Xuân phân 2025 là ngày nào?

Xuân phân thường diễn ra vào ngày 20/3 hoặc 21/3, tùy thuộc vào thời kỳ quay của Trái đất quanh Mặt trời, vậy Xuân phân năm 2025 rơi vào thứ mấy, ngày nào?

Ngày Xuân phân là một trong những sự kiện thiên văn quan trọng, không chỉ đánh dấu sự chuyển đổi giữa các mùa, mà còn là một phần trong 24 tiết khí trong nông lịch truyền thống của nhiều nền văn hóa châu Á.

24 tiết khí hàng năm gồm: Tiết Lập xuân, tiết Vũ thủy, tiết Kinh trập, tiết Xuân phân, tiết Thanh minh, tiết Cốc vũ, tiết Lập hạ, tiết Tiểu mãn, tiết Mang chủng, tiết Hạ chí, tiết Tiểu thử, tiết Đại thử, tiết Lập thu, tiết Xử thử, tiết Bạch lộ, tiết Thu phân, tiết Hàn lộ, tiết Sương giáng, tiết Lập đông, tiết Tiểu tuyết, tiết Đại tuyết, tiết Đông chí, tiết Tiểu hàn và tiết Đại hàn.

Xuân phân 2025 là ngày nào?

Ngày Xuân phân là ngày đầu tiên của tiết Xuân phân, thường diễn ra vào ngày 20/3 hoặc 21/3, tùy thuộc vào thời kỳ quay của Trái đất quanh mặt trời. Năm 2025, ngày Xuân phân rơi vào thứ Năm ngày 20 tháng 3, một thời điểm quen thuộc nhưng luôn mang đến cảm giác mới mẻ của sự khởi đầu và tái sinh.

Xuân phân 2025 là ngày nào? (Ảnh chụp màn hình)

Xuân phân 2025 là ngày nào? (Ảnh chụp màn hình)

Xuân phân năm 2025 đến sau tiết Kinh trập, thời điểm mà các loại côn trùng bắt đầu tỉnh giấc sau kỳ ngủ đông. Tiết Xuân phân sẽ kết thúc ngày 4/4, tiếp theo là tiết Thanh minh, khi thiên nhiên trở nên xanh tươi, trong lành, đúng như ý nghĩa của tên gọi.

Theo lịch Trung Quốc cổ đại, xuân phân đánh dấu điểm giữa của mùa xuân, đứng thứ tư trong 24 tiết khí và là thời điểm vô cùng quan trọng trong nông nghiệp. Đây là lúc cây cối đâm chồi nảy lộc, con người bắt đầu những công việc đồng áng, chuẩn bị cho vụ mùa bội thu.

Ngược lại, theo khoa học phương Tây, ngày Xuân phân lại là điểm bắt đầu mùa xuân ở Bắc Bán cầu. Vào ngày này, Mặt trời chiếu thẳng vào xích đạo, khiến ngày và đêm có độ dài gần như bằng nhau. Từ đây, Mặt Trời dần di chuyển lên phía Bắc, kéo theo sự ấm áp và ánh sáng kéo dài hơn cho bán cầu này.

Xuân phân là thời điêmt ngày và đêm dài bằng nhau. (Ảnh: Nhật Thùy)

Xuân phân là thời điêmt ngày và đêm dài bằng nhau. (Ảnh: Nhật Thùy)

Vì sao ngày Xuân phân được chọn làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc?

Ngày 20/3 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, đây không chỉ là một sự kiện đặc biệt mang ý nghĩa toàn cầu mà còn gắn liền với những hiện tượng tự nhiên đáng chú ý. Ngày này thường trùng với ngày Xuân phân, một thời điểm trong năm khi Mặt trời nằm gần xích đạo nhất, tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa độ dài của ngày và đêm.

Ngày Xuân phân là biểu tượng của sự cân bằng và hài hòa trong vũ trụ. Khi ngày và đêm có độ dài bằng nhau, đó là dấu hiệu của sự cân đối giữa ánh sáng và bóng tối, giữa âm và dương. Đây chính là thời điểm mà thiên nhiên thể hiện rõ ràng nhất triết lý cần có sự cân bằng để mọi thứ đều phát triển một cách hòa hợp. Trong cuộc sống con người cũng vậy, sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, giữa ước mơ và thực tế được coi là chìa khóa để dẫn tới hạnh phúc bền vững.

Lựa chọn ngày 20/3 để kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Liên Hợp Quốc muốn gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ đến toàn thế giới: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc. Đó là một lời nhắc nhở rằng, trong cuộc sống đầy bộn bề và thử thách, chúng ta cần tìm kiếm và duy trì sự cân đối để nuôi dưỡng niềm vui và sự hài lòng trong tâm hồn.

Như vậy, việc chọn ngày Xuân phân làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc không chỉ có giá trị biểu tượng mà còn mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận lại bản thân, suy tư về những gì thật sự quan trọng và tìm kiếm con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực, bắt đầu từ sự cân bằng trong chính cuộc sống của mình.

Phong tục đón Xuân phân trên thế giới

Các quốc gia khác nhau có những phong tục độc đáo để chào đón sự kiện này, thể hiện sự đa dạng văn hóa.

Tại Nhật Bản, ngày Xuân phân rơi vào ngày 20/3 và đánh dấu một thời kỳ lễ hội kéo dài suốt một tuần. Trong thời gian này, người Nhật có tục lệ tảo mộ và việc thưởng thức món bánh truyền thống Botamochi. Bánh Botamochi làm từ đậu đỏ, được tin là có khả năng trừ ma và mang lại may mắn cho người ăn.

Tại Trung Quốc, Xuân phân không chỉ là thời điểm lý tưởng để người dân ra ngoài vui chơi, thả diều mà còn nổi tiếng với trò dựng đứng trứng. Phong tục này đã tồn tại suốt hàng ngàn năm với niềm tin rằng thành công trong việc dựng đứng một quả trứng sẽ đem đến may mắn. Đặc biệt, người Trung Quốc thường ăn các loại rau mùa xuân như rau bina, rau diếp Fukuyama và rau dền dại để giữ sức khỏe và hấp thụ năng lượng mùa xuân.

Ở Sicily, Italy, Xuân phân là cơ hội để người dân thể hiện niềm tin vào sự sống trường tồn. Họ trồng rau diếp, đậu lăng và hạt thì là, sau đó buộc ruy băng đỏ vào cây non khi nảy mầm. Hành động này tượng trưng cho chiến thắng của sự sống trước cái chết, một thông điệp đầy lạc quan và tích cực.

Tại Trung Á, Xuân phân đánh dấu ngày đầu năm mới, được biết đến với tên gọi "Nowruz". Lễ hội này là biểu tượng của sự tái sinh và được tổ chức rầm rộ ở nhiều quốc gia như Iran, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Trung Á khác. Nowruz không chỉ là ngày đầu xuân mà còn là dịp để mọi người đoàn tụ, trao gửi yêu thương và cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xuan-phan-2025-la-ngay-nao-ar924721.html