Nguồn gốc của tên gọi 'Lưỡng Hà'

Trong sử thi Enu-ma Eliš của người Babylon, thần Marduk đã phá đôi mắt của nữ thần nước bị giết Tiamat, làm chảy ra hai con sông.

Trung địa

Vùng đất ấy từng được gọi là Al-Jazirah, nghĩa là “Đảo” giữa hai con sông. “Mesopotamia” - Lưỡng Hà - bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp mesos - “giữa”, và potamos - “sông”. Cái tên này lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách lịch sử về Alexander Đại đế vào thế kỷ 2 của nhà sử học Hy Lạp Arrian của thành Nicomedia.

Sông Tigris và Euphrates là những nhân vật chính trong câu chuyện về vùng Cận Đông kể từ thời đồ đá mới. Chúng là bối cảnh cho sự xuất hiện của các nhà nước đầu tiên, và đó là lý do mà những biến động của chúng sẽ góp phần định hình các nhà nước ấy. Cội nguồn của những con sông này bị che phủ trong màn bí ẩn.

Trong sử thi Enu ̄ma Eliš của người Babylon, thần Marduk đã phá đôi mắt của nữ thần nước bị giết Tiamat, làm chảy ra hai con sông. Nhưng nguồn của các con sông này nếu có uy lực tương đương thì cũng sẽ ít mang vẻ huyền thoại hơn nhiều. Nước đổ vào hai con sông này là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa hoàn lưu của khí quyển và vùng biển Địa Trung Hải gần đó.

 Một khung cảnh giữa dòng Tigris và Euphrates. Ảnh: CREAF.

Một khung cảnh giữa dòng Tigris và Euphrates. Ảnh: CREAF.

Khí hậu Trái đất ít nhiều ở trong trạng thái mà các nhà khoa học gọi là trạng thái cân bằng đối lưu-bức xạ, nhờ vai trò kép của nước vừa là khí nhà kính vừa là véc tơ cho nhiệt tiềm ẩn, và được giải phóng vào khí quyển khi hơi nước ngưng tụ thành mưa. Cả hai tác động phụ thuộc vào lượng hơi nước trong cột không khí, mà chủ yếu được kiểm soát bởi lượng bốc hơi từ bề mặt, bản thân hơi nước lại là sản phẩm được tạo ra khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất. Do đó, nhiệt độ của mỗi cột không khí chủ yếu phụ thuộc vào lượng ánh sáng mặt trời chiếu tới bề mặt tại điểm cụ thể đó.

Bởi vì cường độ ánh sáng mặt trời thấp hơn ở các cực, cao hơn ở xích đạo, nên kết quả là sự khác biệt bắc-nam thúc đẩy một sự lưu thông trong đó không khí lạnh hơn, nặng hơn từ các cực trượt về vùng nhiệt đới, trong khi không khí ấm hơn, nhẹ hơn trôi bên trên nó thì dịch chuyển về các cực.

Nhưng không khí di chuyển về phía các cực cũng di chuyển gần với trục quay của hành tinh, tăng tốc về phía đông so với bề mặt của hành tinh (cùng một sự bảo toàn động lượng góc mà một vận động viên trượt băng dựa vào khi kéo cánh tay lại gần cơ thể để tăng tốc cho cú xoay mình). Kết quả là một luồng phản lực mạnh, ở vĩ độ 40o, bay lên trên 10 km trong khí quyển, trôi với tốc độ khoảng 180 km/h so với bề mặt.

Dòng tia di chuyển vòng quanh địa cầu và mạnh nhất vào mùa đông, khi sự chênh lệch nhiệt độ giữa xích đạo và địa cực là lớn nhất. Trong suốt mùa đó, lõi của nó trở nên rất bất ổn và sự nhiễu loạn tăng lên, tạo thành các dải hệ thống thời tiết, các rãnh và các rặng núi liên quan đến các xoáy thuận và xoáy nghịch quen thuộc trên bản đồ thời tiết. Những dải nhiễu động và bất ổn này là “đường đi của bão”.

Trong suốt mùa đông, các cơn bão bắt nguồn xung quanh dòng tia đi vào lưu vực Địa Trung Hải và đi theo trục của biển từ tây sang đông. Đường đi của cơn bão thứ cấp này vượt qua những vùng nước ấm đóng vai trò như vòi phun nhiên liệu cho các cơn bão.

Khi tiến đến góc đông nam của lưu vực, những cơn bão đi về phía bắc sẽ hút hơi ẩm từ phía đông Địa Trung Hải và đổ vào dãy núi Taurus ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và dãy núi Zagros ở miền đông Iraq và miền tây Iran, giải phóng nước ở đó. Những cơn bão hướng về phía nam thì di chuyển qua sa mạc Sinai khô nóng, hầu như không đem theo mưa.

Kết quả là, lượng mưa mùa đông được phân bố dọc theo một độ dốc rất lớn từ bắc xuống nam trên khắp vùng Lưỡng Hà và Levant. Trong suốt mùa hè, các đường bão này suy yếu. Thời tiết địa phương trở nên khô ráo do gió mùa ở Ấn Độ tạo ra sóng đứng quy mô lớn trên bầu khí quyển, bao gồm cả một vùng không mưa dai dẳng có áp suất cao trên vùng Lưỡng Hà.

Các dòng chảy của Tigris và Euphrates mà các cộng đồng đầu tiên của Lưỡng Hà biết đến là kết quả của các chu kỳ hằng năm này. Chúng được cấp nước bởi lượng mưa mùa đông dồi dào ở vùng núi phía bắc và băng qua phía nam khô cằn dai dẳng. Mặc dù có chung cội nguồn, hai con sông không giống nhau. Euphrates có dòng chảy tương đối ổn định và được các nhà hình thái học gọi là sông phân nhánh: trước khi bị ngăn bởi kiến trúc hiện đại, nó đã tách ra thành nhiều dòng nhỏ hơn, uốn khúc.

Trong khi đó, Tigris lớn hơn ít nhất 50%, do có một số phụ lưu từ dãy núi Zagros đổ vào dòng chảy của nó. Lượng phù sa trong nước của nó cao gấp ba lần sông Euphrates, khiến nó trở thành một dòng sông bùn nguy hiểm. Các trận lụt của nó dữ dội đến nỗi có thể nhấn chìm hầu hết các công trình kiến trúc nhân tạo thời cổ đại. Nếu được lựa chọn, người ta sẽ thấy chiếm lãnh thổ của kẻ khác dọc theo sông Euphrates sẽ dễ dàng hơn là đào một con kênh từ sông Tigris để dẫn nước.

Các con sông chảy qua một vùng đồng bằng màu mỡ. Ngay cả với kỹ thuật hạn chế của thời cổ đại, chỉ riêng Euphrates đã có thể hỗ trợ tưới tiêu trên diện tích đất hơn 1 triệu hecta. Nếu chế ngự được thì về nguyên tắc hai con sông gộp lại có thể tưới tiêu cho diện tích lên đến 3 triệu hecta. Nhưng hai con sông đều đặt ra một vấn đề tương tự nhau. Cả hai đều có đỉnh lũ mạnh vào mùa xuân, khi tuyết sót lại sau những cơn bão mùa đông trên núi cao tan chảy.

Kết quả là, thời gian dòng chảy của hai con sông đã bị sai lệch. Dòng chảy đỉnh điểm của chúng không tương ứng với nhu cầu của nông nghiệp mà chúng tưới tiêu: lũ lụt sẽ xảy ra khi ngũ cốc chín và sẵn sàng thu hoạch. Điều này có nghĩa là nông dân phải cật lực biến đồng bằng Lưỡng Hà thành một môi trường khả thi cho nông nghiệp. Và đó là câu chuyện xoay quanh sự phát triển của nhà nước đầu tiên.

Giulio Boccaletti/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguon-goc-cua-ten-goi-luong-ha-post1553677.html