Nguồn thu từ sử dụng đất đạt 93,7 nghìn tỷ đồng
Trong 9 tháng năm 2020, ngành tài nguyên và môi trường đã có những đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong đó, thị trường quyền sử dụng đất của bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, nguồn thu từ đất, tiền sử dụng đất đạt 93,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5 nguồn thu nội địa (đạt 97,7% so với kế hoạch).
Cũng trong 9 tháng, việc thu thuế bảo vệ môi trường đạt được 40 nghìn tỷ đồng. Chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34%.
Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở địa phương tăng từ 80,03% lên 85,62%; chỉ số kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công đạt 86,35%.
Về tăng trưởng trong khai thác khoáng sản quặng kim loại tăng 14,8%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,7%, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản đạt gần 2 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt 90%; số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%...
Đáng chú ý, việc phối hợp tốt với các Bộ, ngành địa phương trong công tác dự báo chính xác các xu thế thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu đã góp phần giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tỷ lệ khiếu kiện trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giảm trung bình từ 7-9% qua hàng năm. Riêng trong 9 tháng năm 2020 giảm 5,35% so với cùng kỳ năm 2019. Số vụ vi phạm pháp luật về môi trường giảm 4,26%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tài nguyên và môi trường vẫn còn nhiều thách thức phải đối diện trong thời gian tới. Tại Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, nhiệm vụ đề án đã đăng ký trong chương trình xây dựng văn bản pháp luật, chương trình công tác; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để xảy ra tình trạng chậm trình, văn bản không phù hợp với thực tiễn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội.
Đối với từng đơn vị, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường chủ trì tập trung cùng với các đơn vị và cơ quan thẩm tra của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng để giải trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); triển khai xây dựng các nghị định quy định chi tiết thi hành, các quy chuẩn tiêu chuẩn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền tốt các chính sách của ngành.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Tổng cục Quản lý đất đai hoàn thiện sớm và trình Thủ tướng ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, khuyến khích tích tụ tạo thêm dư địa cho tăng trưởng kinh tế. Tập trung tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013; xây dựng kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI để sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013.
Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu đề xuất những quan điểm, chủ trương lớn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tập trung triển khai lập các quy hoạch quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng quy hoạch đất đai quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia nhằm bảo đảm các định hướng lớn, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn, kết nối với quy hoạch để tạo sự liền mạch, phát huy tiềm năng thế mạnh về tài nguyên cho phát triển bền vững, mở cửa hội nhập.