Nguồn lợi bền vững

Mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng giá trị cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhưng hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giữ vai trò quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho lao động khu vực nông thôn.

Mô hình nuôi ương cá chim giống của gia đình ông Đỗ Mạnh Chính- xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì cho hiệu quả kinh tế cao.

(baophutho.vn) - Mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng giá trị cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhưng hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giữ vai trò quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho lao động khu vực nông thôn. Chính vì vậy, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp vào cuộc có hiệu quả của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển sản xuất của tỉnh cộng hưởng cùng nỗ lực vươn lên của người dân, sản xuất thủy sản của tỉnh luôn giữ vững được tốc độ tăng trưởng, góp phần tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Phát huy tiềm năng
Thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, trên địa bàn tỉnh có ba con sông lớn chảy qua là: Sông Thao, sông Đà, sông Lô và nhiều sông nhỏ, ngòi lớn như: Sông Bứa, sông Chảy, Ngòi Lao, Ngòi Giành, Ngòi Me... Có trên 600 hồ, đập thủy lợi có dung tích lớn hơn 0,5 triệu m3; với tổng diện tích nuôi thủy sản 11.200ha, trong đó, diện tích chuyên nuôi 5.420ha (nuôi thâm canh đạt 2.350ha, nuôi bán thâm canh 3.070ha); nuôi tận dụng hồ chứa, ruộng một vụ 5.775,4ha (mặt nước lớn 2.480ha, ruộng một vụ 3.295,5ha). Sản xuất thủy sản của tỉnh phát triển đúng hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.Toàn tỉnh hiện có 44 khu nuôi thương phẩm, 10 khu ương nuôi giống tập trung, quy mô 1.352,43ha; 1.853 lồng nuôi thâm canh trên sông và hồ chứa. Mặt khác, hệ thống đường cấp nước từ Ngòi Giành, đập Ngòi Lao chảy qua các huyện Hạ Hòa, Yên Lập, Cẩm Khê… đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư các khu nuôi ứng dụng công nghệ cao.Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tỉnh ta đã xác định phát triển thủy sản là một trong sáu chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm và có chính sách khuyến khích phát triển. Các địa phương, ngành chức năng thường xuyên tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn; kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích úng trũng trồng trọt kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trong đó chú trọng các khu vực ruộng úng trũng thuận lợi kết nối các công trình thủy lợi lớn như đập Ngòi Lao, hồ Ngòi Giành để có kế hoạch thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư thâm canh thủy sản gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quy mô hàng hóa lớn.Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến vào các khu nuôi trồng thủy sản tập trung để tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm và người nuôi. Thu hút mạnh đầu tư từ các doanh nghiệp để hình thành các vùng nuôi công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến sản phẩm thủy sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản đã được Chính phủ, tỉnh ban hành; rà soát, điều chỉnh các cơ chế chính sách về phát triển thủy sản phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành. Nghiên cứu, đề xuất chính sách tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển vùng hàng hóa tập trung...

Mô hình nuôi cá lăng đen (nheo Mỹ) trong hồ chứa Xuân Sơn của gia đình anh Phan Hữu Mai, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.Những năm gần đây, tỉnh đã cơ cấu lại sản xuất, đổi mới hình thức sản xuất, dịch vụ bằng việc thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào thủy sản theo chuỗi sản xuất - chế biến tiêu thụ. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh để các HTX thực sự đóng vai trò là cầu nối liên kết giữa các thành phần tham gia hoạt động hợp tác, liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm có thế mạnh đặc trưng của tỉnh như: Cá sông Đà, cá sông Lô, chép đỏ Thủy Trầm, cá chép Koi Phù Ninh, cá thính Tử Đà, Tôm càng xanh Văn Khúc, ốc nhồi, cua đồng, chạch đồng, cá tầm ao Giời Suối Tiên… từng bước phát triển quy mô để khai thác các tiềm năng diện tích mặt nước...Nâng tầm giá trịĐồng chí Nguyễn Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Việc thực hiện có hiệu quả đồng bộ các giải pháp trên đã góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có bước phát triển thực chất là nền tảng nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa tập trung và hiệu quả sản xuất thủy sản”.

Người dân xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn tận dụng mặt nước nuôi cá tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Chất lượng sản phẩm thủy sản của tỉnh từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong thị trường tiêu thụ các tỉnh phía Bắc. Toàn tỉnh hiện có bốn nhãn hiệu hàng hóa tập thể là cá sông Đà, cá sông Lô, cá thính Tử Đà, cá chép đỏ Thủy Trầm. Nhiều mô hình nuôi các đối tượng thủy sản bản địa, thủy sản đặc sản, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong thâm canh cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi cá trê đồng tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao quy mô 1.000m2, mật độ 10-12 con/m2, năng suất 1,2-1,4 tấn/1.000m2 tương đương 12-14 tấn/ha. Mô hình nuôi cá chuối hoa tại hộ ông Nguyễn Văn Đào xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao quy mô sáu lồng nuôi thể tích 90m3 năng suất 30kg/m3. Mô hình nuôi cua đồng trong ruộng lúa tại hộ ông Nguyễn Duy Thành khu 10, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, hộ ông Dương Văn Thủy khu 4, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa quy mô 1.000m2/điểm mật độ nuôi 20 con/m2, năng suất 240kg/1.000m2. Mô hình ương nuôi cá chép Koi tại hộ Nguyễn Thế Anh ở xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh quy mô 3.000-4.000 con cá Koi Nhật Bản thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng. Diện tích nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh đạt 90ha tập trung tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê có quy mô 60ha với khoảng 120 hộ nuôi, mật độ thả 3-5 con/m2, thời gian nuôi 6-8 tháng, kích cỡ thương phẩm từ 10-30con/kg, năng suất đạt 1,2-1,5 tấn/ha. Mô hình nuôi ương nuôi cá tầm tại gia đình anh Bùi Bích Phong xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa quy mô 10 bể trong đó sáu bể ương thể tích 6m3/bể và bốn bể nuôi thương phẩm thể tích 20m3 bể. Theo hình thức ương nuôi từ cá bột lên cá hương, cá giống, cá thương phẩm. Sau thời gian nuôi 15-18 tháng từ cá bột lên cá thương phẩm đạt kích cỡ 1,5-2kg/con, lợi nhuận trung bình từ 15-20 triệu đồng/tháng... Các mô hình đã góp phần đa dạng sản phẩm phục vụ thị hiếu người tiêu dùng gắn với hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm trên địa bàn.
Năm 2021, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 11.195,5ha, trong đó, diện tích chuyên nuôi ổn định 5.420ha (nuôi thâm canh đạt 2.350ha, nuôi bán thâm canh 3.070ha); nuôi tận dụng hồ chứa, ruộng một vụ 5.775,4ha (mặt nước lớn 2.480ha, ruộng 1 vụ 3.295,5ha). Tổng sản lượng thủy sản đạt 41.801,8 tấn, trong đó sản lượng nuôi 39.199,6 tấn, sản lượng khai thác tự nhiên 2.602,7 tấn. Tổng số lồng trên sông và hồ chứa đạt 1.995 lồng (200.474m3), trong đó có 1.853 lồng lưới (200.214m3). Tỉ lệ cá giống đặc sản, giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào nuôi chiếm 52% cơ cấu giống nuôi. Trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng thủy sản của tỉnh đứng thứ hai trong 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất thủy sản bền vững, trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả mặt nước để phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng nhanh giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản; đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng đạt 45,5 ngàn tấn, giá trị tăng thêm đạt trên 8%/năm, chiếm trên 8% trong cơ cấu ngành. Đây là điều kiện thuận lợi cho người dân trong tỉnh xây dựng thành công các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202203/nguon-loi-ben-vung-183260