Nguồn gốc trí thông minh của loài người vẫn là một ẩn số
Một số biện pháp đo lường hiện đại cho thấy rằng trí thông minh (chỉ số IQ) của con người không ngừng tăng lên nhưng vẫn còn đó những tranh cãi về nguồn gốc của nó.
![...Họ lớn lên cùng trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh và công nghệ thực tế ảo, yêu thích học hỏi vì tương tác trực tuyến và thành thạo công nghệ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_112_51434350/ba22c09cfbd2128c4bc3.jpg)
...Họ lớn lên cùng trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh và công nghệ thực tế ảo, yêu thích học hỏi vì tương tác trực tuyến và thành thạo công nghệ.
Trong vòng 100 năm trở lại đây, chỉ số thông minh đã tăng khoảng 30 điểm. Hiện nay, chỉ số IQ bình thường là 100 và dưới mức này, ví dụ như IQ khoảng 70 có thể bị coi là kém thông minh. Tất nhiên là IQ không hẳn là chỉ số duy nhất và thực sự đáng tin cậy để đo lường mức độ thông minh, cũng như còn tồn tại nhiều loại thông minh khác nhau như trí thông minh sáng tạo, trí thông minh cảm xúc, trí thông minh ứng dụng... Tuy nhiên, một điều không thể chối cãi đó là sự tiến hóa đã giúp loài người hiện đại có một năng lực nhận thức cấp cao, thể hiện qua một số dấu hiệu như ngôn ngữ phức tạp, khả năng tư duy trừu tượng, khả năng nắm khái niệm về khoảng cách, thời gian, khả năng hợp tác phối hợp mức độ cao, khả năng sáng tạo nghệ thuật, khả năng tạo ra các công cụ ngày càng hiệu quả hơn... Có điều, câu hỏi về thời điểm xuất hiện của năng lực nhận thức của loài người vẫn còn là một ẩn số.
Charles Darwin trong quyển sách xuất bản năm 1871 “Nguồn gốc loài người” đã cho rằng độ thông minh của loài người so với các động vật khác chỉ là vấn đề mức độ. Đặc biệt, những năm gần đây, chủ đề trí thông minh của loài người lại trở thành chủ đề gây tranh cãi, nhất là từ khi nhà sử học người Israel Yuval Noah Harari cho ra mắt quyển sách bán chạy toàn cầu “Sapiens: Lược sử loài người”. Trong quyển sách này, ông Harari nói đến ba “cuộc cách mạng” trong lịch sử loài người Homo Sapiens (người tinh khôn hay còn gọi là người hiện đại). Khởi nguồn từ một “động vật chẳng mấy ý nghĩa”, người Homo Sapiens chúng ta đã trở thành nhân tố chính của lịch sử, chính là nhờ vào ba cuộc cách mạng sau: cách mạng nhận thức (cognitive revolution), cách mạng nông nghiệp và cách mạng khoa học.
Cuộc cách mạng đầu tiên, mang tính quyết định, diễn ra cách đây hơn 50.000 năm, theo Harari. Ở thời điểm này, trên mặt đất tồn tại nhiều giống người khác nhau như người Neanderthal, người Denisova, người lùn đảo Flores..., nhưng chỉ giống người Homo Sapiens mới tồn tại tới ngày nay.
Ở thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa có đủ bằng chứng để có thể kết luận một cách chính xác thời điểm xuất hiện năng lực nhận thức cao cấp ở người Homo Sapiens, cũng như các giả thuyết về sự kém năng lực nhận thức hơn ở người Neanderthal hay các giống người khác cũng đang dần bị lung lay.
Để giải thích sự tồn tại của người Homo Sapiens so với sự tiệt chủng các giống người khác, Harari đưa ra giả thuyết rằng người Homo Sapiens là giống loài duy nhất có khả năng nhận thức phát triển, nhờ vào một sự đột biến về gen. Theo ông, sự đột biến trong não bộ loài người Homo Sapiens cho phép phát triển năng lực ngôn ngữ phức tạp, dẫn đến việc hình thành các nhóm người sinh sống chung và có cùng ngôn ngữ, hợp tác phối hợp để cùng tồn tại, chống lại những khắc nghiệt của tự nhiên.
Ông Harari cho rằng sự đột biến này là nguyên nhân chính giải thích khả năng của người hiện đại trong việc tạo nên các huyền thoại - những câu chuyện sản phẩm của trí tưởng tượng loài người nhưng lại có tác động mạnh mẽ đến thực tế. Nếu như loài linh trưởng có thể biết phối hợp hợp tác trong săn bắt, thì chỉ có loài người hiện đại mới có thể kể lại các cuộc săn bắn và tưởng tượng ra tình huống hiệu quả nhất, để có kết quả tốt hơn trong tương lai. Các huyền thoại mà con người tạo ra có khả năng tập hợp số đông, nhờ vào dấu ấn sâu đậm của nó trong niềm tin chung, dẫn đến sự hình thành của bộ lạc, xóm làng, thành thị, quốc gia hay đế chế. Năng lực nhận thức cao cấp có thể chính là lý do dẫn đến sự tồn tại và phát triển vượt bậc của Homo Sapiens trên Trái đất.
Giả thuyết của Yuval Harari về khả năng nhận thức cao cấp của người hiện đại thực sự không phải là mới mẻ. Ví dụ như trước đó, nhà sinh vật học, tiến hóa học Jared Diamond đã khẳng định rằng các dấu vết khảo cổ học cho thấy cách đây 40.000 năm, loài người hiện đại đã “không còn chỉ là một loài động vật có vú như những loài động vật có vú khác”. Khi giống người Homo Sapiens sinh sôi trên Trái đất cũng bắt đầu xuất hiện những công cụ bằng đá sáng tạo và hiệu quả hơn, cũng như xuất hiện nghệ thuật trên đá, hai dấu hiệu thể hiện một sự phát triển vượt bậc về khả năng nhận thức.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khác lại không mấy đồng tình với cách tiếp cận và giải thích nói trên của ông Harari về sự đột biến trong năng lực nhận thức của người hiện đại. Số đông các nhà nghiên cứu nghiêng về một giả thuyết về sự phát triển từng bước một của trí thông minh. Theo đó, con người hiện đại dần dần đạt được mức độ nhận thức cao hơn và điều này diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Giả thuyết này dựa trên những phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy mức độ phát triển nhận thức nâng cao dần ở các giống loài Homo, thể hiện qua mức độ tiến bộ của công cụ tạo ra qua các thời kỳ.
Một giả thuyết thứ ba do hai nhà cổ nhân loại học Francesco d’Errico và Chris Stringer đưa ra, kết hợp hai giả thuyết nói trên. Theo hai tác giả này, tồn tại một sự tiến hóa tới năng lực nhận thức cao, qua những giai đoạn đứt gãy từ khoảng 200.000 năm trở lại đây. Những bằng chứng cho thấy quá trình phát triển nhận thức xuất hiện và biến mất ở châu Phi và ở lục địa Á - Âu, ở người hiện đại Sapiens cũng như ở người Neanderthal và sau đó các bằng chứng về tiến bộ năng lực nhận thức trở nên vững chắc hơn và có hệ thống.
Cũng liên quan đến chủ đề này, xin bổ sung rằng, giả thuyết hiện nay được số đông các nhà nghiên cứu đồng tình, đó là thực phẩm chính là “lực đẩy” căn bản của sự tiến hóa về mặt nhận thức ở con người hiện đại. Việc tiêu thụ thịt, cá dường như đóng vai trò chủ chốt cho sự phát triển nhận thức. Rõ ràng là thực phẩm càng phong phú, đa dạng và càng khó kiếm thì nó càng hỗ trợ phát triển não bộ con người. Các loài linh trưởng chỉ ăn lá cây thì có não kém phát triển hơn loài ăn trái cây. Biết hái lượm khi trái cây chín cũng cần có một mức độ nhận thức nhất định. Biết đập vỡ vỏ để ăn hạt cũng cần phải có trí não thông minh hơn. Với các công cụ tạo ra, người tiền sử càng có thể tiếp cận tới các loại thực phẩm phong phú hơn và loại thực phẩm mới càng thúc đẩy sự phát triển não bộ để tạo ra các công cụ mới. Không chỉ thế, loài người càng sống trong nhóm, cộng đồng lớn đa quan hệ thì não bộ cũng càng cần phát triển hơn, cho phép điều chỉnh các mối quan hệ phức tạp hơn.