Nguồn tài chính của Hamas vẫn vững chắc bất chấp cuộc chiến với Israel
Khi Israel theo đuổi mục tiêu quân sự của mình, việc làm suy yếu nguồn thu của Hamas cũng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.
Theo hãng tin AFP ngày 18/12, Hamas đã là tâm điểm của cuộc tấn công không ngừng từ Israel vào Gaza nhưng với nguồn tài chính linh hoạt và đa dạng, tổ chức này dự kiến sẽ có sẵn một nguồn lực chiến tranh đáng kể khi xung đột kéo dài.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố sẽ tiêu diệt phong trào Hồi giáo Palestine đứng đằng sau vụ tấn công ngày 7/10 - vụ tấn công nguy hiểm nhất trong lịch sử nước này.
Theo Israel, các tay súng Hamas đã sát hại khoảng 1200 người - hầu hết là dân thường - và bắt khoảng 250 con tin đưa về Dải Gaza, nơi 129 người được cho là vẫn đang bị giam giữ.
Cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành thông báo, trong hai tháng qua, 18.800 người - chủ yếu là phụ nữ và trẻ em - đã thiệt mạng do các vụ tấn công trả đũa của Israel ở Dải Gaza.
Nhưng khi Israel theo đuổi mục tiêu quân sự của mình, việc làm suy yếu nguồn thu của Hamas cũng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.
"Hamas có nền tảng tài chính vững chắc", Jessica Davis, Chủ tịch tập đoàn Canada Insight Threat Intelligence, nói với AFP.
"Trong thập kỷ qua, thậm chí dài hơn, họ đã tạo ra một mạng lưới tài chính linh hoạt", bà Jessica nói và giải thích rằng Hamas đã thiết lập các khoản đầu tư và nguồn thu nhập ở nhiều quốc gia mà không bị gián đoạn.
Những nguồn này bao gồm "doanh nghiệp nhỏ và bất động sản" ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Sudan và Algeria, theo chuyên gia Jessica.
Ngoài ra, Hamas cũng dựa vào mạng lưới quyên góp không chính thức.
Yitzhak Gal, một chuyên gia người Israel về nền kinh tế Palestine, cho biết họ (Hamas) đã trở nên "rất giỏi trong việc phát triển và vận hành một hệ thống đổi tiền rất phức tạp".
Số lượng nhà tài trợ cho Hamas không hề giảm kể từ ngày 7/10.
"Bất chấp những hành động bạo lực, Hamas dường như đã nhận được sự ủng hộ của một số bộ phận dân cư nhất định trên toàn thế giới với tư cách là đội tiên phong trong cuộc kháng chiến chống Israel", Lucas Webber, người đồng sáng lập trang web Militant Wire, giải thích.
Theo các quan chức phương Tây, trong nhiều năm, người ủng hộ chính cho nhóm này là Tehran. Các ước tính đưa ra mức đóng góp hàng năm của Iran vào khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu USD, thông qua nhiều nguồn khác nhau bao gồm thanh toán bằng tiền điện tử, tiền mặt và chuyển khoản qua ngân hàng nước ngoài hoặc các hệ thống không chính thức được gọi là "hawala".
Chuyên gia Gal lưu ý, viện trợ của Iran dưới dạng thiết bị quân sự đã được chuyển từ Ai Cập trong nhiều năm qua qua các đường hầm giữa Gaza và sa mạc Sinai, hiện đã bị phong tỏa.
Ông Gal, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Mitvim, cho biết trong số ngân sách 2,5 tỷ USD của Dải Gaza, 1,1 tỷ USD đến từ Chính quyền Palestine, với sự đồng ý của Israel.
Cộng đồng quốc tế cũng tài trợ cho UNRWA, cơ quan của Liên hợp quốc về người tị nạn.
Qatar trả lương cho công chức, chẳng hạn như bác sĩ và giáo viên, đồng thời cấp 100 USD mỗi tháng cho 100.000 gia đình nghèo nhất ở Gaza - với tổng số tiền thanh toán là 1,49 tỷ USD từ năm 2012 đến năm 2021, theo Doha.
Vào năm 2021, vương quốc giàu khí đốt, nơi đặt văn phòng chính trị Hamas ở thủ đô của mình với sự ủng hộ của Mỹ, đã cam kết tài trợ 360 triệu USD hàng năm cho Dải Gaza.
Tuy nhiên, Doha phủ nhận việc cung cấp viện trợ tài chính cho Hamas. "Không có ngoại lệ, tất cả viện trợ của Qatar đều được phối hợp hoàn toàn với Israel, chính phủ Mỹ và Liên hợp quốc", một quan chức Qatar nói với AFP.
"Tất cả hàng hóa như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu đều đi thẳng qua Israel trước khi vào Gaza", vị quan chức khẳng định.
Tuần trước, nhà đàm phán và nhà ngoại giao hàng đầu của Qatar, Abdulaziz Al-Khulaifi, cho biết rằng việc tài trợ của các quốc gia Vùng Vịnh này cho Gaza sẽ tiếp tục.
Vào tháng 10, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 10 "thành viên chủ chốt của Hamas" và phương Tây đang xem xét các biện pháp cưỡng chế. Nhưng việc cắt đứt hoàn toàn các mối liên hệ của Hamas có thể sẽ là điều không thể.
"Triển vọng về việc nguồn tài chính của Hamas chặn hoàn toàn trong thời gian dài là không thực tế", bà Jessica nói.
Về phần mình, chuyên gia Gal giải thích hệ thống tài chính của Hamas trong tương lai cũng sẽ liên quan đến việc giải quyết vấn đề Gaza: "Gaza hiện là một trại tị nạn lớn. Ai sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thực phẩm, nước uống và nơi trú ẩn cho những người tị nạn này, Hamas hay tổ chức khác, cơ chế khác?".