Nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự phát triển
Lâm Đồng hướng đến việc xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng, đạt về chất lượng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tháng 4/2017, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 09 về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tiếp đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có Kế hoạch số 5713 ngày 30/8/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Chuẩn hóa đội ngũ CBCCVC
Mục tiêu chung của tỉnh là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu; xây dựng đội ngũ CBCCVC đủ về số lượng, có năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức, phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tính đến đầu năm nay, tổng số công chức hành chính từ cấp huyện trở lên có 2.596 người, trong đó nữ chiếm 32,6%. Với cấp xã, toàn tỉnh có 1.437 công chức tính đến thời điểm đầu năm nay. Khối viên chức, toàn tỉnh có 25.189 người, trong đó nữ chiếm đến 70,4%.
Thực hiện việc chuẩn hóa theo yêu cầu của tỉnh, đến nay trong số công chức hành chính từ cấp huyện trở lên, đã có 2.201 người có trình độ đại học (chiếm trên 84,7%), trong đó toàn bộ 100% cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và cấp huyện đều có bằng đại học, có cao cấp lý luận chính trị; 90% cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; trên 98% công chức hành chính đạt chuẩn theo qui định; có 9,6% công chức hành chính có trình độ trên đại học; 100% cán bộ, công chức sử dụng được máy tính trong hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn; có 73,6% công chức có chứng chỉ tiếng Anh.
Cùng đó, toàn bộ 100% viên chức của tỉnh đạt và vượt chuẩn chuyên môn chức danh nghề nghiệp theo qui định.
Với công chức cấp xã, đã có 935 người tốt nghiệp đại học và sau đại học, đạt tỷ lệ trên 65%. Đã có 58,4% công chức cấp xã qua trung cấp lý luận chính trị; 63,8% qua ngạch chuyên viên; phần lớn đã qua đào tạo về tin học, có 17,4% đã qua đào tạo tiếng dân tộc thiểu số.
Đến nay, hầu hết các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã phê duyệt và bố trí công chức, viên chức (CCVC) theo đúng đề án vị trí việc làm, bản mô tả công việc đã được phê duyệt, phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng
Nhằm xây dựng đội ngũ CBCCVC trong tỉnh có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn theo chức danh, theo ngạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra của các cơ quan, đơn vị, hằng năm tỉnh đều có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Tính từ năm 2010 đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã cử nhiều lượt CBCCVC đi đào tạo nâng cao trình độ. Cụ thể, đào tạo tiến sỹ 43 người; thạc sỹ 949 người; đại học 4.943 người; cao đẳng 3.104 người; trung cấp 1.807 người. Về chính trị, đã cử 8 người đi học cử nhân, 1.528 người học cao cấp, học trung cấp 3.321 người, học sơ cấp 306 người, cử tham gia bồi dưỡng 1.181 người. Về quản lý nhà nước, cử 8 người học chuyên viên cao cấp, 745 người học chuyên viên chính, chuyên viên 2.448 người. Tỉnh cũng cử 3.426 người học ngoại ngữ, 3.717 người học tin học và 2.151 người học tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ cho công việc.
Bên cạnh đào tạo, tỉnh còn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm; bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, đạo đức công vụ cho công chức các cấp, các ngành. Tính từ năm 2011 đến nay, đã có trên 33.220 lượt cán bộ, công chức (CBCC) tham gia các lớp bồi dưỡng này.
Tỉnh trong nhiều năm nay có nhiều chương trình liên kết cử CBCCVC đào tạo trong hầu hết các ngành như hành chính, y tế, giáo dục, kỹ thuật, công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính… tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Đến nay Lâm Đồng đã ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Đại học Lâm nghiệp… cùng nhiều trường đại học khác trong nước cho chương trình đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học; gửi đi đào tạo sau đại học với các lớp học tổ chức của tỉnh trong các chuyên ngành như quản trị kinh doanh, môi trường, trồng trọt, lâm nghiệp, thú y, quản lý đất đai, kinh tế nông nghiệp, luật, tài chính - ngân hàng, quản lý giáo dục… Toàn tỉnh đến nay đã có 821 người đào tạo sau đại học theo các chương trình này, trong đó có 2 người đã làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Với công chức cấp xã, đã có hằng nghìn CBCC cấp xã tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng theo Đề án tiếp tục củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.
Hoàn thiện mạng lưới đào tạo nghề
Cùng với đội ngũ CBCCVC, tỉnh trong những năm qua cũng đẩy mạnh công tác đào tạo lao động trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh.
Trong giai đoạn 2017 - 2019, toàn tỉnh đã đào tạo cho 113.550 người, tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 67%. Riêng trong năm 2020, dự kiến đào tạo khoảng 27,2 nghìn người, giảm 10 nghìn người so với kế hoạch. Nếu tính chung, từ 2017 đến nay, Lâm Đồng đào tạo được 144.900 người, tỉ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, trong đó qua đào tạo nghề đạt khoảng 53%.
Điểm nổi bật nhất, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, chính là hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được hoàn thiện rộng khắp trên địa bàn cả tỉnh, đến nay không còn huyện nào không có cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong 3 năm từ 2017-2019, từ nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho trên 7.100 lao động, trong đó lao động học nghề nông nghiệp trên 5.100 người, số còn lại học nghề phi nông nghiệp. Hầu hết những lao động này học xong đều có việc làm, được doanh nghiệp tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm hay tự tạo việc làm, hình thành các tổ hợp tác sản xuất, gia công hàng hóa cho doanh nghiệp hay thành lập hợp tác xã ở khu vực nông thôn.
Tỉnh cũng đã hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp đào tạo nghề cho gần 1.300 lao động, trong đó có 328 người dân tộc thiểu số, sau đào tạo hầu hết các lao động này được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp.
Định hướng đến 2025
Yêu cầu của tỉnh, trong thời gian đến, trong khối CBCCVC, toàn bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý, CCVC, cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã phải đạt chuẩn theo quy định, trong đó CBCC cấp xã ít nhất 50% đạt trình độ đại học; 100% CBCCVC biết ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; có ít nhất 10% công chức hành chính có trình độ trên đại học; bảo đảm hằng năm 80% CBCC được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ. Tỉnh cũng yêu cầu 100% CBCCVC phải đáp ứng tiêu chuẩn qui định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; phấn đấu 60% viên chức được bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp; 70% viên chức quy hoạch chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm.
Về đào tạo người lao động, tỉnh đặt ra mục tiêu trên 63,5% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành nông nghiệp; thu hút khoảng 15 nghìn lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, trong đó có 85% lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ.
Tỉnh cũng cho biết sẽ quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế, xây dựng đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo, có trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm; tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ doanh nhân nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý và hội nhập quốc tế... hướng tới phát triển được một số doanh nghiệp mạnh, tập đoàn kinh tế lớn của địa phương.