Nguồn gốc đa dạng, biểu hiện phức tạp

Năm 1986, sự xuất hiện đồng loạt của Long Hoa Di Lặc, đạo Bác Hồ (đạo Bà Cấm), đạo Lẽ phải, đạo Bác Hồ (Câu lạc bộ Tâm linh Việt) ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đạo Vàng Chứ trong cộng đồng người Mông, người Dao các tỉnh miền núi phía Bắc, mở đầu cho sự ra đời và phát triển của hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam. Từ đó, hiện tượng tôn giáo mới phát triển khá nhanh.

Chủ động nghiên cứu, kịp thời xử lý
Biến tướng của các hiện tượng tôn giáo mới

Hơn 40 hiện tượng tôn giáo mới, 40 - 50 nghìn người tin theo

Từ năm 1980 - 1989 ghi nhận được 12 hiện tượng tôn giáo mới. Riêng hai năm 1986 - 1987 có tới 5/12 chiếm 45% số hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện trước năm 1990. Từ năm 1990 - 2000 là thời kỳ bùng nổ các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam, với 54 hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện, riêng năm 1990 có tới 15 hiện tượng xuất hiện.

Năm 2000 - 2020, hiện tượng tôn giáo mới chững lại ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Tác giả Nguyễn Phú Lợi trong bài viết "Nhận diện hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế" trên tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, số 6/2015, thống kê giai đoạn này có 15 hiện tượng tôn giáo mới, như: đạo Hà Mòn (2000), Canh Tân Đặc Sủng (2000), Amí Sara (2006), Pơ Khắp Brâu (2006), Hội thánh Tin lành Đấng Christ Việt Nam (Hiệp hội thông công Tin lành các dân tộc Việt Nam, Hội thánh Tin lành đấng Christ) (2008); Ban Cầu nguyện phong trào phục hưng Tin lành (Hiệp hội truyền giáo sâu rộng) (2009); Cây thập giá Chúa Jêsu Krist (đạo Thánh giá, đạo Chúa Mặt trời mọc) (2010); Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam, Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc (2012), Sứ điệp từ Trời Đắk Nông (2019) ở Tây Nguyên; và đạo San Thập, Giê sùa (2015), Bà Cô Dợ (2015), Ân điển cứu rỗi ở các tỉnh Tây Bắc.

Nhiều hiện tượng tôn giáo mới phát sinh trong nước như: Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Hoàng Thiên Long, Câu lạc bộ Tâm linh Việt, Giáo hội Lạc Hồng và một số đạo có nguồn gốc nước ngoài như Thanh Hải Vô Thượng sư, Pháp môn Diệu âm, Pháp luân công... cũng xâm nhập vào Tây Nguyên, Tây Bắc.

Trong hơn 80 hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện từ năm 1986 đến nay, một số hiện tượng có nhiều tên khác nhau (nhóm Tâm linh Hồ Chí Minh, đạo Hoa Vàng), nhiều hiện tượng đã mất hoặc chỉ còn trong phạm vi rất nhỏ. Cả nước hiện có hơn 40 hiện tượng tôn giáo hoạt động, một số có phạm vi rộng, như nhóm Tâm linh Hồ Chí Minh, Pháp luân công, Thanh Hải Vô thượng sư. Có nhóm trong khu vực nhất định như Dương Văn Mình. Theo thống kê ở 28 tỉnh, thành phố do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện năm 2020, có khoảng 40 - 50 nghìn người tin theo.

75% tập trung ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ

Đồng bằng và trung du Bắc Bộ là địa bàn tập trung nhiều nhất các hiện tượng tôn giáo mới (chiếm gần 75% của cả nước), trong đó trọng điểm là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên...

Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện đồng thời với khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, nhưng có sự tác động, truyền đạo của Kitô giáo từ nước ngoài, tập trung trong cộng đồng người Mông và người Dao. Theo thống kê, khu vực này ghi nhận có sự xuất hiện của 11 hiện tượng tôn giáo mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu có nguồn gốc từ Kitô giáo, nhất là Tin lành.

Ở Tây Nguyên, nhóm hiện tượng tôn giáo mới du nhập từ các vùng khác và nước ngoài tới là trong cộng đồng người Kinh. Nhóm hình thành tại chỗ là các hiện tượng tôn giáo mới trong vùng dân tộc thiểu số, chủ yếu liên quan đến đạo Tin lành và Công giáo, gắn với quá trình chuyển đổi đức tin của một bộ phận đồng bào dân tộc nhưng không theo các hệ phái Tin lành truyền thống như Hội thánh Tin lành miền Nam, Truyền giáo Cơ đốc; hoặc là biểu hiện sự phản ứng của một bộ phận đồng bào dân tộc chống lại giáo hội Công giáo.

Sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên gắn với phong trào chuyển đổi đức tin sang Kitô giáo có sự hướng dẫn của những người đứng đầu là người dân tộc tại chỗ. Trong hành trình tìm kiếm đức tin mới ấy, một bộ phận đã không gia nhập các hệ phái Tin lành truyền thống, mà theo cách riêng (như đạo Giê-sùa, Bà Cô Dợ), thậm chí muốn lập một tôn giáo riêng (Dương Văn Mình).

Các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam đa dạng về nguồn gốc, xuất xứ, hình thức biểu hiện, hoạt động phức tạp, ồn ào khi mới xuất hiện. Một bộ phận nảy sinh trong nước, cơ bản dựa vào tín ngưỡng truyền thống với Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo; một bộ phận du nhập từ nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản. Đa số các hiện tượng này có yếu tố tôn giáo nhưng còn mờ nhạt, có sự cóp nhặt, pha tạp một cách hổ lốn giáo lý của các tôn giáo truyền thống với tín ngưỡng truyền thống, nên nhiều hiện tượng đã nhanh chóng bị lụi tàn sau một thời gian ngắn xuất hiện.

Ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống

Sự gia tăng các hiện tượng tôn giáo mới ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, chủ yếu là những ảnh hưởng tiêu cực. Tiêu cực về văn hóa vì những lý thuyết và hoạt động khác xa với văn hóa truyền thống. Tiêu cực về sức khỏe với hoạt động chữa bệnh bằng hành vi mê tín dị đoan. Tiêu cực về kinh tế vì gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của người dân. Tiêu cực về xã hội vì những hoạt động ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Do đó, một số hiện tượng tôn giáo mới được xem như là tà giáo, dị giáo. Một số đạo lạ có những hoạt động chứa đựng nội dung chính trị, tuyên truyền chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Tà đạo ngụy tín ngưỡng đang gây ra rất nhiều hậu quả xấu cho đời sống Nhân dân, làm mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Các tổ chức tà đạo thường có hành vi, biểu hiện, lời nói xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi, gây chia rẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Nhiều người dân bị lôi kéo đi ngược đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà Nước, truyền thống văn hóa dân tộc. Mỗi ngày hàng nghìn người đang trở thành nạn nhân của các trò buôn thần, bán thánh, lừa đảo trục lợi, khiến dư luận bức xúc.

Sở dĩ ngày càng xuất hiện nhiều đạo lạ, tà giáo trong đời sống là bởi nhiều lý do. Trong đó, đời sống kinh tế khó khăn, dịch bệnh hoành hành ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, gây hoang mang, mất phương hướng cho số đông người dân. Họ trông mong vào một đấng siêu nhiên cứu giúp. Đó chính là điều kiện để các hiện tượng đạo lạ, tà giáo xuất hiện. Bên cạnh đó, tại các khu đô thị, chung cư… chủ đầu tư thường dành một khu vực cho các tín đồ thực hành nghi lễ tâm linh của mình. Đây cũng là cơ hội cho các hiện tượng tôn giáo lạ xâm nhập.

TS. Phạm Tiến Dũng - Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/nguon-goc-da-dang-bieu-hien-phuc-tap-i304276/