thứ trưởng Bộ Công thương:
Nhiều chương trình giảm giá sâu hỗ trợ người tiêu dùng
Các mặt hàng lương thực, thực phẩm hiện có nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025. Để đảm bảo cung cầu và bình ổn thị trường, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT với những giải pháp cụ thể cho các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. Hàng loạt địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Ninh Thuận… đã xây dựng xong kế hoạch bình ổn thị trường, giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp chủ động nguồn hàng và tổ chức các điểm bán cố định, lưu động.
Các địa phương như Hà Nội, TPHCM đã tích cực phối hợp liên kết vùng, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và khuyến mãi kích cầu tiêu dùng đang được đẩy mạnh.
Dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ tăng trên 10% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp đã dự trữ lượng hàng hóa tăng 10-25%. Nhiều chương trình giảm giá sâu cho các sản phẩm thiết yếu cũng đang được triển khai nhằm hỗ trợ người tiêu dùng. Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo sát tình hình thị trường, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá, thao túng giá cả...
Ông DƯƠNG TẤT THẮNG - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT:
Nguồn cung thịt heo dồi dào
Cuối năm 2024, tổng đàn heo cả nước đạt 26 triệu con, tăng 2,9% so với năm trước, với sản lượng thịt heo dự kiến hơn 5 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tết và đầu năm mới. Từ cuối tháng 9 đến nay, các doanh nghiệp và người chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn nhằm đảm bảo thời gian xuất chuồng. Điều này giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào thời điểm cuối năm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguon-cung-ung-thit-doi-dao-khong-lo-dut-hang-post774851.html