Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Thất tịch 7/7

Ngày lễ Thất tịch còn được gọi là ngày 'ông Ngâu bà Ngâu' hay ngày Ngưu lang Chức nữ gặp nhau, ngày lễ này có nguồn gốc, ý nghĩa thế nào?

Ngày Thất tịch được giới trẻ ngày nay gọi là Ngày lễ Tình nhân của châu Á, diễn ra ngày 7/7 Âm lịch hàng năm. Trong văn hóa Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, ngày này mang ý nghĩa ca ngợi tình yêu và lòng chung thủy. Lễ Thất tịch năm 2024 sẽ rơi vào thứ Bảy ngày 10/8 Dương lịch.

Nguồn gốc ngày Thất tịch

Ngày Thất tịch gắn với câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng đầy bi thương của vợ chồng Ngưu lang và Chức nữ. Ở mỗi nền văn hóa, sự tích ngày Thất tịch có những tình tiết, diễn biến khác nhau.

Chuyện Ngưu lang Chức nữ của Việt Nam

Chuyện nguồn gốc ngày lễ Thất tịch của Việt Nam kể rằng, xưa có chàng trai nghèo tình cờ nhìn thấy các tiên nữ xuống hồ tắm. Anh mê quá bèn trộm bộ xiêm y có đôi cánh tiên của một nàng, khiến nàng không thể về trời mà ở lại làm vợ anh, đó chính là Chức nữ. Hai người có con với nhau.

Một hôm khi chồng đi vắng, Chức nữ tìm thấy đôi cánh tiên của mình được giấu trong thúng thóc, bèn quyết định bay về trời. Trước khi đi, nàng đưa con chiếc lược dặn trao cho cha.

Không thể sống thiếu vợ, người chồng mang con lặn lội lên trời tìm, trải qua bao nhiêu khó khăn mới đến nơi nhưng nhà trời không chấp nhận cho họ bên nhau. Hai vợ chồng chỉ có thể lén lút gặp gỡ. Vì luật nhà trời cấm người trần ở lại thượng giới nên sau đó vài hôm, Chức nữ đành tiễn chồng con ra về. Nàng đưa cho chồng con nắm cơm để ăn dọc đường, để hai cha con ngồi trên chiếc trống, dặn khi xuống đến nơi thì đánh để nàng cắt dây.

Nhiều bạn trẻ độc thân đi chùa cầu duyên vào ngày lễ Thất tịch. (Ảnh minh họa: Nhật Thùy)

Nhiều bạn trẻ độc thân đi chùa cầu duyên vào ngày lễ Thất tịch. (Ảnh minh họa: Nhật Thùy)

Dọc đường, đứa trẻ ăn cơm làm vãi lên mặt trống khiến đàn quạ sà vào mổ, tạo nên những âm thanh thì thùng. Trên trời, Chức nữ nghe tiếng trống liền cắt dây khiến hai cha con rơi xuống biển. Nàng thống khổ khóc than mãi không thôi.

Ngọc hoàng biết chuyện rất thương xót, cho đưa cả hai cha con lên trời, giao cho chàng trai công việc chăn trâu (vì thế mà anh được gọi là Ngưu lang) ở bên kia sông Ngân. Ở bên này sông, Chức nữ ngày ngày dệt vải mà đau lòng nhớ chồng con. Mỗi năm họ chỉ được phép gặp nhau một ngày vào 7/7 Âm lịch, đàn quạ phải đội đá bắc cầu cho họ để bù đắp tội lỗi ngày trước. Khi sắp phải rời xa nhau, cả hai vợ chồng đều khóc và nước mắt của họ rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa, gọi là mưa ngâu.

Chuyện nguồn gốc ngày Thất tịch của Trung Quốc

Người Trung Quốc kể rằng, chàng trai chăn bò nghèo (Ngưu lang) tốt bụng và chân thật gặp được tiên nữ nhà trời, người trông coi việc may vá trên thiên đình (Chức nữ) gặp gỡ và kết làm vợ chồng. Tình yêu giữa người phàm và tiên nữ bị xem là vi phạm luật trời, do đó họ bị Ngọc hoàng và Vương mẫu chia cắt, bắt ở mỗi người một phương trời, bị ngăn cách bởi con sông Ngân. Dù xa cách, hai người vẫn không quên nhau, luôn đau khổ vì thương nhớ.

Thương xót và cảm động trước tình yêu sâu đậm của họ, Ngọc hoàng cho phép Ngưu lang và Chức nữ gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm Thất tịch (tức mùng 7 tháng 7 Âm lịch). Vào đêm đó, hàng triệu con quạ tạo thành một cây cầu bắc qua dải Ngân hà, đôi vợ chồng đoàn tụ. Nước mắt vui mừng, nhớ thương lẫn đau khổ vì sắp phải xa nhau một năm đằng đẵng của vợ chồng Ngưu lang rơi xuống, tạo thành những cơn mưa ở trần thế. Người ta gọi đó là mưa ngâu - cách đọc chệch của từ "ngưu".

Chính vì thế, ngày Thất tịch được coi như một ngày dành riêng cho tình yêu, cho đôi lứa yêu nhau được đoàn tụ.

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Thất tịch 7/7 Âm lịch. (Ảnh: Pinterest)

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Thất tịch 7/7 Âm lịch. (Ảnh: Pinterest)

Sự tích ngày Thất tịch của Nhật Bản

Người Nhật Bản kể, Ngọc hoàng Thượng đế có một người con gái dệt lụa rất giỏi tên là Tanabata-tsume (còn gọi là Orihime). Nàng đem lòng thương mến anh chàng chăn bò Hikoboshi. Vì thương con nên Ngọc hoàng chấp nhận gả công chúa cho chàng chăn bò. Sau khi cưới, hai vợ chồng quá quấn quít nhau, cả ngày chỉ biết đi chơi nên bỏ mặc công việc. Nàng thì không dệt vải, chàng để đàn bò đi lạc lên cung trời.

Các vị thần tức giận, phạt đưa hai người về hai bên bờ sông Ngân, mỗi năm chỉ cho gặp nhau một lần vào ngày 7/7 Âm lịch. Vào ngày này, đàn chim ô thước sống bên hai bờ sông sẽ lấy thân mình làm cầu cho họ qua. Nếu trời mưa thì đàn chim không thể bắc cầu và hai người sẽ không thể gặp nhau.

Lễ hội Thất tịch tại Nhật Bản thường bắt đầu từ tối 6/7 và kết thúc vào ngày hôm sau, tức 7/7 Âm lịch. Điểm đặc trưng của lễ Thất tịch ở Nhật Bản là bạn sẽ thấy những cây trúc nhỏ được cắm ở khắp nơi, từ sân nhà, trường học, cửa hàng tiện lợi đến các công ty.

Ý nghĩa của ngày Thất tịch

Thông qua câu chuyện Ngưu lang - Chức nữ, người xưa muốn truyền tải những giá trị tốt đẹp về lòng chung thủy và tình cảm sâu sắc giữa con người.

Tình yêu và lòng chung thủy: Ngày Thất tịch nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu thật sự luôn cần sự kiên trì, kiên định và hy sinh. Ngưu lang và Chức nữ chỉ có một ngày để đoàn tụ sau cả năm trời xa cách, nhưng họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi và giữ vững lòng chung thủy.

Sự gắn kết gia đình: Ngày lễ này cũng là một dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ tình cảm và sự gắn kết với nhau. Ở nhiều nơi, người ta tổ chức các hoạt động gia đình, như thả đèn trời hoặc làm các món ăn truyền thống để cùng nhau thưởng thức.

Cầu cho tình duyên viên mãn: Với những người đang độc thân, ngày Thất tịch là dịp để cầu nguyện tình duyên viên mãn. Nhiều người đến đền, chùa để cầu duyên.

Nhật Thùy (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguon-goc-va-y-nghia-cua-ngay-that-tich-7-7-ar888446.html