Nguồn lực giúp Hà Giang phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong điều kiện tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn, Hà Giang xác định nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện hạ tầng nông thôn; tạo sinh kế, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều thôn vùng cao ở Hà Giang được đầu tư làm đường bê-tông.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều thôn vùng cao ở Hà Giang được đầu tư làm đường bê-tông.

Do đó, ngay khi chương trình được triển khai, tỉnh đã khẩn trương quán triệt, phổ biến các văn bản chỉ đạo, giải pháp thực hiện; lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc với các ngành chức năng, địa phương để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn để chương trình đạt kết quả cao nhất.

Tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự nỗ lực của chính quyền các cấp, Hà Giang đã từng bước tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Một trong những dự án có tiến độ giải ngân cao nhất là dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những lớp học xóa mù ở Hà Giang được triển khai từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những lớp học xóa mù ở Hà Giang được triển khai từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, việc dự án 4 có kết quả giải ngân cao so với các dự án trong chương trình là nhờ các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc, kiểm tra các ngành, địa phương để đốc thúc tiến độ; giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn. Bên cạnh đó, dự án này khi triển khai cũng gặp thuận lợi do các quy định, hướng dẫn của bộ ngành Trung ương rõ ràng, các công trình được thực hiện theo Luật đầu tư công và đều có các đơn vị tư vấn thực hiện.

Kết quả, năm 2023, các huyện đã đầu tư 471 công trình, chủ yếu là các công trình xây mới, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu của cộng đồng như đường giao thông nông thôn, kéo điện cho các thôn vùng cao, trường học, trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tổng nguồn vốn dự án được giao là hơn 726 tỷ đồng, đến cuối năm đã thực hiện giải ngân hơn 568 tỷ, đạt hơn 78% kế hoạch.

Việc triển khai tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế, thuộc dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” được các địa phương triển khai tích cực, phát huy hiệu quả.

Các xã, thị trấn đã chủ động hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân đăng ký tham gia dự án; thành lập các tổ cộng đồng thôn để hỗ trợ người dân và thực hiện công tác quản lý dự án.

Yên Cư là thôn vùng cao được thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê chọn thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế. Đây là thôn vùng cao, đặc biệt khó khăn với 57 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 26 hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Bồn Văn Đạt, Trưởng thôn Yên Cư cho biết: “Khi xã chọn thôn thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế. Thôn đã họp bàn với người dân xem xét, lựa chọn 24 hộ nghèo, cận nghèo hưởng lợi và cùng thống nhất lựa chọn mô hình nuôi bò sinh sản. Thôn cũng đã thành lập tổ cộng đồng để hướng dẫn người dân làm thủ tục, liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng giống bò sinh sản có uy tín để mua về nuôi”.

Tháng 11/2023, 24 hộ dân thôn Yên Cư đã mua 49 con bò sinh sản. Chính quyền thị trấn cũng cử cán bộ nông nghiệp xuống hướng dẫn người dân trồng cỏ chăn nuôi, cách chăm sóc, tiêm phòng bệnh tật. Đến nay, đàn bò phát triển tốt và đã đẻ thêm được 12 con bê. Nhờ dự án nên đàn đại gia súc ở thôn đã tăng lên hơn 210 con, hộ nào trong thôn cũng có trâu, bò để nuôi, tạo cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo có giống gia súc để phát triển kinh tế.

Gia đình anh Đặng Văn Dền, thôn Yên Cư, thị trấn Yên Phú, là hộ được bình xét tham gia dự án. Gia đình anh được hỗ trợ mua 2 con bò sinh sản, mỗi con trị giá hơn 18 triệu đồng.

Anh Đặng Văn Dền cho biết: “Từ nguồn vốn dự án và vốn đối ứng của gia đình, tôi đã mua được 2 con bò sinh sản đã trưởng thành, gia đình cũng trồng thêm cỏ để chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Do đó, 2 con bò giống phát triển tốt và 1 con sắp đẻ. Có cặp bò sinh sản của dự án sẽ giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập, thoát nghèo”.

Gia đình anh Đặng Văn Dền, thôn Yên Cư, thị trấn Yên Phú được hỗ trợ mua bò sinh sản.

Gia đình anh Đặng Văn Dền, thôn Yên Cư, thị trấn Yên Phú được hỗ trợ mua bò sinh sản.

Không chỉ gia đình anh Đặng Văn Dền, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo ở Hà Giang đã có giống gia súc chăn nuôi. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện 484 dự án đa dạng hóa sinh kế, bình quân mỗi dự án có từ 20 đến 25 hộ tham gia, các dự án chủ yếu hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi gia súc như bò, ngựa, dê, lợn sinh sản.

Năm 2023, Hà Giang đã giải ngân được hơn 1.416 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua các dự án đầu tư đã góp phần giúp các địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chương trình tại Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn. Tổng vốn giao năm 2023 của tỉnh là hơn 2.930 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm mới chỉ giải ngân được 48% kế hoạch. Nhiều dự án, tiểu dự án giải ngân chậm hoặc chưa thể giải ngân.

Nguyên nhân là do nhiều dự án, tiểu dự án chậm có hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành Trung ương; việc hướng dẫn thực hiện không rõ ràng, cụ thể nên gây khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Đồng chí Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết: “Đây là chương trình có sự phân cấp triển khai rất cao về huyện, xã. Trong quá trình triển khai chương trình lại có rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Trung ương và địa phương dồn về cơ sở, trong khi đó trình độ năng lực, số lượng cán bộ cơ sở hạn chế dẫn đến cán bộ chưa hiểu đúng, nắm sâu về chương trình, từ đó khó khăn trong quá trình thực hiện, giải ngân vốn”.

Gia đình anh Lầu Mí Pó, thôn Chó Do, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc được hỗ trợ tiền để xóa nhà tạm, ổn định cuộc sống.

Gia đình anh Lầu Mí Pó, thôn Chó Do, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc được hỗ trợ tiền để xóa nhà tạm, ổn định cuộc sống.

Điển hình như tại dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. Theo kế hoạch, huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì thực hiện 2 tiểu dự án “phát triển vùng trồng dược liệu quý” với vốn khoảng 100 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, 2 tiểu dự án này đến nay vẫn chưa triển khai.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Xuyên cho biết: “Huyện được phân cấp triển khai dự án đầu tư vùng nhân giống, bảo tồn cây dược liệu. Năm 2023, huyện đã có văn bản mời gọi các doanh nghiệp tham gia dự án, đã có 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ. Mặc dù vậy, đến nay việc thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện. Lý do là lĩnh vực nhân giống, bảo tồn dược liệu liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu, trong khi đó, các phòng chức năng của huyện nhân lực còn hạn chế, chưa đủ năng lực để thẩm định. Do đó, hiện nay huyện mới đang có văn bản đề nghị các sở, ngành chức năng của tỉnh cùng phối hợp với địa phương thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp”.

Hiện nay, Trung ương giao nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho người dân cao hơn nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó nhiều dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho người dân không phát huy hiệu quả hoặc người dân không còn nhu cầu.

Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi rà soát, tỉnh có hơn 190 tỷ đồng vốn sự nghiệp của năm 2023 không thể giải ngân do người dân không còn nhu cầu hỗ trợ. Trong khi đó, tỉnh lại rất cần nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, công trình nước.

Do đó, tỉnh Hà Giang đã đề nghị Trung ương tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho các địa phương được chuyển nguồn vốn sự nghiệp đầu tư không hiệu quả hoặc người dân không còn nhu cầu sử dụng sang vốn đầu tư để thực hiện các dự án hiệu quả hơn nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu của chương trình, địa bàn, đối tượng thụ hưởng.

Tại Hà Giang cho thấy, nhiều dự án thuộc chương trình khi triển khai cần có nguồn vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương. Trong khi đó, ở những tỉnh vùng cao nghèo như Hà Giang, nguồn vốn ngân sách rất hạn chế. Nguồn lực đầu tư của tỉnh đều tập trung để thực hiện các chương trình đột phá của tỉnh. Do đó, nguồn vốn đối ứng gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế đó, Hà Giang cũng đề nghị Trung ương có cơ chế hỗ trợ cho các tỉnh vùng cao, tỉnh nghèo nguồn vốn đối ứng thực hiện chương trình.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguon-luc-giup-ha-giang-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post812989.html