Nguồn sức mạnh nội sinh phát triển đất nước

Ngày 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng được tổ chức, nhằm tiếp tục phát huy vai trò dẫn hướng, soi đường của văn hóa trước thời cơ, thách thức của giai đoạn phát triển mới. Đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà quản lý, khoa học đã gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng vào những quyết sách quan trọng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới

Hội nghị Văn hóa toàn quốc mang ý nghĩa đặc biệt, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng dân tộc, “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa”, “phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”, “từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”. Để hiện thực hóa điều này, theo tôi, cần tập trung vào các nhóm giải pháp, với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất cùng những giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế.

Đó là, phải đặc biệt coi trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa truyền thống. Lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa Việt Nam, củng cố giá trị văn hóa Việt Nam trong lòng nhân dân thế giới. Khẩn trương nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới…

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam:
Để văn hóa, văn nghệ soi đường cho quốc dân đi

“Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, văn nghệ đã thảo luận, đề ra những giải pháp khả thi, thiết thực để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; để văn hóa, văn nghệ thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng nhất, soi đường cho quốc dân đi.

Nhân sự kiện trọng đại này, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam kiến nghị có nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, đóng vai trò định hướng, mở đường cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới; ban hành Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, giải pháp đột phá, kế hoạch triển khai...

Về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, chúng tôi cho rằng cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: Tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp; chăm lo sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ…

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):
Tiêu chí quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững đất nước

Thực tiễn đã minh chứng quan điểm của Đảng về vai trò nền tảng và động lực tinh thần của văn hóa. Càng ngày, chúng ta càng nhận ra sự phát triển kinh tế - xã hội phải song hành và hướng đến mục tiêu văn hóa. Sự phát triển của văn hóa phải được xem là tiêu chí quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững đất nước.

Việc đưa ra những quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn là vô cùng quan trọng, nhưng việc triển khai những quan điểm đó cũng quan trọng không kém. Trong đó, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cần được nhận thức một cách đầy đủ hơn, đúng đắn hơn. Những biểu hiện suy thoái trong văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo; những bất cập trong khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương cần được nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ để có giải pháp khắc phục.

Cuối cùng, hãy nhận thấy những giá trị to lớn của văn hóa nói chung, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng đối với phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, bởi đây là một nguồn lực quý giá của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thức, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương:
Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã góp phần đáp ứng mong mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật cũng như các tầng lớp nhân dân về vấn đề chấn hưng, phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới.

Những quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc phát huy mọi năng lực sáng tạo, tranh thủ mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển văn hóa đối ngoại, để văn hóa thực sự là sức mạnh mềm của quốc gia trong các quan hệ quốc tế, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người phát triển toàn diện.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1018486/nguon-suc-manh-noi-sinh-phat-trien-dat-nuoc