Nguồn gốc thành ngữ 'Chỉ đâu đánh đấy'
Như vậy, 'Chỉ đâu đánh đấy' là xuất phát từ tích 'Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy' chứ không phải như cách giải thích của sách Thành ngữ bằng tranh.

Lệ rằng: Quan pháp như lôi,
Chỉ đâu đánh đó, chẳng đâu là lành
(Truyện Trê Cóc - Khuyết danh)
Vì sao lại có câu thành ngữ “Chỉ đâu đánh đó” (dị bản Chỉ đâu đánh đấy)?
Sách Thành ngữ bằng tranh (Biên soạn: Nguyễn Thị Hường Lý; Tranh: Nguyễn Quang Toàn - NXB Kim Đồng, 2020) giảng: “Chỉ đâu đánh đấy: Ngày xưa trên mặt trận, vị tướng chỉ huy quân bằng cách cưỡi ngựa, dùng thanh gươm hay ngọn cờ chỉ về mục tiêu, rồi hô quân “Đánh!”. Còn quân thì phải tuân lệnh: tướng chỉ đâu, quân đánh đúng chỗ đấy, không cần suy xét, không được phép cãi lệnh. Ý nói: Chỉ biết thừa hành mệnh lệnh một cách máy móc, thụ động, thiếu sáng tạo”.
Tuy nhiên, “Quân lệnh như sơn”! Trên chiến trường mà quân không theo lệnh tướng, tự tiện “sáng tạo” thì chỉ có họa “Quân hồi vô lệnh” (Đội quân bại trận thì tháo chạy hỗn loạn, không cần đợi có lệnh rút quân). Bởi vậy, lính tráng y lệnh chỉ huy là sức mạnh của quân đội, không thể hiểu thành “chỉ biết thừa hành mệnh lệnh một cách máy móc, thụ động, thiếu sáng tạo”.
Thực ra, “chỉ đâu đánh đấy” là dị bản rút gọn của “Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy”.
Theo truyền thuyết dân gian, Thiên Lôi là vị thần nhà trời, làm ra sấm sét và vâng lệnh trừng trị kẻ gian ác, bất hiếu. Trời sai Thiên Lôi trừng trị kẻ nào, Thiên Lôi cứ thế y lệnh vung lưỡi tầm sét trừng trị kẻ ấy. Bởi thế, Thiên Lôi còn được ví với kẻ tay sai trung tín, nhất nhất làm theo lệnh chủ.
Tục ngữ Hán có câu: “Lôi công bất đả ngật phạn nhân - 雷公不打吃飯人 - Thiên Lôi không đánh kẻ đang ăn cơm), tương tự câu “Trời đánh còn tránh miếng ăn”, của người Việt, hàm ý: đến kẻ thừa hành mệnh lệnh một cách máy móc, “chỉ đâu đánh đấy” như Thiên Lôi, còn biết “tránh miếng ăn”, hoãn lệnh thi hành nếu thấy kẻ tội đồ đang dùng bữa nữa là! (lời khuyên nên tôn trọng bữa ăn của người khác).
Chính trong Truyện Trê Cóc, ta còn thấy thành ngữ “Quan pháp như Lôi”, ý nói phép nước nghiêm minh, không thể thay đổi, hay chậm trễ thi hành, tựa như Thiên Lôi thực thi lệnh trời vậy.
Như vậy, “Chỉ đâu đánh đấy” là xuất phát từ tích “Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy” chứ không phải như cách giải thích của sách Thành ngữ bằng tranh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguon-goc-thanh-ngu-chi-dau-danh-day-256103.htm