Nguồn tài chính quan trọng đối với những nước đang phát triển

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các quốc đảo nhỏ đang phát triển cần khoảng từ 4,7-7,3 tỷ USD mỗi năm chỉ để chi cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các nước đang phát triển và những quốc đảo nhỏ có cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính từ bên ngoài với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, thông qua một công cụ mới của Liên hợp quốc.

Cụ thể, sau nhiều năm thảo luận, Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua đã nhất trí thông qua nghị quyết về việc thiết lập chỉ số tổn thương đa chiều (Multidimensional Vulnerability Index - MVI) để phản ánh tình trạng dễ bị tổn thương về mặt cấu trúc cũng như thiếu khả năng phục hồi về kinh tế, môi trường và xã hội của một quốc gia.

Được đánh giá và tổng hợp dựa trên số liệu, MVI sẽ bổ sung cho chỉ số về Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và các chỉ số khác về mức độ phát triển kinh tế-xã hội, qua đó trở thành công cụ mới giúp các quốc gia nói trên tiếp cận được nguồn tài chính lãi suất thấp.

Kể từ những năm 1990, các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính lãi suất thấp để đầu tư cho các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, do chỉ dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người. Trong khi đó, những nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.

Một số thậm chí đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới do biến đổi khí hậu với những đợt hạn hán tàn khốc, những cơn bão dữ dội và mực nước biển dâng cao. Vì vậy, việc áp dụng MVI sẽ đánh giá chính xác về khả năng tài chính của các quốc đảo nhỏ đang phát triển, qua đó tăng cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.

Theo ước tính của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các quốc đảo nhỏ đang phát triển cần khoảng từ 4,7-7,3 tỷ USD mỗi năm chỉ để chi cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hầu hết các quốc đảo nhỏ được phân loại là quốc gia có thu nhập trung bình trở lên, đồng nghĩa không được tiếp cận viện trợ quốc tế và nguồn tài chính ưu đãi dành cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.

Trải dài trên ba khu vực địa lý - từ Caribe, châu Phi đến Thái Bình Dương, nhiều quốc đảo nhỏ có chung những đặc điểm khiến những nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài: những vùng lãnh thổ nhỏ có dân cư sống rải rác và biệt lập, với mô hình kinh tế đơn giản và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Hơn nữa, một số quốc gia đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới do biến đổi khí hậu với những đợt hạn hán tàn khốc, những cơn bão dữ dội và mực nước biển dâng cao. Trong tình cảnh đó, nhiều quốc đảo nhỏ không đủ nguồn lực tài chính để xây dựng biện pháp ngăn chặn và ứng phó và cũng không đủ điều kiện để được hưởng viện trợ tài chính.

Ngoài việc tìm kiếm viện trợ từ bên ngoài, nhiều quốc đảo nhỏ đang phát triển cũng đang hướng tới cải cách nền kinh tế của chính mình. Các ưu tiên bao gồm phát triển những lĩnh vực năng lượng tái tạo và tham gia "nền kinh tế xanh" về đánh bắt hải sản bền vững và bảo tồn đại dương - một cơ hội quan trọng đối với các quốc gia này.

Theo nghiên cứu mới được Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam (PIK) công bố, tổn thất cho canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu ước tính lên tới 38.000 tỷ USD/năm vào năm 2050.

Nghiên cứu trên ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới. Chuyên gia nghiên cứu dữ liệu khí hậu Leonie Wenz của PIK cho rằng người dân trên thế giới nghèo hơn vì biến đổi khí hậu. Chi phí cho bảo vệ khí hậu thấp hơn nhiều so với thiệt hại này. Ước tính, chi phí dành cho các biện pháp nhằm giới hạn mức độ ấm lên toàn cầu ở 2 độ C vào năm 2050, so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, sẽ là khoảng 6.000 tỷ USD, tức là chưa bằng 1/6 tổn thất kinh tế nếu nhiệt độ ấm lên vượt mức 2 độ C.

Theo báo cáo của PIK, hầu hết các nền kinh tế đều sẽ chịu tổn hại do biến đổi khí hậu, trong đó các nước nghèo, nước đang phát triển chịu tác động mạnh nhất. Bên cạnh việc chi tiêu quá ít cho các biện pháp giới hạn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các chính phủ cũng chi chưa đủ mức cần thiết cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Báo cáo của PIK ước tính mức độ thiệt hại dựa trên những xu hướng nhiệt độ và lượng mưa đã được tính toán nhưng không tính đến các hiện tượng cực đoan thời tiết hoặc các thảm họa khác liên quan đến khí hậu như cháy rừng hoặc nước biển dâng. Báo cáo cũng mới dựa trên lượng khí thải đã được thải ra dù lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng kỷ lục.

Ông Achim Steiner, một quan chức của UNDP, cho biết: “Sự thật phũ phàng là đối với những quốc gia này, biến đổi khí hậu đã là một thực tế”. Nền kinh tế của những nước này vẫn yếu kém, do đó một sự kiện thời tiết cực đoan cũng có thể khiến sự phát triển của một quốc gia bị thụt lùi 5-10 năm.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc đảo nhỏ đều được phân loại là quốc gia có thu nhập trung bình trở lên, đồng nghĩa họ không thể tiếp cận viện trợ quốc tế và nguồn tài chính ưu đãi dành cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. Ngoài ra, nhiều nước cũng đang phải đối mặt với gánh nặng nợ nần. Liên hợp quốc ước tính các nước SIDS sẽ phải dành tới 15,9% thu nhập của chính phủ chỉ để trả lãi trong năm 2024.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguon-ta-i-chi-nh-quan-trong-doi-voi-nhung-nuoc-dang-phat-trien/343740.html