Nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở
Đầu tư nguồn lực là yếu tố cơ bản để duy trì sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư nguồn lực cũng còn những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, giải quyết tốt hơn, để hệ thống thiết chế này ngày càng hoàn thiện, phát huy hiệu quả; thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo của nhân dân tại các cộng đồng dân cư hiện nay.
1. Thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở (sau đây gọi chung là thiết chế văn hóa cơ sở) là một mô hình văn hóa tổng hợp, đa chức năng nhằm duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; bao gồm cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao ở cơ sở cùng các cơ chế vận hành và các quy định quản lý, hoạt động; là tổ chức do chính quyền và nhân dân cơ sở tạo lập nên, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt chung của cộng đồng.
Theo quy định hiện hành, thiết chế văn hóa cơ sở phải đảm bảo các yếu tố: 1) Có địa điểm, cơ sở vật chất, có phương tiện trang thiết bị chuyên dùng; 2) Có tổ chức bộ máy hợp lý và cán bộ nghiệp vụ văn hóa thông tin, thể thao; 3) Có các cơ chế hoạt động và các chế độ đãi ngộ cần thiết; 4) Có đối tượng tham gia và nội dung, chương trình hoạt động thường xuyên.
Thực tiễn đã khẳng định hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của nhân dân, giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội của đất nước, của địa phương. Đồng thời, hệ thống thiết chế này đã khẳng định vai trò chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và là diện mạo văn hóa của mỗi địa phương, cộng đồng.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách về xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã xác định: “Phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở (...), phát triển phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật”.
Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2005 cả nước có 78% xã, phường có nhà văn hóa. Đó chính là điểm tựa vật chất, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc nâng cao đời sống tinh thần ở cơ sở. Các kỳ đại hội Đảng sau đó cũng đều xác định “Xúc tiến xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin với bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng”; “Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa”; “Huy động các nguồn lực và sức sáng tạo trong xã hội để đầu tư xây dựng các công trình và thiết chế văn hóa”...
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030” với quan điểm: Quy hoạch đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức bộ máy, cán bộ, hoạt động; tạo điều kiện để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao và vui chơi giải trí...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đã chỉ đạo ngành dọc ở các địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phù hợp với quy hoạch chung của cả nước trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế này; đề xuất trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm có nội dung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở... Cùng với đó là nhiều thông tư được ban hành liên quan đến tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), của nhà văn hóa - khu thể thao thôn, làng, khu phố (sau đây gọi chung là cấp thôn)...
2. Căn cứ vào chủ trương, định hướng của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ VH, TT&DL, những năm qua ngành VH, TT&DL đã đẩy mạnh việc hướng các hoạt động văn hóa thông tin về cơ sở; xác định rõ xã, phường, làng, bản, cụm dân cư là đơn vị cần tăng cường xây dựng các thiết chế về văn hóa. Theo đó, việc xây dựng nhà văn hóa ở cơ sở đã trở thành phong trào rộng khắp; phương thức xây dựng được tiến hành bằng nhiều biện pháp chủ động, linh hoạt, sáng tạo của từng địa phương - kết hợp vừa xây mới, vừa khôi phục tận dụng những thiết chế truyền thống sẵn có như đình làng. Hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp xã đến thôn, làng đã được đầu tư xây dựng, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Theo số liệu của Bộ VH, TT&DL, tính đến hết tháng 2/2023, nước ta có 8.217/10.599 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao (đạt tỷ lệ 76,8%), trong đó đạt chuẩn 5.625/8.158 (đạt tỷ lệ 68,9%); 77.380/98.455 làng, thôn, bản, ấp... có nhà văn hóa (đạt tỷ lệ khoảng 77%), trong đó có 44.836/77.380 đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 58%).
Cùng với các nguồn lực được đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế - văn hóa của mỗi địa phương..., thời gian qua, các cấp, các ngành cơ sở địa phương đã tích cực vận động, huy động sự đóng góp về sức người, sức của từ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, mua sắm trang thiết bị...
Nhìn chung, trong những năm qua, việc xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở từ cấp xã đến thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp; hoạt động khá hiệu quả.
Một là, đa số các trung tâm văn hóa, thể thao xã và nhà văn hóa thôn đã thực hiện quy hoạch theo hướng dẫn của Bộ VH, TT&DL. Về cơ bản các xã, phường, thị trấn đã có đủ phương tiện phục vụ các hoạt động văn hóa, thông tin của địa phương. Hầu hết các nhà văn hóa đều được trang bị vật dụng thiết yếu như: bàn, ghế, tăng âm, loa đài… để tổ chức các hoạt động hội họp, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao…
Hai là, việc xây dựng và tổ chức hoạt động đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...
Ba là, thiết chế văn hóa cơ sở đã trở thành là ngôi nhà chung của bà con dân cư. Vì vậy, mọi người đều nêu cao tinh thần làm chủ trong việc xây dựng và bảo vệ cơ sở vật chất, đồng thời nhiệt tình tham gia hoạt động các phong trào, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú trong cộng đồng.
Bốn là, thông qua hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và tuyên truyền phát thanh lưu động đã phục vụ tốt và kịp thời các nhiệm vụ, sự kiện chính trị lớn của cả nước, của tỉnh, huyện và xã. Hoạt động văn hóa - văn nghệ được tổ chức đa đạng, phong phú, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, nhất là trong các dịp lễ, tết, sinh hoạt hè. Hoạt động Câu lạc bộ, đội, nhóm đã từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng.
Năm là, đội ngũ cán bộ văn hóa - xã hội; phụ trách nhà văn hóa thường xuyên được củng cố; có tâm huyết và trách nhiệm với công việc; hằng năm đều được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; khắc phục mọi khó khăn đưa hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở ngày càng được nâng cao.
3. Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần được quan tâm giải quyết.
Về thực hiện xây dựng theo quy mô, tiêu chí quy định về tiêu chuẩn chung.
Việc thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở theo các tiêu chí cụ thể còn đạt mức độ thấp; các chỉ tiêu về số lượng, trình độ cán bộ và diện tích chưa đạt. Nhà văn hóa - khu thể thao tại một số cơ sở địa phương chưa đáp ứng quy định theo Thông tư của Bộ VH, TT&DL; cơ chế, bộ máy tổ chức chưa được kiện toàn. Một số trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng vị trí chưa phù hợp - còn ở xa khu dân cư; quy mô, kiến trúc, diện tích, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Tại các khu vực đô thị (nhất là các đô thị, thành phố có mật độ dân cư đông), vùng thấp và vùng cao gặp rất nhiều khó khăn trong bố trí địa điểm các trung tâm sinh hoạt cộng đồng do khó khăn về quỹ đất xây dựng. Vì thế, một số nhà văn hóa có diện tích khá nhỏ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cũng như tổ chức các hoạt động cộng đồng. Còn thiếu các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em...
Về nguồn lực đầu tư, phát triển thiết chế văn hóa cơ sở.
Nhìn chung, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn nhiều hạn chế. Không ít địa phương đã quy hoạch được quỹ đất nhưng không có kinh phí để xây dựng thiết chế văn hóa, nhất là ở những địa điểm có dân số ít, thuần nông, đời sống kinh tế khó khăn - rất khó huy động được kinh phí đóng góp từ người dân cũng như các hoạt động xã hội hóa.
Mức hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở ở nhiều nơi còn thấp so với tổng số kinh phí xây dựng mới và đầu tư, trang bị cơ sở vật chất trong tình hình hiện nay. Cùng với đó là sự hạn hẹp về kinh phí hoạt động; không có nguồn cho hoạt động thường xuyên, hoặc nếu có thì cũng rất ít. Công tác vận động xã hội hóa chưa được chú trọng đúng mức và đúng cách.
Về cán bộ hướng dẫn và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.
Đội ngũ cán bộ văn hóa - xã hội, chủ nhiệm trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn đa số là công chức văn hóa cấp xã kiêm nhiệm nên còn nhiều bất cập trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác quản lý, hoạt động thiếu chặt chẽ, thiếu sự quan tâm và tâm huyết. Trình độ, năng lực không đồng đều lại thường xuyên biến động do luân chuyển cán bộ, dẫn đến nhiều địa phương bố trí cán bộ phụ trách không đúng năng lực, sở trường và chuyên ngành đào tạo.
Đa số cán bộ phụ trách thiết chế văn hóa cơ sở tại cấp thôn hiện chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Các nhà văn hóa - khu thể thao cấp thôn hầu như không có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ phụ trách. Do đó, công tác quản lý, tổ chức và hoạt động còn thiếu tính chủ động, chưa thường xuyên; việc điều hành hoạt động và phối hợp với các ngành, đoàn thể trong tổ chức sinh hoạt hội, đoàn chưa cao, chưa phát huy tốt điều kiện cơ sở vật chất.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Hệ thống thiết chế và các trang thiết bị ở nhiều nơi sau quá trình sử dụng đã xuống cấp nhưng chưa không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Không ít địa phương sử dụng sai mục đích kinh phí đầu tư cho thiết chế văn hóa cơ sở từ nguồn Chương trình mục tiêu về văn hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh hạn chế về ý thức bảo quản, giữ gìn và sử dụng tài sản chung; cơ sở vật chất ở một số cơ sở còn thiếu thốn, chắp vá, nên không đáp ứng được các hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng.
Một số địa phương đã huy động quá cao kinh phí đóng góp của cư dân (thậm chí có nơi mức đóng góp của người dân cao hơn mức thu nhập). Bởi vậy, bên cạnh việc không “mặn mà” với thiết chế văn hóa cơ sở, một bộ phận người dân đã phản đối và “quay lưng” với công việc chung. Điều này dẫn đến tình trạng: có những nơi sau khi xây dựng được thiết chế văn hóa cơ sở theo đúng quy định, nhưng không còn kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động; không thu hút được đông đảo nhân dân tham gia các sinh hoạt cộng đồng...
Về nội dung, chương trình hoạt động.
Nhìn chung, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở chưa đồng đều; chưa phát huy hết vai trò, chức năng là trung tâm văn hóa - thể thao hay trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng; chưa sử dụng hết công năng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động được giao.
Nội dung hoạt động của các thiết chế văn hóa cấp xã và cấp thôn ở nhiều địa phương còn sơ sài, nghèo nàn; mới chỉ quan tâm đến hoạt động trọng điểm mà chưa tổ chức hoạt động thường xuyên, chưa thể hiện vai trò chủ động trong tổ chức, hướng dẫn hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng lối sống, nếp sống văn minh trên địa bàn; chưa đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các hoạt động văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, nhi đồng.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập: 1) Nhận thức về vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương còn hạn chế. 2) Công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền về tổ chức các hoạt động của hệ thống thiết chế này chưa thường xuyên, thiếu kịp thời. 3) Khó khăn về nguồn kinh phí. 4) Chưa khoa học, thiếu bài bản và tính thực tiễn trong quy hoạch xây dựng và đầu tư. 5) Bất cập, hạn chế về công tác bố trí cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở; về chế độ phụ cấp - bồi dưỡng; về năng lực, trình độ của cán bộ phụ trách...
4. Đề xuất một số giải pháp khắc phục.
Thứ nhất, Nhà nước tạo điều kiện để thực hiện xã hội hóa đối với việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Các thiết chế do Nhà nước trực tiếp quản lý phải được tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và thực hiện chế độ tự chủ tài chính để thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, chỉ đạo. Đối với các thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng nghèo, miền núi, Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí 100%, kể cả xây dựng cơ bản và đầu tư mua sắm trang thiết bị.
Thứ hai, phải thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm huy động mọi nguồn lực trong nhân dân và các thành phần xã hội tham gia. Xã hội hóa để xây dựng thiết chế văn hóa và có thiết chế văn hóa mới tạo điều kiện cho phát triển hoạt động văn hóa và là chỗ dựa cho việc xã hội hóa cũng như hoạt động văn hóa ngày càng tốt hơn.
Thứ ba, xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phải đồng bộ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các thiết chế phải đáp ứng tính thẩm mỹ, tiện lợi; có kiến trúc phù hợp với từng địa phương; được xây dựng ở vị trí thuận lợi cho sinh hoạt cộng đồng. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đi đôi với tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ và đổi mới cơ chế quản lý, đảm bảo nội dung hoạt động phong phú, đa dạng, có hiệu quả.
Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước của ngành VH, TT&DL và đề cao trách nhiệm các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đối với việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Hằng năm, các cấp cần dành ngân sách cần thiết cho hoạt động và việc duy tu, bảo dưỡng; từng bước nâng cấp trang thiết bị phù hợp, đảm bảo các hạng mục công trình, xứng đáng là công trình giáo dục văn hóa ngoài nhà trường.
Thứ năm, vận dụng điều kiện thực tế cơ sở, việc xây dựng các thiết chế văn hóa cần gắn với đặc thù dân tộc, vùng miền của các địa phương; phù hợp với nguyện vọng, tập quán truyền thống, tránh áp đặt, rập khuôn máy móc dẫn đến không phát huy được hiệu quả sử dụng. Cần tính đến nhu cầu chung và khả năng kinh tế của địa phương khi xây dựng các thiết chế văn hóa; tránh xây dựng tràn lan, khai thác không hiệu quả.
Thứ sáu, tổ chức bộ máy theo nguyên tắc chuyên nghiệp hóa cao tất cả các bộ phận trong cơ cấu của một thiết chế văn hóa, thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, lựa chọn cán bộ biết tổ chức, tập hợp lực lượng quần chúng, có tâm huyết với sự nghiệp văn hóa, gắn bó với phong trào và cơ sở. Cán bộ phải thường xuyên được bồi dưỡng tập huấn, trang bị kiến thức quản lý và tổ chức hoạt động phong trào; có chính sách đãi ngộ hợp lý.
Thứ bảy, có cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư và đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa về sử dụng điện, nước, đảm bảo ánh sáng, vệ sinh, trật tự công cộng thông qua các loại phí dịch vụ hợp lý đối với các công trình văn hóa như một công trình phúc lợi xã hội, không phải một hoạt động kinh tế đơn thuần; khuyến khích việc tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị và đúng với quy định của pháp luật./.
Để hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa; phát huy vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới; góp phần phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở... đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham mưu, tác nghiệp nỗ lực của ngành VH, TT&DL. Hoạt động của sự nghiệp văn hóa nói chung và của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nói riêng sẽ góp phần đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
TS. HOÀNG THỊ BÌNH
Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam