Thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá: vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực từ năm 2013. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện, tuy nhiên, để Luật PCTHTL đi vào cuộc sống, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó vấn đề cốt lõi là phải nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng.

Một chương trình truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá được tổ chức tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: T.L

Một chương trình truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá được tổ chức tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: T.L

Tại Quảng Trị, từ khi Luật PCTHTL có hiệu lực đến nay, công tác PCTHTL đã được triển khai tương đối đồng bộ. Việc triển khai thực thi Luật PCTHTL được UBND tỉnh chỉ đạo tích cực, xây dựng kế hoạch phù hợp với ban, ngành, đoàn thể và các địa phương. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá được coi là nhiệm vụ quan trọng để thay đổi hành vi trong công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, thời gian qua, nhận thức của người dân về tác hại của khói thuốc đã có sự thay đổi rõ rệt. Tỉ lệ người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh theo đó cũng có xu hướng giảm, tỉ lệ người cai thuốc lá tăng đáng kể.

Để thực hiện hiệu quả Luật PCTHTL, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tích cực phổ biến, triển khai Luật PCTHTL đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động; phổ biến tác hại của việc hút thuốc lá, hút thuốc thụ động, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật PCTHTL và các văn bản liên quan.

Đồng thời, chủ động xây dựng, ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong hoạt động PCTHTL. Lồng ghép phổ biến các nội dung của luật tại các hội nghị sơ kết, tổng kết, cuộc họp giao ban, các buổi sinh hoạt. Xây dựng nội quy, quy chế không hút thuốc lá nơi công sở. Đưa nội dung PCTHTL vào hương ước, quy ước tại khu phố, xã, phường.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHTL bằng nhiều hình thức. Ví như TP. Đông Hà đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh, bán lẻ sản phẩm thuốc lá thông qua nhiều hình thức như: mạng xã hội, Website...,tuyên truyền qua băng rôn, áp phích, tờ rơi; hướng dẫn treo biển cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, trường học, cơ sở y tế, bến tàu, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...

Sở Giáo dục và Đào tạo hằng năm đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng tin, bài và hình ảnh về lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, tác hại thuốc lá lên trang thông tin của đơn vị, trường học, các trang mạng xã hội; lồng ghép việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trong các cuộc họp, hoạt động tập thể. Tại huyện Vĩnh Linh, các xã, thị trấn, đơn vị thực hiện lồng ghép hơn 320 cuộc tuyên truyền, trên 300 cuốn sách, báo tuyên truyền và 240 khẩu hiệu, băng rôn về PCTHTL...

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, công tác PCTHCTL trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCTHTL còn bất cập, chồng chéo, gây khó khăn trong công tác xử lý. Các chế tài xử lý vi phạm Luật PCTHTL chưa đủ sức răn đe...

Bên cạnh đó, việc tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị, cơ sở không khói thuốc ở một số nơi chưa thực hiện triệt để. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số bộ phận người dân do thói quen hút thuốc và nhận thức về Luật PCTHTL chưa đầy đủ, dù được tuyên truyên, vận động bỏ thuốc lá, song việc cai thuốc lá hoàn toàn rất khó khăn. Hoạt động tuyên truyền chủ yếu lồng ghép tập trung trong tháng cao điểm hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 15-31/5 hằng năm...

Công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hút thuốc lá tại các nơi công cộng gặp nhiều khó khăn. Công tác triển khai Luật PCTHTL trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập vì thuốc lá vẫn được bán rộng rãi, công khai, việc vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng phổ biến...

Công tác tuyên truyền PCTHTL trong trường học mặc dù được triển khai nhưng vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến con em, chưa chủ động phối hợp với nhà trường nên khó khăn trong việc giáo dục PCTHTL cho học sinh. Hầu hết các nơi công cộng chưa có địa điểm dành riêng cho người hút thuốc lá.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau nên khó khăn cho giáo viên trong quá trình phát hiện. Thuốc lá đang được bày bán tràn lan, mọi nơi và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận, mua được kể cả học sinh nên rất khó quản lý...

Những khó khăn này ảnh hưởng lớn tới các nỗ lực PCTHTL và là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ làm cho tỉ lệ hút thuốc gia tăng trở lại nếu không tiếp tục có các biện pháp quyết liệt và kịp thời.

Trước những khó khăn, thách thức trên, để Luật PCTHTL đi vào cuộc sống, vấn đề cốt lõi cần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi thói quen, hành vi sử dụng thuốc lá. Do đó, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, về các ảnh hưởng của thuốc lá đối với những người trực tiếp sử dụng và cả người hút thuốc lá thụ động. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật PCTHTL, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đưa Luật PCTHTL thực sự đi vào cuộc sống.

T.L

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thuc-thi-luat-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-van-con-nhieu-kho-khan-thach-thuc-188771.htm