Nguồn thực phẩm ngày càng có chất lượng

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng được người dân, doanh nghiệp quan tâm. Nhờ đó, thực phẩm ngày càng có chất lượng, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Tăng quy mô sản xuất VietGAP

Thời gian qua, ngành chức năng đã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, hộ dân áp dụng các quy trình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam (VietGAP) ngày càng được nhân rộng, tăng nhanh về quy mô, số hộ tham gia.

 Xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) đạt chuẩn VietGAP ngày càng được ưa chuộng

Xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) đạt chuẩn VietGAP ngày càng được ưa chuộng

Đến nay, toàn tỉnh có 140 cơ sở sản xuất nông nghiệp được chứng nhận VietGAP, với tổng diện tích hơn 21.400 ha, sản lượng khoảng 88.200 tấn/năm. Điều này đã góp phần vào việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng, ổn định.

Bà Trần Thị Thanh Tuyền, có 1 ha xoài tại xã Đắk Gằn (Đắk Mil) cho biết, năm 2020, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng, bà và nhiều hộ dân khác đã thực hành quy trình sản xuất xoài VietGAP.

Bà đã sử dụng phân bón đúng lúc, đúng cách, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly cho xoài sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thực hành VietGAP còn góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân người trực tiếp sản xuất, bảo vệ môi trường xung quanh, hướng đến đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.

Giá xoài VietGAP bán được cao hơn so với trước, thị trường cũng ổn định. Khoảng gần 1 tháng nay, giá xoài đạt 28 triệu đồng/tấn, tăng 3 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, năm 2020, số lượng nông dân được chứng nhận sản xuất VietGAP trong trồng trọt đạt nhiều nhất từ trước đến nay, với 196 hộ. Quy mô vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP trong năm 2020 cũng lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 283 ha, sản lượng dự kiến đạt 2.195 tấn.

Trong đó, không chỉ các nông hộ nhỏ lẻ mà đã hình thành các vùng sản xuất theo quy trình VietGAP với quy mô lớn. Điển hình như vùng trồng xoài VietGAP ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil). Người trồng lúa ở xã Buôn Choáh (Krông Nô) cũng đã tập hợp, cùng thực hành chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm lúa gạo.

Đến nay, tổng diện tích sản xuất lúa ở Buôn Choáh được cấp chứng nhận VietGAP là 440,87 ha, tăng 390 ha, với 304 hộ tham gia, tăng 279 hộ so với năm 2018.

 Sản phẩm bò khô Đức Tâm (Cư Jút) được cơ quan chuyên môn đánh giá bảo đảm an toàn thực phẩm

Sản phẩm bò khô Đức Tâm (Cư Jút) được cơ quan chuyên môn đánh giá bảo đảm an toàn thực phẩm

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Hàng năm, các đơn vị chuyên môn luôn thực hiện việc thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Từ đó, kịp thời phát hiện những hạn chế vi phạm để hướng dẫn khắc phục.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, riêng năm 2020, đã có hơn 200 cơ sở sản xuất thực phẩm được thẩm định theo các tiêu chí cụ thể. Kết quả cho thấy, ý thức chấp hành bảo đảm ATTP của các chủ cơ sở ngày càng tốt, qua đó đáp ứng nhu cầu về sức khỏe cho người tiêu dùng.

Năm 2020, lực lượng chuyên môn cũng lấy 502 mẫu thực phẩm để kiểm tra, xét nghiệm ATTP. Kết quả, có 7 mẫu vi phạm, trong đó 2 mẫu thịt gà tồn dư chloramphenicol; 4 mẫu giò, chả chứa hàn the.

Cơ quan chuyên môn đã tổ chức thẩm tra, đánh giá và cấp 42 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 74 người và 48 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…

Bài, ảnh: Hồng Thoan

1,752

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/nguon-thuc-pham-ngay-cang-co-chat-luong-83989.html