Nguồn gốc khó tin về nén hương và bí mật tâm linh phía sau, ai là tổ nghề hương ở Việt Nam?

Nhiều người vẫn nghĩ nén hương có nguồn gốc từ Đông Á, nhưng sự thật hoàn toàn khác. Nén hương đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với lịch sử, văn hóa của Việt Nam.

Khác với suy nghĩ của nhiều người, nén hương, cây nhang có nguồn gốc từ Ai Cập, cách đây 3500 năm. Với nền văn minh Ai Cập vĩ đại, đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Thời xa xưa, người Ai Cập đã đốt cháy hương trong những buổi lễ tôn vinh thần linh.

Thế nhưng, ngày xưa hương không có hình thù mảnh mai như bây giờ mà được bó thành từng bó trong một loại giấy cói y học, bên trong chứa toàn thảo dược. Hương thơm từ thảo dược này được cho là sẽ xua đuổi ma quỷ, mang lại sự bình an, may mắn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lại có nguồn tài liệu cho rằng hương có nguồn gốc xuất phát từ Ả Rập, sau này được các thương lái Hy Lạp đưa sang châu Á. Mùi thơm của hương được làm hoàn toàn bởi cây Boswellia Sacra, chủ yếu mọc ở miền nam bán đảo Ả Rập. Người dân Babylon trước đây có tục đốt hương để bày tỏ lòng thành kính đến các thần linh.

Thế nhưng cũng có thông tin cho biết Ấn Độ mới là nơi hương xuất hiện đầu tiên, khoảng 5000 – 6000 năm trước. Sau đó nó được truyền qua Trung Quốc vào đời nhà Tần, rồi phát triển ra khắp châu Á.

Nghề buôn hương trước đây rất thịnh hành tại Ả Rập, sau nhờ buôn lái mà đến được các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Không rõ đâu mới là nguồn gốc chính xác của nén hương. Nhưng cùng với sự phát triển của Phật giáo, nén hương, cây nhang đã trở thành thứ không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam.

Tại Việt Nam, Hưng Yên được xem là “quê hương” của hương. Nơi đây xuất hiện làng nghề làm hương từ khoảng 300 năm trước. Từ cuối thế kỷ 18, tích xưa truyền lại rằng tại Hưng Yên có người phụ nữ tên Đào Thị Khương, tài sắc vẹn toàn. Bà lấy chồng ở Trung Quốc và học được nghề làm hương xạ. Sau này bà Khương về thăm quê nên truyền nghề cho người làng Cao Thôn.

Bà Đào Thị Khương được tôn làm tổ nghề hương, hiện được thờ ở nhà thờ tổ họ Đào, làng Cao Thôn. Hàng năm, cứ vào ngày 22/8 âm lịch, cũng là ngày giỗ của bà Đào Thị Khương, người dân làng Cao Thôn đã tổ chức lễ giỗ Tổ nghề, tưởng nhớ người phụ nữ này.

Lại nói về ý nghĩa tâm linh của nén hương, cây nhang, nó được xem là phương thức để con người có thể tiếp xúc với “thế giới khác”. Hương thơm, hình ảnh khói hương bay lên cao khiến người ta liên tưởng đến sự diệu kỳ. Ngoài ra, lửa cháy nén hương thơm cũng sẽ mang theo nguyện ước trao gửi đến thế lực tâm linh. Ngàn đời này, dù xã hội đã phát triển hơn rất nhiều, cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng văn hóa thắp hương của người Việt Nam vẫn chưa bao giờ mai một.

- Video: Những cổ vật mang lời nguyền chết chóc ám ảnh nhất lịch sử. Nguồn: Tiền phong/CNN/The Sun.

Theo SHTT&ST

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nguon-goc-kho-tin-ve-nen-huong-va-bi-mat-tam-linh-phia-sau-ai-la-to-nghe-huong-o-viet-nam/20231007080533338