Thạch Sùng sinh năm 249, mất năm 300, sống vào thời nhà Tấn ở Trung Quốc, sau giai đoạn Tam quốc kết thúc với sự diệt vong của nhà Tào Ngụy, Đông Ngô, Thục Hán.
Thạch Sùng tên chữ là Quý Luân, hiệu là Tề Nô, ở Thanh Châu Trung Quốc. Từ thuở nhỏ, ông có tư chất thông minh, nhiều mưu trí hơn hẳn người thường.
Thạch Sùng là con trai của Thạch Bào, một người rất giàu có. Khi sắp chết, ông đem gia tài chia cho con cái, Thạch Sùng được phần ít nhất. Bà vợ thấy vậy thắc mắc, Thạch Bào trả lời: Tuy bây giờ chia cho nó ít, ngày sau, nó sẽ giàu hơn mấy đứa kia gấp bội. Quả nhiên, đó là lời tiên đoán chính xác.
Theo chính sử Trung Quốc, nhờ tài năng nổi bật, năm 20 tuổi, Thạch Sùng được bổ làm quan lệnh ở Tu Vũ, rồi Thái thú Dương Thành. Nhờ có công bình định được Đông Ngô, ông được vua phong làm An Dương Hầu.
Vua Tấn Vũ Đế (Tư Mã Viêm) thấy Thạch Sùng có tài, cho làm Thứ sử Kinh Châu, kiêm chức hiệu úy Nam man. Ở Kinh Châu, Thạch Sùng liên kết với thương gia tiến hành buôn bán nên chẳng bao lâu trở nên đại phú, giàu nức tiếng đương thời. Ông thậm chí còn được cho là giàu hơn cả vua Tấn lúc bấy giờ.
Thạch Sùng giàu có nức tiếng trong thiên hạ. Bấy giờ, có quan Hậu tướng quân là Vương Khải, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà cũng rất giàu, ăn tiêu xa xỉ, từng so độ giàu có với Thạch Sùng, cuối cùng, phải chào thua.
Cuối đời, Thạch Sùng gặp họa lớn. Sau khi vua Tấn Vũ Đế qua đời, nhà Tấn bước vào giai đoạn hỗn loạn, các đại thần tranh giành quyền lực, chém giết lẫn nhau. Thạch Sùng bị một hoàng thân tên là Tư Mã Luân giết hại, gia sản của ông bị tịch thu hết. Bấy giờ, Thạch Sùng mới 52 tuổi.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing