Nguồn nước nhiễm mặn nghiêm trọng, TP.Đà Nẵng 'báo động đỏ'
Dawaco cho biết, nhiều vùng tại TP.Đà Nẵng sẽ thiếu và yếu nước. Công ty này cũng công bố đường dây nóng hỗ trợ thông tin và mong muốn người dân tiết kiệm nước.
Thông tin từ sở TN&MT TP.Đà Nẵng, so với cùng kỳ năm 2018 thì tình trạng xâm nhập mặn trong năm 2019 tại cửa thu nước Cầu Đỏ diễn ra dài ngày hơn và xâm nhập mặn gay gắt, phức tạp hơn. Thực trạng này đã khiến nhu cầu cấp nước cho toàn TP.Đà Nẵng nâng lên mức báo động.
Theo công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), tính đến 16h30 ngày 19/8, nguồn nước thô tại cửa thu nước nhà máy nước Cầu Đỏ có độ mặn lên đến hơn 1.200mg/l. Do đó, việc cấp nước trên toàn TP.Đà Nẵng trở nên rất khó khăn.
Tại một số khu vực thuộc cuối nguồn như phường Hòa Quý, phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn); phường An Hải Bắc, phường Mân Thái, phường Nại Hiên Đông, phường Thọ Quang, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà); phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu); phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) và một số xã của huyện Hòa Vang... nước sẽ thiếu và yếu.
Ông Hương Hồ, Tổng Giám đốc Dawaco chia sẻ rằng, để khắc phục tình trạng đó, Dawaco tiếp tục khai thác tối đa công suất tại các nhà máy, đồng thời điều tiết nước trên mạng lưới.
Cạnh đó, khi về đêm Dawaco sẽ giảm áp lực và lưu lượng khu vực quận Hải Châu và một phần quận Thanh Khê để tăng áp lực cho khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu.
Ngành nước TP.Đà Nẵng cũng phát đi thông cáo trên diện rộng về tình hình cấp nước. Qua đó, mong muốn người dân ở khu vực nước còn yếu có biện pháp lấy nước và dự trữ từ khoảng 23h30 hàng ngày cho sinh hoạt.
Người dân cũng có thể liên hệ số điện thoại đường dây nóng: 0898 190053 để được hỗ trợ thông tin. Dawaco cũng mong người dân các khu vực đã có nước sử dụng nước tiết kiệm để chia sẻ nguồn nước với khu vực còn thiếu nước.
Cũng trong ngày 19/8, TP.Đà Nẵng đã liên hệ với công ty CP Thủy điện A Vương đề nghị hồ thủy điện A Vương tăng việc xả nước về sông Vu Gia để đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ.
Hạ nguồn nhiễm mặn đe dọa đến an ninh nguồn nước của hơn 1 triệu dân TP.Đà Nẵng thì trong khi đó, thượng nguồn cũng đang lâm cảnh éo le.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, công ty CP Thủy điện A Vương từ ngày 13 - 19/8, hồ thủy điện Sông Bung 4 giảm lưu lượng xả nước về hạ du sông Vu Gia do trữ lượng tích nước đã xuống dưới mực nước chết hơn 1m.
Mực nước sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bị hạ thấp, đe dọa an toàn cấp nước sinh hoạt, sản xuất ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.
Trước tình hình đó, công ty CP Thủy điện A Vương và trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã chủ động phối hợp vận hành tăng lưu lượng xả nước từ hồ thủy điện A Vương về sông Vu Gia, có lúc duy trì xả nước với lưu lượng lên đến 75m3/s trong nhiều giờ.
Mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa quá thấp do đã nhiều ngày không có mưa. Với dung tích nước còn lại trong hồ khoảng 40 triệu m3, Thủy điện A Vương bảo đảm vận hành xả nước đến sau ngày 31/8. Sau đó với lưu lượng nước về hồ quá thấp, thì khó có đủ nước để cấp cho hạ du.
Trước tình hình cạn kiệt nguồn nước tại hồ chứa Sông Bung 4 và dự báo trong thời gian tới, lưu lượng nước về hồ Sông Bung 4 vẫn chưa được cải thiện, công ty Thủy điện Sông Bung ,đã có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng xem xét cho phép hồ Sông Bung 4 vận hành cấp nước hạ du trong khả năng của tổ máy theo lưu lượng nước thực tế về hồ.
Với điều kiện vận hành mực nước hồ thấp hơn mực nước chết, công tác vận hành xả nước qua phát điện của các tổ máy sẽ gặp nhiều khó khăn do liên quan đến đặc tính kỹ thuật của tổ máy khi làm việc trong vùng cột nước thấp.
Mực nước vào ngày 16/8 tại hồ Sông Bung 4 là 203,79m, dưới mực nước chết là 1,21m và thấp hơn mực nước yêu cầu tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là 1,51m.
Lượng nước thiếu hụt tại hồ Sông Bung 4 so với yêu cầu tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là 15,65 triệu m3.
Nguồn nước còn lại tại hồ A Vương và Đắk Mi 4 mặc dù hiện tại đủ so với quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, nhưng sẽ nhanh chóng xuống dưới mực nước chết nếu tiếp tục tham gia phát điện và lưu lượng nước về hồ thấp như hiện nay.
Với những số liệu trên, thời gian đến việc cấp nước cho TP.Đà Nẵng sẽ cực kỳ khó khăn. Thiết nghĩ, người dân cần nắm rõ thông tin trên để dùng, trữ và san sẻ nước sinh hoạt một cách hợp lý, tiết kiệm!
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!