Nguồn thu hoạt động của A0 khi tách khỏi EVN có tính vào giá điện?

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xây dựng thông tư hướng dẫn về chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện để đảm bảo chi phí cần thiết cho hoạt động của A0 khi tách khỏi EVN. Trong khi đó, bản chất giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện là một thành phần được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

Bộ KH&ĐT vừa gửi Chính phủ báo cáo thẩm định Đề án tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) từ EVN để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Bản chất giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện là một thành phần được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

Bản chất giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện là một thành phần được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

Theo Bộ KH&ĐT, việc tách A0 (là một phần vốn và tài sản của EVN) để hình thành doanh nghiệp độc lập do Nhà nước làm chủ sở hữu là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và lộ trình quản lý, vận hành thị trường điện lực theo cơ chế thị trường.

Theo nội dung Đề án, vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) là doanh nghiệp sau khi tách khỏi EVN dự kiến là 735 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ hiện được tính theo mức vốn chủ sở hữu ước tính đến thời điểm 30/6/2023 (là 630 tỷ đồng) và vốn khấu hao cơ bản đã cấp cho các dự án của A0 đang thực hiện, chưa hoàn thành là 105 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính quý I/2023 thì vốn chủ sở hữu của A0 là khoảng 385 tỷ đồng, giá trị còn lại của danh mục tài sản bàn giao sang A0 tại thời điểm 30/6/2023 là hơn 578 tỷ đồng.

Theo Bộ KH&ĐT, NSMO là doanh nghiệp duy nhất thực hiện nhiệm vụ điều độ hệ thống điện quốc gia, việc đảm bảo cho doanh nghiệp có đủ nguồn lực để hoạt động và vận hành liên tục là hết sức quan trọng.

Do vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn, EVN rà soát, tính toán và khẳng định mức vốn theo như đề xuất trong Đề án đã đảm bảo cho NSMO hoạt động, vận hành ổn định sau khi tách ra hoạt động độc lập.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn, EVN bổ sung làm rõ căn cứ, các nội dung, hạng mục tài sản hình thành vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ của A0; Rà soát, các chi phí hoạt động, vốn lưu động của A0, chi phí hoạt động, vốn lưu động, vốn đầu tư cho NSMO hoạt ổn định đến hết năm 2023 (trong thời gian chuyển giao từ Ủy ban Quản lý vốn sang Bộ Công Thương).

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT cho rằng để NSMO có thể hoạt động, liên tục và ổn định sau khi thành lập để chuyển giao về Bộ Công Thương. Giai đoạn 1, Ủy ban Quản lý vốn, EVN cần phối hợp với Bộ Tài chính để bảo đảm kinh phí hoạt động cho doanh nghiệp; Giai đoạn 2: Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thống nhất cơ chế tài chính tạo nguồn thu cho NSMO. Giai đoạn 3, sau khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực thi hành, đề nghị Bộ Công Thương xây dựng cơ chế tài chính để đảm bảo NSMO sẽ có cơ chế để hoạt động.

“Việc tách A0 từ EVN để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ nên xem xét, quyết định khi có các cơ chế tài chính đảm bảo cho NSMO hoạt động và vận hành ổn định”, Bộ KH&ĐT cho biết.

Bên cạnh đó, văn bản của Bộ KH&ĐT có trích dẫn ý kiến của Bộ Tài chính tại cuộc họp ngày 16/8/2023 vừa qua. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị trong đề án phải làm rõ cơ sở xác định giá trị vốn điều lệ mà EVN bàn giao cho NSMO theo giá trị nào để doanh nghiệp có cơ sở thực hiện (trong đó cần rà soát về nguồn vốn để đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật và kế toán).

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xây dựng thông tư hướng dẫn về chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện để đảm bảo chi phí cần thiết cho hoạt động của A0.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng về cơ chế tài chính cho công ty NSMO tại đề án A0 có nội dung chưa rõ, chưa phù hợp. Cụ thể, đối với giai đoạn chưa áp dụng “giá điều độ hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện”, cơ chế tài chính chưa làm rõ được việc NSMO thu hồi chi phí bằng cách nào và căn cứ pháp lý cho việc NSMO thu hồi chi phí.

Để xử lý vướng mắc này, Bộ Công Thương đề xuất NSMO thu hồi chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện thông qua việc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với EVN kể từ ngày tách khỏi EVN.

Theo Bộ Công Thương, bản chất giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện là một thành phần được tính vào giá bán lẻ điện (theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân), tức là phần chi phí này được thu từ người sử dụng điện cuối cùng và trả cho việc sử dụng dịch vụ. Do đó, ở giai đoạn trước mắt, Bộ Công Thương cho rằng phương án thu giá đối với bên mua điện là phù hợp.

Để xử lý vấn đề này, Bộ Công Thương kiến nghị Đề án A0 chỉ nên quy định “NSMO ký hợp đồng đơn giá theo sản lượng điện mua bán, trao đổi trên hệ thống điện và thị trường điện”.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nguon-thu-hoat-dong-cua-a0-khi-tach-khoi-evn-co-tinh-vao-gia-dien-1094878.html