Nguồn cung xút thiếu hụt dài hạn, Hóa chất Cơ bản Miền Nam (CSV) nắm lợi thế vượt trội

Trong bối cảnh nguồn cung xút tại Việt Nam dự kiến tiếp tục thiếu hụt kéo dài, Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam (mã cổ phiếu CSV) đang nắm lợi thế vượt trội so với các sản phẩm xút nhập khẩu.

Nhu cầu về các loại hóa chất công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm nay, tạo động lực tăng trưởng cho Hóa chất Cơ bản Miền Nam.

Nhu cầu về các loại hóa chất công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm nay, tạo động lực tăng trưởng cho Hóa chất Cơ bản Miền Nam.

Trong nửa đầu năm nay, Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam (mã cổ phiếu CSV - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 832 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ ngoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính như xút, clo, axit sunfuric… lần lượt tăng trưởng 42%, 27%, và 38% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán FPT, mặc dù giá bán các sản phẩm hóa chất chủ lực của Hóa chất Cơ bản Miền Nam dự kiến vẫn tiếp tục giảm nhưng sản lượng tiêu thụ sẽ ở mức tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước hồi phục rõ rệt, giúp thúc đẩy nhu cầu về các loại hóa chất, đặc biệt là xút-clo. Mảng xút-clo hiện chiếm hơn 50% tổng doanh thu của Hóa chất Cơ bản Miền Nam.

Chứng khoán FPT dự báo giá xút trong nửa cuối năm nay sẽ giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023 do áp lực từ việc giá xút tại thị trường Trung Quốc giảm.

Giá xút tại Trung Quốc hiện vẫn chưa có dấu hiệu tạo đáy khi hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục suy yếu và dự kiến công suất sản xuất xút sẽ tăng thêm 2,3 triệu tấn khi các nhà máy mới đồng loạt đi vào hoạt động trong nửa cuối năm.

Công suất sản xuất xút của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. (Nguồn: Chứng khoán FPT)

Công suất sản xuất xút của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. (Nguồn: Chứng khoán FPT)

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Hóa chất Cơ bản Miền Nam sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc thiếu hụt nguồn cung xút trong nước và sản phẩm của công ty cạnh tranh hơn so với xút nhập khẩu.

Cụ thể, hiện tổng công suất sản xuất xút trong nước ước đạt khoảng 200.000 tấn/năm, chỉ đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu xút nội địa. Do đó, hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 100.000 tấn xút (chủ yếu từ Trung Quốc) để bù đắp lượng thiếu hụt trong nước.

Dự án Đức Giang - Nghi Sơn của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang với công suất 50.000 tấn xút/năm dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026 cũng chỉ giúp nguồn cung nội địa tăng lên 250.000 tấn/năm, đáp ứng được khoảng 70% tổng nhu cầu hiện nay.

Trong khi đó, dựa trên tốc độ phát triển của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhu cầu xút trong nước dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10% trong giai đoạn 2025 - 2030, theo Chứng khoán FPT. Qua đó, mở ra dư địa tăng trưởng tiềm năng cho Hóa chất Cơ bản Miền Nam trong những năm tới đây.

Giá điện công nghiệp tại Việt Nam so với các quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu xút lớn vào Việt Nam. (Nguồn: Global Petrol Prices, Chứng khoán FPT)

Giá điện công nghiệp tại Việt Nam so với các quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu xút lớn vào Việt Nam. (Nguồn: Global Petrol Prices, Chứng khoán FPT)

Đặc biệt, sản phẩm xút của Hóa chất Cơ bản Miền Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với xút nhập khẩu nhờ giá điện công nghiệp tại Việt Nam đang thấp hơn so với các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu xút lớn vào Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Lượng xút từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đang chiếm tới 80% tổng giá trị xút được Việt Nam nhập khẩu hàng năm. Giá điện chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất xút của các nước trên thế giới.

Sản phẩm xút nhập khẩu chủ yếu là xút rắn có giá thành cao và khó sử dụng hơn so với xút dạng lỏng của Hóa chất Cơ bản Miền Nam.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu CSV của Hóa chất Cơ bản Miền Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu CSV của Hóa chất Cơ bản Miền Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đáng chú ý, Hóa chất Cơ bản miền Nam là doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất Xút và các dẫn xuất hiện đại nhất hiện nay với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 40.000 tấn Xút/năm. So với các đối thủ khác thì doanh nghiệp này đang có lợi thế về định mức tiêu hao 2 nguyên nhiên liệu đầu vào chính - muối công nghiệp và điện (chiếm 70-80% giá thành sản phẩm).

Ngoài ra, Hóa chất Cơ bản Miền Nam có lợi thế về vị trí địa lý, gần các khách hàng tiêu thụ lớn tại các khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ, giúp tiết giảm chi phí vận chuyển. Đồng thời, các sản phẩm xút nhập khẩu đang phải chịu thuế nhập khẩu từ 5-20%.

Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán FPT dự báo lợi nhuận trước thuế cả năm nay của Hóa chất Cơ bản Miền Nam sẽ đạt 306 tỷ đồng, tương đương vượt 17% kế hoạch cả năm nay.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/nguon-cung-xut-thieu-hut-dai-han--hoa-chat-co-ban-mien-nam--csv--nam-loi-the-vuot-troi-127195.htm