Nguồn điện trời cho: 'Thời khắc sống còn' của mơ ước tiền tỷ

Việc Bộ Công Thương đề xuất kéo dài thời gian áp dụng giá FIT với điện gió nhưng giảm 20% so với mức giá hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư trong nước 'đứng ngồi không yên'.

Giá giảm, nhà đầu tư lo lỗ

Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư xây dựng các dự án điện gió gửi một loạt bộ, ngành đơn vị liên quan. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 đến hết năm 2023 bởi mức giá ưu đãi hiện hành sẽ có hạn chót là ngày 1/11/2021.

Tuy nhiên, mức giá theo đề xuất của phía Tư vấn Đức được Bộ Công Thương trích dẫn lại giảm khá mạnh. Cụ thể, dự kiến giá điện gió trên bờ của dự án vận hành từ 11/2021-12/2022 là 7,02 Uscent/kWh; dự kiến giá điện gió của dự án vận hành trong năm 2023 là 6,81 Uscent/kWh. Dự án trên biển, dự kiến giá điện gió trong các giai đoạn tương ứng lần lượt là 8,47 Uscent/kWh và 8,21 Uscent/kWh.

Điện gió rất khác với điện mặt trời khi suất đầu tư cao, thi công khó khăn.

Điện gió rất khác với điện mặt trời khi suất đầu tư cao, thi công khó khăn.

Trong khi đó, mức giá tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg lần lượt là: Điện gió trong đất liền là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh; điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh.

Như vậy, mức giá điện gió dự kiến giảm đáng kể. Trước thông tin này, nhiều nhà đầu tư điện gió lo ngay ngáy.

Đại diện một nhà đầu tư cho rằng, giá điện gió giảm như vậy khó có thể thu hút được các nhà đầu tư bởi rủi ro là rất lớn. Các dự án điện gió có nguồn gió tốt đã được phát hiện và đầu tư giai đoạn này. Những dự án về sau khó có thể đạt được nguồn gió như vậy nữa. Trong khi đó, chi phí đầu tư điện gió ở Việt Nam không hề thấp. Việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo vẫn chưa được giải quyết triệt để, nguy cơ “tắc” lưới truyền tải vẫn còn hiện hữu, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tài chính của nhà đầu tư.

Ngay sau khi Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến dự thảo mức giá kể trên, Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận đã có văn bản phản hồi.

Hiệp hội này cho biết: Dự thảo giá FIT mới đưa ra trong bối cảnh điện gió Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn. Sau hơn 10 năm có chính sách ưu tiên phát triển của Chính phủ, cả nước mới có 12 dự án đưa vào vận hành với tổng công suất 470 MW, chỉ đạt hơn 50% quy hoạch được duyệt (800 MW vào năm 2020) và chỉ bằng 7% so với tổng công súat điện mặt trời.

Theo Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận, đại dịch Covid-19 đang làm chậm tiến độ nhiều dự án điện gió khi chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam và việc cung ứng thiết bị cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì nhiều nhà xưởng trên thế giới phải đóng cửa. Trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và rất khó lường.

Ngoài ra, Nhà nước dùng công cụ giá để điều tiết khi thị trường phát triển quá nóng. Không giống như điện mặt trời đầu năm 2019, theo thống kê các hợp đồng mua sắm đã ký kết với các hãng tua bin gió: dự kiến đến cuối năm 2021 tổng công suất điện gió cả nước sẽ đạt khoảng 2.000 MW. Cho nên, theo hiệp hội này, việc lo lắng điện gió năm 2021 phát triển nóng như điện mặt trời giữa năm 2019 là khó xảy ra vì vốn đầu tư cao, đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý dự án, thời gian thi công kéo dài từ 1-2 năm.

"Tắc nghẽn" đường truyền tải vẫn là một nỗi lo của nhiều dự án năng lượng tái tạo.

"Tắc nghẽn" đường truyền tải vẫn là một nỗi lo của nhiều dự án năng lượng tái tạo.

Đề nghị giữ nguyên giá hiện hành

Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời tỉnh Bình Thuận cho biết: Giá cơ sở để tính toán đầu vào các dự án điện gió so với thời điểm ban hành giá FIT hiện hành (năm 2018) không có nhiều biến động. Cụ thể, giá tuabin dù có chiều hướng giảm dần nhưng không giảm đột biến như điện mặt trời, thậm chí gần đây còn tăng lên do cung không đủ cầu và ảnh hưởng bởi Covid-19; giá nhân công trong nước và đặc biệt là giá đền bù giải phóng mặt bằng ngày càng cao.

Việc vay ngân hàng với lãi suất 6,5%/năm là khó khả thi khi lãi vay trong nước luôn ở mức 9-11%/năm. Việc vay nước ngoài cũng không dễ vì nhiều ngân hàng quốc tế không chấp nhận với các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện PPA hiện nay.

Đơn cử, dự án điện gió Phú Lạc (24 MW) tại Bình Thuận vận hành từ năm 2016, được cho là hiệu quả nhất hiện nay do chi phí vốn thấp và thiết bị phù hợp, nhưng kết quả kinh doanh rất thấp. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2020 lỗ 29,6 tỷ đồng, sản lượng chỉ bằng 60% các năm trước vì gió thấp, vì lưới điện quá tải và vì tỷ giá tiền vay.

Vì thế, hiệp hội này nhận xét việc giá FIT mới cho điện gió giảm gần 20% như đề xuất của Bộ Công Thương là không khả thi.

“Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá này thì đây không phải là “phương án giải quyết khó khăn” như tiêu đề của báo cáo, mà là “khó khăn thách thức mới” cho đầu tư xây dựng các dự án điện gió tại Vệt Nam, không khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực đầy tiềm năng của Việt Nam và đang là xu thế của thế giới”, Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận nêu rõ.

Do đó, để điện gió Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng, các nhà đầu tư điện gió kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn giá FIT hiện hành đến cuối 2022. Sau năm 2022, tiếp tục duy trì giá FIT thay đổi theo thời gian, theo vùng miền để khuyến khích và định hướng đầu tư; sớm ban hành cơ chế đấu giá cho điện gió trên bờ và chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu rất lớn hiện nay.

H.Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/dien-gio-lo-lang-truoc-thoi-khac-song-con-693495.html